NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN

Đòn bẩy từ nguồn vốn vay ưu đãi

.

Với lãi suất thấp, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) thành phố Đà Nẵng đã giúp hàng ngàn hội viên nông dân có thêm điều kiện để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh hộ gia đình có hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Hộ bà Nguyễn Thị Hoa, hội viên Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) với mô hình trồng rau quả cho năng suất cao, thu nhập ổn định. (Ảnh chụp tháng 4-2021) Ảnh: Đ.H.L
Hộ bà Nguyễn Thị Hoa, hội viên Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) với mô hình trồng rau quả cho năng suất cao, thu nhập ổn định. (Ảnh chụp tháng 4-2021) Ảnh: Đ.H.L

Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho hay, chỉ tính riêng trong năm 2020, Hội Nông dân thành phố đã xây dựng và giải ngân 79 dự án cho 626 hộ vay lãi suất 0,5% với tổng số vốn 20,260 tỷ. Để hoạt động hiệu quả nguồn quỹ, sau khi thu hồi vốn, các cấp hội triển khai giải ngân ngay cho nông dân.

Qua theo dõi dự án, nếu dự án nào sắp đến kỳ hạn còn 3 tháng thu hồi thì hội thông báo trước cho các quận, huyện để các hộ chủ động hơn trong việc chi trả và sản xuất kinh doanh. Song song với việc thu hồi vốn, hội trực tiếp làm việc với chủ hộ khảo sát lại dự án để giải ngân nếu họ có nhu cầu vay tiếp.

Sử dụng hiệu quả vốn vay

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kim Dũng cho biết thêm: “Hiện nay, mỗi hộ được hỗ trợ vay tối đa 50 triệu đồng trong vòng 3 năm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó ưu tiên phát triển dịch vụ, trồng hoa, cây cảnh, rau sạch, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Quỹ HTND đã hỗ trợ hội viên kịp thời, đúng lúc, đáp ứng nhu cầu vay vốn của nông dân kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Một số quận đã triển khai hiệu quả hoạt động Quỹ HTND như: Cẩm Lệ, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn… Điển hình là các hộ ông Thái Văn Công (quận Liên Chiểu), Lê Văn Trung, Lê Văn Giới (quận Cẩm Lệ), Nguyễn Thanh Chiến (quận Hải Châu), bà Nguyễn Thị Gái (quận Thanh Khê)…; qua đó vừa tập trung xây dựng mô hình thực tế, vừa đổi mới mô hình tuyên truyền, thu hút nông dân tham gia sản xuất để phát triển hội viên”.

Quận Cẩm Lệ là địa phương có nhiều hộ dân hết đất sản xuất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa. Bà Hứa Thị Thùy Phương, Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ cho biết, hiện tổng dư nợ Quỹ HTND của quận là 8 tỷ đồng, bao gồm vốn Trung ương, thành phố và quận. Trong đó, UBND quận ủy thác Hội Nông dân quận 200 triệu đồng để hỗ trợ nông dân vay vốn.

Với nguồn quỹ này, quận đã xây dựng 27 dự án với 249 hộ vay đầu tư sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh và phát triển dịch vụ thương mại. Trên cơ sở nhu cầu của mỗi hội viên, hội kiểm tra thẩm định, lập hồ sơ dự án phải bảo đảm điều kiện về đất đai, lao động, nguyên liệu phục vụ sản xuất theo đúng yêu cầu địa phương đề ra. “Hộ nào thực sự có nhu cầu, có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả mới được hội đề xuất giải ngân vốn.

Trong thời gian đầu triển khai mô hình, hội thường xuyên kiểm tra các hộ vay xem sử dụng vốn đúng mục đích hay không. Đến nay, hầu hết các dự án đều mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết một phần lao động nhàn rỗi tại địa phương. Bên cạnh đó, hội khuyến khích các hội viên phát triển các loại dịch vụ thiết kế, chăm sóc cảnh quan cho nhà hàng, khu nghỉ dưỡng (resort)… mang lại thu nhập cao cho kinh tế hộ gia đình.

Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân quận đã hỗ trợ kết nối các chi, tổ hội nông dân thực hiện 4-5 dự án chăm sóc trồng cây cảnh tạo cảnh quan tại các quán cà phê, nhà hàng, resort… với tổng giá trị hợp đồng hơn 2,5 tỷ đồng”, bà Hứa Thị Thùy Phương chia sẻ.

Một trong những gương điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay từ Quỹ HTND trên địa bàn quận Cẩm Lệ là hộ ông Lê Anh Thắng (ở phường Khuê Trung) với mô hình thiết kế, chăm sóc cảnh quan nhà hàng, resort. Sau khi vay 50 triệu đồng, ông Thắng đã mạnh dạn đầu tư sản xuất hoa cây cảnh, giải quyết từ 5-7 lao động tại nhà và các resort. Trong khi đó, ông Lê Minh Trung (ở phường Hòa Thọ Đông) thành lập tổ hội sơ chế hành, tỏi với 10 lao động.

Còn ông Nguyễn Văn Ái (ở phường Hòa Xuân) đầu tư trồng hoa, cây cảnh, giải quyết 3-4 lao động/năm. Ông Nguyễn Văn Ái chia sẻ: “Sau giải tỏa, nhờ vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND, tôi tham gia các khóa học trồng hoa và cây cảnh do Hội Nông dân quận và Trung tâm dạy nghề tổ chức rồi đầu tư trồng hoa giấy, hồng, cúc, cẩm tú cầu… Hiện tổng vốn đầu tư của tôi lên đến hơn 100 triệu đồng để trồng hoa, cây cảnh trang trí sân vườn villa, biệt thự… Đặc biệt, vào mùa vụ hoa Tết, bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, tôi trồng từ 2.000 - 3.000 chậu hoa yến thảo, cúc tần, thược dược, giải quyết việc làm thời vụ cho 5-7 người. Mỗi năm thu nhập từ 250-300 triệu đồng”.

Cần giải pháp xây dựng dự án phù hợp

Ông Trần Văn Lực, Chủ tịch Hội Nông dân quận Sơn Trà cho biết, nguồn quỹ của UBND quận ủy thác cho hội là 910 triệu đồng và hiện được thu hồi giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý để tránh thất thoát vốn. Còn Quỹ HTND của thành phố ủy thác cho quận là 3,7 tỷ đồng cho 152 hội viên vay kinh doanh, buôn bán hộ gia đình, mua sắm ngư lưới cụ, giống cây trồng. Từ đầu năm đến nay, thành phố cũng đã phân bổ 600 triệu đồng cho hội nông dân 3 phường An Hải Bắc, An Hải Đông và Thọ Quang.

“Đặc điểm của quận Sơn Trà là có nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ nên nhu cầu vay vốn lớn. Số này không tham gia hội viên vì thường xuyên vắng nhà. Hội viên chủ yếu là ngư dân đánh bắt ven bờ. Mặc dù hiện nay thành phố không cho khai thác hải sản gần bờ nhưng vẫn tồn tại khoảng 250 tàu dưới 20 CV. Hầu hết họ vay Quỹ HTND để mua lưới cụ.

Cái khó hiện nay là việc thành lập dự án trong cùng một khu dân cư theo quy định. Những hộ cùng ngành, cùng nghề thì không cùng xóm, cùng khu mà phân tán trên địa bàn phường. Nếu chỉ 2, 3 người cùng nghề thì không thể thành lập được một tổ dự án, do đó thành phố cần có giải pháp sao cho phù hợp hơn”, ông Trần Văn Lực đề xuất.

Hiện nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã nâng mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ nhưng Quỹ HTND thành phố chỉ cho vay tối đa 50 triệu đồng để bảo đảm thu hồi vốn nên nhiều hộ còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vì chi phí đầu tư quá lớn. Ông Thái Văn Công, hội viên Hội Nông dân phường Hòa Minh (Liên Chiểu) cho biết, thời gian qua, ông đã vay 50 triệu đồng của Quỹ HTND để thêm vào đầu tư trồng hoa, cây cảnh như dạ yến thảo, thu hải đường, mai địa thảo…

Không chỉ trồng hoa vào dịp Tết, ông còn trồng các loại hoa nở quanh năm. Ngày thường, ông thuê 4 lao động, nhưng đến mùa vụ Tết thì thuê gấp đôi. Ông Công đầu tư với số vốn rất lớn, hơn 1 tỷ đồng. So với kinh phí đầu tư thực tế và lương chi trả cho nhân công thì số tiền vay từ Quỹ HTND là rất nhỏ.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Năm, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) cũng cho biết, năm ngoái, quận phân bổ về phường 900 triệu đồng. Trung bình mỗi năm hội có 2 dự án, mỗi dự án có khoảng 10 người với tổng cộng 300 triệu đồng. Các hộ vay chủ yếu phụ thêm vào đầu tư buôn bán hộ gia đình và trồng hoa, cây cảnh, cụ thể như hộ ông Nguyễn Thành Chiến, Nguyễn Quang Xí, Nguyễn Thị Thọ, Phan Thị Hạnh…

“Hầu hết các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, làm ăn có lãi nên trả đúng hạn. Song, đây là những hộ sản xuất nhỏ, còn những hộ sản xuất lớn cần nguồn vốn lớn hơn nên phải vay chỗ khác. Chỉ tính riêng mô hình sản xuất hoa, mỗi hộ phải bỏ ra vài trăm triệu đồng thì số tiền cho vay 30 triệu đồng là rất ít. Do đó, cần nâng mức vay cho nông dân để tạo cho họ có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh hơn”, bà Trần Thị Năm chia sẻ.

"Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) thành phố Đà Nẵng khoảng 40 tỷ đồng, trong đó vốn ủy thác của Trung ương hội hơn 8,4 tỷ đồng; vốn ủy thác của thành phố là 30 tỷ đồng; vốn ủng hộ từ hội viên, các tổ chức, cá nhân hơn 64 triệu đồng; vốn bổ sung từ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hơn 964 triệu đồng. Quý 1-2021, Quỹ HTND thành phố đã thu hồi hơn 2,414 tỷ đồng vốn đến hạn và trước hạn; đồng thời tiến hành giải ngân từ nguồn thành phố thu hồi lại 10 dự án, giải quyết cho 86 hộ vay với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng"

Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.