Canh cháo bồi của tía

.

Tía tôi là dân miền Tây chính gốc. Nhưng ông bươn chải từ nhỏ, lang bạt mần thuê mần mướn nhiều miền nên nếp sống lai mỗi nơi một xíu, nổi bật nhất là các món ăn ông nấu, không có món nào mang đậm dấu ấn vùng, miền mà chỉ mang phong cách độc lạ “tía tui”.

Hồi đó, tía hay nấu đãi cả nhà món canh cháo bồi. Món gì mà ngộ từ lúc nghe tên, đã là cháo sao còn có chữ canh đi kèm. Tía nói món này là món con nhà nghèo, ăn cháo nhưng phải chan độn với cơm. Nguyên liệu để nấu thì chỉ cần gom vét những thứ trong nhà, ngoài vườn là có.

Nhưng ngày đó, mặc kệ là món nhà giàu hay nhà nghèo, tôi tự hào khi kể về món này cho đám bạn lắm, vì tụi nó đều không biết canh cháo bồi là gì, tôi lại có cớ lên mặt nhìn tụi nó mắt tròn mắt dẹt lắng nghe. Mà lạ, đến cả người lớn xóm tôi cũng ít người biết chứ nói chi trẻ nít. Có bận nhỏ Hoa sang nhà tôi được đãi món cháo bồi cứ về nhà nằng nặc đòi má nó nấu cho ăn. Báo hại mợ Tư phải sang cầu cứu má tôi chỉ cho cách nấu.

Sau này, khi có dịp đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tôi biết món này không phải là món bí truyền của nhà tôi, càng không phải do tía tôi sáng chế ra. Nhưng cách ông nấu thì quả thật có một không hai. Phải nói thêm, tía má tôi ngày xưa lãnh hàng gia công về làm ăn sản phẩm, nên thời gian nấu ăn là thời gian dè sẻn giữa giờ, các bước nấu đều được tinh giản sao cho nhanh chóng nhất. Không chỉ cắt lược về thời gian, cả nguyên liệu cũng bị tiết chế cho phù hợp với phần ngân sách ít ỏi chi cho từng ngày.

Chẳng hạn như với món canh cháo bồi này. Tía sẽ vo ít gạo rồi ngâm vào nước ấm từ sáng. Tới bữa trưa, ông bắc nồi nước, cho đậu bắp nguyên trái đã rửa sạch và cắt hai đầu vào. Trong thời gian đó, ông giã gạo đã ngâm bằng cối, chờ nước sôi thì cho gạo vào quậy lên. Đậu bắp được vớt ra tô, dùng vá đè ra thành từng sợi theo sớ rồi cho lại vào nồi nêm nếm vừa ăn. Tía tôi chỉ nêm độc muối và bột ngọt cho mọi món ăn, kể cả cá kho hay canh chua ông cũng không bao giờ thêm đường.

Khi gạo đã nở bung, nhắc nồi xuống rắc lên ít ngò gai xắt nhuyễn và thật nhiều tiêu. Tôi cá rằng tía đã cho cả bụm tay tiêu vào nồi mỗi khi nấu món này. Đặc biệt, ông chẳng bao giờ mua tiêu xay sẵn, ông thích mua hạt và về nhà tự xay, dùng tới đâu xay tới đó. Nhưng nhờ vậy, món canh cháo bồi của tía dậy mùi vị rất riêng, dù không thịt cá, tôm khô, không bẹ môn hay bánh quẩy như những nơi khác. Món canh của ông thơm ngào ngạt trong những ngày mưa khi hơi lạnh vẫn còn phảng phất trong không khí. Xì xụp một chén canh cháo bồi, nghe vị cay của tiêu xé ở đầu lưỡi rồi nhanh chóng tan ra, theo cái trơn mướt, bùi bùi của đậu bắp tràn vào cuống họng, xuống bụng, nhưng mũi vẫn ngửi được hương tiêu nồng nàn cùng vị thơm của gạo mới.

Mùi vị ấy theo tôi suốt cả quãng đời học sinh, có bận nhà tôi ăn tận bốn buổi canh cháo bồi một tuần. Tía nói trời mưa, ăn canh này ấm bụng, khỏi lo mấy đứa bệnh. Nhưng tôi thừa biết nhà đang túng tiền, trời mưa hàng gia công ra trễ mà tiền thu về cũng muộn. Khi đó, canh cháo bồi là sự lựa chọn tuyệt vời cho một bữa ăn rẻ tiền, dễ nuốt.

Món canh cháo bồi của tía nhìn có vẻ xuề xòa dễ nấu nhưng tía lại cực kỳ khắt khe với chị em tôi trong việc ăn uống. Ông kỵ nhất giờ ăn mà mỗi người cầm một tô ngồi mỗi nơi, nên dù chỉ có độc một món nhưng cứ đúng giờ là cả nhà ngồi cùng nhau ăn cơm. Những hôm trời mưa lớn, phải trải giấy báo lên giường ngủ - chỗ không dột duy nhất trong nhà để bày mâm cơm, vừa ăn vừa nghe tiếng mưa từ mái nhà rơi xuống thau hứng bên dưới tong tỏng. Vậy mà bữa cơm nào cũng rôm rả, tía nói, thằng bần có bao giờ chiếm được nỗi vui của ta đâu!

Chiều nay, Sài Gòn lại đổ mưa, bỗng thèm cái gì ấm nóng thân thuộc, con gái ghé chợ mua ít đậu bắp, ngò gai, về nấu nồi canh cháo bồi giống ngày xưa tía nấu. Cũng đậu bắp non dầm nhừ, cũng thật nhiều tiêu xay cay xé lưỡi, mà sao nghe khác lắm… Hay Sài Gòn quá rộng, nên hơi nóng của nồi cháo bồi quê vẫn không đủ tỏa đầy.

Con gái bỗng nhớ quay quắt, bữa cơm cùng cả nhà quây quần chỉ có mỗi chén mắm ớt cay và nồi cháo bồi nóng hổi, vậy thôi cũng đủ sưởi ấm cả chiều mưa.

Thanh Lam

;
;
.
.
.
.
.