Sống chậm hơn với niềm vui bình dị

.

Tôi lớn lên từ mảnh vườn xanh, góc sân nhà nên cả tuổi thơ gắn bó với cây cối và những con vật nhỏ. Mẹ kể, lúc mới sinh tôi, nhà nghèo, mẹ suốt ngày quần quật ngoài vườn nên buộc chõng vào gốc cây, đặt tôi nằm trên đó. Cây lá lao xao ru tôi vào giấc ngủ, dìu dịu hương hoa nhài, chuối chín.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khu vườn là cả một thế giới cổ tích trong tôi. Sáng sớm, bước xuống giường, tôi chạy ùa vào tiếng chim líu lo, ngó xem có quả na nào chín. Buổi trưa, tôi trốn bà ra trèo cây rình chim đẻ trứng, rình con mèo nhỏ chơi trò đuổi bắt bóng mình. Bạn của tôi là những chú gà con lông vàng lích chích chạy theo núp vào cánh mẹ; là con mèo lười thích được vuốt ve âu yếm, tối nào cũng chui trộm vào chăn ngủ; là chú chó già ngày nào cũng hai bận đưa đón tôi đi học qua đường rừng rậm rạp và cánh đồng thẳng cánh cò bay. Tôi thích trò chuyện với các con vật trong nhà, có bát cơm độn sắn cũng chia cho chúng.

Lớn lên xa nhà, xuống thành phố nhìn đâu tôi cũng thấy màu khói bụi. Cuộc sống cũng bắt đầu vội vàng, gấp gáp, lúc nào tôi cũng sợ mình bị tụt lại phía sau, sợ nếu không nhanh thì sẽ bị mất đi cơ hội. Những căn nhà trọ chật chội thường không khiến người ta tha thiết. Người ta thường chỉ trở về nơi trọ khi không còn chỗ nào khác để đi, và nếu về thì có khi chỉ để đổ ập xuống giường ngủ li bì sau một ngày làm việc vất vả.

Mãi sau này khi trở về quê hương “an cư lập nghiệp”, tôi mới trút bỏ những cảm giác hối hả đó và tìm lại niềm hạnh phúc trong căn nhà đã gắn bó với mình từ thời thơ ấu. Mở mắt ra, gặp được màu xanh của vòm lá tươi non mới dễ thấy lòng mình trong trẻo. Lúc trở về nhà con chó ra đón, con mèo quấn chân, lũ gà ríu rít đòi ăn sẽ thấy vui. Nhờ có chúng mà tôi ít thấy buồn. Cũng nhờ có chúng mà mỗi khi trở về nhà, tôi thấy mình được sống chậm hơn với niềm vui bình dị.

Sau này, khi tôi lập gia đình, căn nhà cũng có lúc trở nên ngột ngạt, bởi đôi khi khó tránh khỏi cảm giác không muốn trở về nhà đối diện với những mâu thuẫn và rạn nứt. Nhưng khi mở cổng nhà, thấy cây dẻ nở hoa nồng nàn, thấy quả na đầu mùa chín bói, lòng tự nhiên dịu lại, chợt nghĩ cây lá còn xanh đến thế kia mà… Hai vợ chồng ngồi lại, dưới cây lá lao xao, có khi không cần nói với nhau lời nào cũng đủ thấy nguôi ngoai.

Rồi các con ra đời, mẹ tôi lần nào xuống chăm con gái sinh cũng tay xách nách mang, không chỉ là cháo chân giò, chè đỗ đen, vài loại lá uống cho lợi sữa, mà sau xe luôn buộc một bầu cây giống làm quà cho đứa cháu mới sinh. Mẹ nói: “Sau này, tuổi của cây sẽ là tuổi của từng đứa cháu trong nhà. Ông bà ta có câu: Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình. Con nhớ chăm sóc cho cây để sau này có nhiều mùa quả ngọt”.

Con gái đầu của tôi vừa tròn 5 tuổi, cây mít bà ngoại trồng đã được hai mùa quả. Cây vú sữa lớn phổng phao cao hơn con gái thứ hai. Vợ chồng tôi cũng bớt dần những cãi vã vụn vặt đời thường. Có lúc nhìn cây lá trong vườn, tôi nói với chồng: “Chúng mình như cái cây/ Thương nhau cả cành sâu lá úa”. 

Bước sang mùa hè thứ hai phải để các con loanh quanh trong nhà vì dịch bệnh. Cũng may là chồng tôi nghĩ ra hoạt động “giao đất, trồng cây”. Vườn đủ rộng để chia cho các con mỗi đứa một khoanh nho nhỏ trồng một vài giống cây. Hằng ngày, các con hăng hái ra vườn để tưới nước, nhổ cỏ, trò chuyện cùng cây. Con mèo mướp loanh quanh chạy theo chân tụi nhỏ. Chú chó thỉnh thoảng lại chọc ghẹo đàn gà đang bới đất tìm giun phía góc vườn. Con gái nhỏ reo lên thích thú khi phát hiện một ổ trứng gà nằm lọt thỏm dưới gốc cây đinh lăng. Qua cửa sổ nhà bếp, tôi thường ngắm nhìn những khoảnh khắc bình yên ấy. Đời sống ngoài kia có vội vàng, gấp gáp thế nào thì bước về nhà tôi vẫn chầm chậm sống. Và dẫu có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn sẽ vịn vào câu thơ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?”.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.