Lộ trình gian nan của bản quyền vắc-xin Covid-19

.

Việc chính phủ Mỹ bất ngờ tuyên bố lập trường ủng hộ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19 khiến dư luận kỳ vọng về một giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu hụt vắc-xin, nhưng vấn đề này phức tạp hơn thế.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Thánh đường Trung tâm (Central Mosque) trên phố ở ngoại ô Ehrenfeld tại Cologne (Đức) ngày 8-5-2021. Ảnh: Reuters
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Thánh đường Trung tâm (Central Mosque) trên phố ở ngoại ô Ehrenfeld tại Cologne (Đức) ngày 8-5-2021. Ảnh: Reuters

Cho tới trước khi chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố quan điểm về bỏ bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19, đề xuất do Ấn Độ và Nam Phi khởi xướng đã được bàn thảo và tranh luận nhưng không quá sôi nổi. Mọi chuyện chỉ sôi động khi Mỹ - thành viên lớn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vốn luôn ngăn chặn đề xuất kiểu như vậy - chính thức lên tiếng ủng hộ.

Rào cản từ châu Âu và các hãng dược

Trước hết, bối cảnh chung cho thấy cần có hành động cấp thiết về vấn đề bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19 là tình trạng dịch bệnh tại Ấn Độ và Brazil đang có nguy cơ lan rộng. Dư luận thế giới lo lắng hơn khi biết loại biến thể SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Ấn Độ có thể lan ra những nơi khác.

Bất kể quan điểm của Tổng thống Joe Biden ủng hộ việc Washington sẽ đàm phán với WTO về việc gỡ bỏ bảo hộ bản quyền công nghệ vắc-xin ngừa Covid-19, các nhà sản xuất vắc-xin Mỹ và các nước châu Âu vẫn tỏ ra không đồng thuận. Không nhắc tới chuyện cổ phiếu các hãng dược lập tức rớt giá sau tín hiệu “bật đèn xanh” của Washington, nhiều hãng dược phương Tây kiên quyết phản đối với lý do rằng, các nước nghèo hoặc đang phát triển sẽ không thể xây dựng năng lực sản xuất vắc-xin nhanh chóng và bảo đảm các tiêu chuẩn công nghệ liên quan.

Theo ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành (CEO) hãng Pfizer, đề xuất đó sẽ làm gián đoạn những tiến bộ đã đạt được trong quá trình thúc đẩy nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19. Nhiều hãng dược và một số quan chức Mỹ lo ngại việc bỏ bảo hộ bản quyền công nghệ vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc “đánh cắp” bí mật thương mại, đi tắt hàng chục năm nghiên cứu và vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực dược phẩm sinh học.

Liên minh châu Âu (EU), trong đó có những nước chủ chốt như Đức, Pháp, đều bày tỏ quan điểm không ủng hộ đề xuất nói trên. Trong cuộc họp chung của khối ngày 7-5, EU cho rằng, vấn đề mấu chốt để chấm dứt đại dịch Covid-19 là sản xuất và chia sẻ vắc-xin nhanh hơn, nhưng không có nghĩa EU ủng hộ bỏ bảo hộ bản quyền vắc-xin. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn “kêu gọi ngược” Mỹ và Anh, yêu cầu hai nước này gỡ bỏ các quy định ngăn chặn xuất khẩu vắc-xin và các thành phần bào chế vắc-xin của họ sang các nước khác.

Một số quan chức EU chia sẻ quan điểm với đài Channel News Asia rằng, quá trình đàm phán để nhất trí bỏ bản quyền vắc-xin có thể mất nhiều năm ở WTO. Chắc chắn viễn cảnh đó khiến nó không phải là giải pháp thiết thực cho đại dịch hiện nay.

Lộ trình dài, phức tạp

Giả định trong tình huống đề xuất bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin ngừa Covid-19 được WTO thông qua với sự ủng hộ của EU, có thể hình dung quyết định này sẽ làm thay đổi đáng kể cách thức các hãng dược trên toàn cầu tiếp cận các công nghệ (bao gồm cả những bí mật thương mại) trong việc sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19.

Xét về logic, không thể phủ nhận quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ vắc-xin chính là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt vắc-xin ngừa Covid-19 hiện nay. Do đó, gỡ bỏ rào cản này, nguồn cung vắc-xin sẽ tăng lên, nếu xét về lý thuyết. Song, vẫn còn những vấn đề thực tế cho thấy lộ trình này rất phức tạp. Chẳng hạn, quá trình chuyển giao công nghệ vắc-xin ngừa Covid-19, đặc biệt với các vắc-xin sử dụng công nghệ mới Messenger RNA (mRNA) của Pfizer/BioNTech và Moderna, không hề đơn giản.

Báo Hindu (Ấn Độ) dẫn ví dụ hãng Pfizer chỉ ra rằng, để sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19, họ cần dùng tới 280 thành phần khác từ 86 nhà cung cấp, cùng các thiết bị sản xuất rất chuyên dụng khác. Hãng dược Moderna từng miễn trừ bản quyền công nghệ vắc-xin của họ trong tháng 10 năm ngoái, loại vắc-xin dùng công nghệ mRNA, nhưng đến nay vẫn chưa có hãng dược nào công bố sẽ thử sao chép công nghệ của Moderna.

Một câu hỏi nữa cũng đang đặt ra mà chưa có câu trả lời rõ ràng: Việc “cởi trói” cho bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19 có giúp làm tăng nguồn cung vắc-xin hiệu quả ở những nước đang cần nhất hay không?
Và một vấn đề nữa là thời gian. Giới chuyên môn đã chỉ ra ngay cả khi được chuyển giao công nghệ, các hãng dược sẽ phải mất thời gian đáng kể, có thể nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để đạt tới năng lực sản xuất tối ưu.

Chưa nói tới chuyện tốc độ lây lan của dịch bệnh hiện nay không cho phép con người chờ đợi vắc-xin lâu hơn nữa, vấn đề virus liên tục biến đổi, đột biến cũng đặt ra mối lo ngại liệu rằng các vắc-xin ngừa Covid-19 được sản xuất theo mô hình chuyển giao công nghệ sau rất nhiều tháng/năm đó có còn tác dụng phòng bệnh tối ưu?

Cho tới khi đề xuất gỡ bỏ bảo hộ bản quyền vắc-xin được các nước thành viên lớn khác của WTO, trong đó có EU, ký phê chuẩn, dư luận không mong đợi sẽ có những bước đi lớn và cụ thể nào trong vấn đề này. Tốc độ triển khai các bước tiếp theo (nếu đề xuất được phê chuẩn) sẽ mất thời gian hơn nữa, căn cứ vào quá trình chuyển giao nhân sự, nguyên liệu thô và trang thiết bị sản xuất cho các nước đang phát triển.

Còn lựa chọn nào khác?

Giới quan sát cho rằng, vẫn còn giải pháp khác cho vấn đề vắc-xin ngừa Covid-19 giúp mang lại hiệu quả nhanh hơn, đó là việc hoặc chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden chia sẻ bớt lượng vắc-xin ngừa Covid-19 hiện có cho các nước khác. Hoặc Mỹ tận dụng đề xuất gỡ bỏ bảo hộ bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19 để khéo léo thúc giục các nhà sản xuất vắc-xin lớn của nước này tăng cường sản lượng và quyên tặng hay bán vắc-xin với giá ưu đãi cho các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề như Ấn Độ, Brazil.

Dù ở tình huống nào, các nước vẫn cần chủ động tìm giải pháp gỡ rối vấn đề vắc-xin cho mình, thay vì kỳ vọng hay lệ thuộc vào ý tưởng gỡ bỏ bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19 khi chưa có lộ trình triển khai rốt ráo.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Channel News Asia, Reuters)
 

;
;
.
.
.
.
.