Huyện Thăng Bình (Lễ Dương cũ) không phải là vùng đất học tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam. Về khoa bảng thời phong kiến, huyện chỉ xếp thứ ba của tỉnh sau Điện Bàn và Duy Xuyên. Tuy nhiên, huyện còn giữ được đầy đủ danh sách những người đỗ đạt thời phong kiến, không chỉ các vị đỗ trung, đại khoa (cử nhân, phó bảng, tiến sĩ) mà cả những người chỉ mới đỗ tú tài.
Mộ Nguyễn Bá Tuệ ở Tuân Dưỡng, xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: PHÚ BÌNH |
Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí
Thăng Bình còn giữ được đầy đủ danh sách khoa bảng dù trải qua chiến tranh khốc liệt, sự lãng quên và tàn phá của thời gian nhờ 9 tấm bia đá ở Văn thánh của huyện Lễ Dương trước đây, đặt tại làng Hà Lam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) vẫn được “âm thầm” bảo tồn. Trong số 9 tấm bia được đánh số từ 1-9 có 7 tấm (từ số 2-8) là Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí, nghĩa là bia ghi tên những bậc đỗ đạt làm quan của huyện Lễ Dương.
Công đầu của việc sưu tầm, hệ thống và khắc dựng các tấm bia này thuộc về cụ Phó bảng Nguyễn Thuật (1842-1912), một danh sĩ hàng đầu của huyện từng làm Thượng thư cả 6 bộ ở triều, trải qua 9 trong số 13 triều vua nhà Nguyễn. Không những là người chủ trương, Nguyễn Thuật còn “đảm nhận việc tra cứu sách sử, dốc lòng xét duyệt, bổ sung, đính chính đầy đủ cho sách “khoa hoạn chí” của huyện” (sách ghi danh sách khoa hoạn của huyện được địa phương biên soạn).
Kế đến phải kể đến công của Tri phủ Thăng Bình là Tiến sĩ Lê Bá Hoan, Tiến sĩ Nguyễn Trạc, nguyên Giáo thọ Thăng Bình cùng các vị cử nhân Nguyễn Hữu Quang, Nguyễn Chức; Phó bảng Võ Vỹ. Tấm bia số 6 còn ghi lại lời của Tri phủ Lê Bá Hoan: “Ở huyện ta, sự nghiệp - công trạng của các bậc danh hiền cùng những người khoa danh đỗ đạt từng được Thái tử Thiếu bảo Hiệp biện Đại học sĩ Hà Đình Nguyễn Tướng công ủy nhiệm cho ông Ngọc Đình Giáo thụ Nguyễn Thai điều tra hỏi han dò xét, thu thập để biên chép thành sách theo từng mục… Hoan tôi (Lê Bá Hoan - NV) từ mùa xuân năm ngoái đến trấn nhậm đất này đã cùng vị giáo thụ Nguyễn Thai nói chuyện trao đổi với các thân hào trong huyện khiến lòng rất ái mộ bèn mượn bản thảo rồi cung kính xin duyệt tuyển làm thành một bản sau đó cho thợ khắc vào bia…” (Nguyễn Bằng, Nguyễn Văn Hà, Bia Văn thánh và một số văn bia Hán Nôm tại huyện Thăng Bình, UBND huyện Thăng Bình, năm 2015, trang 15).
Nguyễn Hữu Quang được phân công sưu tầm, tập hợp danh sách. Nguyễn Chức và Võ Vỹ là những người chấp bút trên văn bia.
Dựa vào 7 tấm bia, ta biết khoa bảng của huyện thời Nhà Nguyễn có 1 tiến sĩ, 3 phó bảng, 32 cử nhân và 146 tú tài (hiện nay không có huyện nào của tỉnh Quảng Nam còn giữ được đầy đủ danh sách các vị đỗ tú tài).
Trong số khoa bảng đó có hai gia đình tiêu biểu: gia đình cụ Nguyễn Đạo ở làng Hà Lam và gia đình cụ Nguyễn Văn Thư ở làng Tuân Dưỡng (nay thuộc xã Bình An). Gia đình cụ Nguyễn Đạo có 1 Phó bảng (Nguyễn Thuật), 3 cử nhân (Nguyễn Tạo, Nguyễn Duật, Nguyễn Chức) và 3 tú tài (Nguyễn Đạo, Nguyễn Suyền, Nguyễn Kinh). Gia đình cụ Nguyễn Văn Thư thì bản thân cụ đỗ tú tài năm 1819, con trai trưởng Nguyễn Bá Tuệ đỗ Tiến sĩ (1841), con trai thứ Nguyễn Vĩnh Trinh đỗ cử nhân (1843), người con út Nguyễn Thế Bình đỗ liền 3 khoa tú tài (1841, 1842, 1846).
Tiến sĩ duy nhất của huyện
Nguyễn Bá Tuệ là tiến sĩ duy nhất của khoa bảng Thăng Bình, cũng là tiến sĩ đầu tiên của vùng Nam Quảng Nam. Ông sinh năm 1812 tại làng Tuân Dưỡng (dân gian thường gọi là Tuần Dưỡng), nay là thôn Tuân Dưỡng, xã Bình An, huyện Thăng Bình. Ông là con trai trưởng của cụ Tú Nguyễn Văn Thư. Cụ Thư đỗ sinh đồ (tú tài) khoa 1819, là một trong những người đỗ đạt sớm của huyện (chỉ sau Tráng Văn Đỗ, đỗ khoa 1813) và là người đỗ tú tài đầu tiên của tổng An Thái trung.
Ba khoa thi Hương liên tiếp vào các năm 1831, 1834 và 1837, Nguyễn Bá Tuệ đều chỉ đỗ tú tài. Năm 1838, ông được cho vào học ở Quốc tử giám tại kinh đô Huế, được đặc cách thi Hội và đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân tại khoa thi năm Tân Sửu, 1841. Khoa này ông đỗ thứ 6 trong số 11 tiến sĩ (có 2 hoàng giáp).
Sau một thời gian tập sự ở Kinh, ông được bổ làm Tri phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là địa phận hai quận Tân Bình, Tân Phú của Thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1848, do tranh chấp quyền lực giữa Tổng đốc Định Biên (Biên Hòa - Gia Định) là Ngô Văn Giải và Án sát sứ Gia Định là Nguyễn Ba, Nguyễn Bá Tuệ bị vạ lây. Ông bị bãi chức, phạt trượng và đi đày. Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: “Tổng đốc Định - Biên là Ngô Văn Giải cùng với án sát sứ là Nguyễn Ba tham hặc lẫn nhau (Văn Giai sớ tâu hặc Ba ăn nói khinh nhờn và thông đồng với Tri phủ Tân Bình là Nguyễn Bá Tuệ giấu cướp tha kẻ phạm, nhưng đem riêng tờ sớ nhờ thị vệ là Nguyễn Cửu Duyên đề đạt lên. Ba cũng đem tội nhũng tệ của Văn Giai tham hặc lẫn nhau). Vua sai giải chức cả hai người, rồi cho thự Lại bộ Thượng thư Nguyễn Đức Hoạt đổi thự Tổng đốc Định - Biên. Lại sai Lại bộ Tả tham tri là Phạm Thế Trung sung chức Khâm sai đại thần đi cùng với Đức Hoạt hội đồng tra xét. Rồi sau bản án dâng lên, đều cho là Văn Giai và Ba đều vì sự trạng về việc riêng càn bậy phải cách chức về sổ dân chịu sai dịch; Nguyễn Bá Tuệ phạt trượng đem đi đồ (hình phạt bắt phải đi đày, hoặc giam kín ở một nơi - ĐNCT)”.
Đau buồn trước tai họa này, Nguyễn Bá Tuệ lâm bệnh và mất năm 1851, khi chỉ mới 39 tuổi. Mộ ông hiện nay ở thôn Tuân Dưỡng, xã Bình An, huyện Thăng Bình.
Nhà nghiên cứu Phú Bình đến viếng mộ ông và cho biết: “Trước mộ có câu đối đầy cảm hoài: “Tằng vu khoa giáp lưu thanh nhãn/ Ứng vị giang sơn tích bạch mi”. Tạm dịch ý: Từng dự vào hàng khoa giáp, được nổi tiếng/ Vì việc nước phải chịu đựng, tiếc cho người tài!”. Phải chăng tác giả câu đối cũng muốn chia sẻ nỗi hàm oan của Nguyễn Bá Tuệ! Tiếc cho một bậc khoa bảng tài hoa nhưng yểu mệnh!
LÊ THÍ