Đà Nẵng qua cái nhìn của người Pháp ở thế kỷ 19

.

Trong những năm qua, trên tinh thần khai thác những tài liệu của người Pháp về Đông Dương, nhiều cuốn sách được dịch và xuất bản tại Việt Nam cho chúng ta cái nhìn sâu hơn về Việt Nam. Trong đó, ở thế kỷ 19, với vai trò, vị trí của mình, Đà Nẵng được người Pháp tiếp cận và thể hiện bằng những góc nhìn khác biệt…

Cảnh cấy lúa (được mô tả là ven sông Cổ Cò). Ảnh: N.T (chụp lại tranh minh họa trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ)
Cảnh cấy lúa (được mô tả là ven sông Cổ Cò). Ảnh: N.T (chụp lại tranh minh họa trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ)

Trong cuốn Đế quốc An Nam và người dân An Nam (Tổng quan về địa lý, sản vật, kỹ nghệ, phong tục và tập quán An Nam) do Jules Silvestre cập nhật và chú thích (đăng lần đầu trên Courrier de Saigon 1875-1876) không đề cập về Tourane/Đà Nẵng trong mục “Những đô thị chính”. Cuốn sách tổng quan không có ghi chú về tác giả này, được cho là khởi đầu từ trước năm 1847 và hoàn thành vào năm 1858 - lúc thực dân Pháp tấn công xâm lược Việt Nam qua cửa biển Đà Nẵng.

Vị trí/vị thế của Tourane/Đà Nẵng

Theo nội dung các bài viết trong cuốn sách, lúc này, Đàng Trong có 3 đô thị chính là Nha Trang, Quy Nhơn “và cuối cùng là Fai-fo, có vùng lân cận rất đáng chú ý, có một số hang động tráng lệ và một cung điện được chạm khắc bằng đá cẩm thạch”. Trong khi đó, ở mục “Các hòn đảo”, các tác giả lại giới thiệu “Tourane hay Han-san, đã nhượng lại cho Pháp vào năm 1787(*) với một vùng đất cằn cỗi, hẹp dài bốn mươi dặm và rộng tám đến mười dặm, với đảo Hải-wen và Fai-fo. Pháp chưa bao giờ chiếm hữu nó. Cảng này, có thể được xác định bằng cách kiểm tra bản đồ, ở một vị trí độc nhất và rất thuận lợi…”.

Việc nhìn nhận, đánh giá về Tourane/Đà Nẵng qua những dòng ghi chép này cần được làm sáng tỏ. Theo tác giả Nguyễn Chí Trung trong bài viết Về danh xưng Faifo - Hội An: “Xét theo nghĩa rộng, Faifo - Hội An là danh xưng của một vùng đất, có Đô thị - thương cảng/ phố cảng quốc tế nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam được hình thành vào cuối thế kỷ XVI. Không gian địa lý của nó bao gồm: Cửa biển - Cửa Đại và Cửa Hàn; Tiền cảng - nơi neo đậu tàu lớn, chờ làm thủ tục hải quan như Touron, Trà Nhiêu, Trung Phường…; các bến - chợ: Đà Nẵng, Trà Nhiêu, Thăng Bình, Thanh Hà, Trà My… Tất cả đều trở thành vệ tinh trực tiếp của trung tâm phố chợ/thị Faifo - Hội An…” (nguồn: hoianheritage.net - Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An). Nội dung này cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn, ít nhất là từ người Pháp, về vị trí/vị thế của Tourane/Đà Nẵng so với Faifo - Hội An ở thời điểm đó.

Tư liệu hữu ích cho các nhà nghiên cứu

Sau đó, trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc kỳ (Une campagne au Tonkin) được ghi chép từ tháng 2-1884 đến giữa tháng 4-1886, bác sĩ Charles-Esdouard Hocquard mô tả rõ cảnh Đà Nẵng khi mới tiếp cận lần đầu cũng như những ngày trải nghiệm ở đây vào tháng Giêng năm 1886…: “Lúc tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng; chúng tôi thả neo ngay giữa vịnh Đà Nẵng, bên cạnh hai đại chiến hạm Pháp đang du ngoạn trong vùng này. Từ trên boong tàu, cảnh tượng trông thật lộng lẫy: biển xanh ngắt, phẳng lặng như một tấm gương, xung quanh là những ngọn núi cao cây cối um tùm đỉnh khuất trong sương mù; xa hơn về phía bắc, mũi Cù lao Hàn nhô ra biển như một móc sắt, tạo thành một con lạch nhỏ mà tàu của chúng tôi đã đi vào đêm qua; về phía nam, dãy núi thấp dần cho tới tận dải cát mà phải dùng ống nhòm chúng tôi mới thấy được những ngôi nhà bé tí nằm ngay cửa sông Hàn…”.

Tại cửa Hàn, đoàn bác sĩ Hocquard tham quan Ngũ Hành Sơn bằng thuyền tam bản có buồm qua sông Hàn ngược sông Cổ Cò. Tại Ngũ Hành Sơn, bác sĩ Hocquard mô tả tỉ mỉ về các hang động, chùa chiền… Trên đường trở về, ông cũng đã có những ghi chép thú vị về phong tục tế lễ trên sông khi có người chết đuối; cảnh làm nông với hoạt động cấy lúa và tát nước hai bên bờ sông. Những ghi chép tỉ mỉ, thú vị đó cùng những bức ký họa cho chúng ta bức tranh sinh động về cảnh vật, cuộc sống bên bờ sông Hàn và sông Cổ Cò những năm cuối thế kỷ thứ 19 qua góc nhìn của người nước ngoài: đầy lạ lẫm và hoang sơ!

Đặc biệt, hành trình từ cửa Hàn đến làng Nam Ô ra Huế qua đèo Hải Vân được tác giả mô tả khá chi tiết; qua đó cho người đọc hôm nay mường tượng một cách tốt nhất về cảnh vật cũng như lối sinh hoạt của người dân dọc tuyến đường này; không chỉ giúp ích cho những nhà nghiên cứu lịch sử mà cả cho những người yêu thích khám phá văn hóa, lịch sử của một vùng đất. Như ở làng Nam Tùng (tên cũ của làng Nam Chơn/Chân - ND), “bên cạnh pháo đài (Fort Isabelle) là một vườn cây xanh che phủ những mái ngói đắp sứ của một ngôi chùa có lịch sử khá đặc biệt. Người ta nói rằng pháo đài này có một khẩu đại bác tầm xa khiến cho tàu bè qua lại của hải tặc lảng vảng trong vùng này phải khiếp sợ. Kỷ niệm về khẩu đại bác vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân; khi quân Tây Ban Nha chạy khỏi pháo đài, dân làng gần đó đã dựng lên một ngôi chùa và đặt tên là chùa Đại Bác”. Theo người dịch thì “chưa tra cứu được ngôi chùa này”.

Từ mô tả một cách khái quát của các tác giả khuyết danh, đến những ghi chép thú vị của bác sĩ Charles-Esdouard Hocquard, khoảng chừng 40-50 năm, cũng đã cho thấy sự thay đổi lớn lao về vai trò, vị trí của Đà Nẵng; đồng thời qua đó cung cấp một cái nhìn thú vị và lạ lẫm của người Pháp về Tourane/Đà Nẵng. Bên cạnh những tài liệu, cuốn sách đã công bố và được dịch sang tiếng Việt, vẫn còn đó những tài liệu cần được khai thác, để có một cái nhìn ngày càng toàn diện, đa chiều từ người Pháp đối với mảnh đất có vị trí địa lý đặc biệt, có bề dày văn hóa và lịch sử này; từ đó góp phần vào công tác nghiên cứu, phục vụ cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới.

ANH QUÂN

(*) Hiệp ước Versailles 1787 là hiệp ước được ký kết giữa một bên là hầu tước Montmorin đại diện cho vua nước Pháp Louis XVI và một bên là Pigneau de Behaine thay mặt Nguyễn Ánh. Nội dung chủ yếu là việc Nguyễn Ánh đồng ý cắt lãnh thổ Việt Nam cho Pháp để Pháp đưa quân đội, vũ khí sang giúp đánh nhà Tây Sơn. Do nhiều yếu tố, đặc biệt là cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, nên nước Pháp đã không thi hành Hiệp ước Versailles 1787. (Nguồn: Wikipedia)

;
;
.
.
.
.
.