Với mục đích tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy hại của rác thải nhựa, hướng đến hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần, tuổi trẻ thành phố đồng loạt thực hiện các mô hình sáng tạo, linh hoạt, bảo đảm 5K trong phòng, chống Covid-19.
Thanh niên quận Thanh Khê thực hiện mô hình “Đô thị giảm nhựa”. Ảnh: Đ.T |
Từ đầu tháng 10 đến nay, 10 phường thuộc quận Thanh Khê thực hiện nối tiếp 3 mô hình “Đô thị giảm nhựa”, “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa” và “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh” theo chủ đề năm 2021 của quận về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trật tự xã hội, mỹ quan đô thị, tăng cường công tác an sinh xã hội.
Phân loại rác tại nguồn
Đối với mô hình “Đô thị giảm nhựa”, thanh niên quận Thanh Khê tập trung vận động người dân phân loại rác tại nguồn; thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa và túi nilon trong sinh hoạt; hạn chế dùng sản phẩm nhựa khó phân hủy và chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; đồng thời, vận động người dân thu gom rác thải nhựa bỏ vào thùng phân loại rác đúng quy định.
Đối với mô hình “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa”, Đoàn Thanh niên 10 phường tuyên truyền, phổ biến cho người dân, các hộ kinh doanh trong chợ về những nguy hại của rác thải nhựa đến môi trường và chung tay giảm thiểu rác thải nhựa. Song song đó, khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng các loại túi nilon khi mua, bán hàng; vận động người dân mua sắm tại chợ thay đổi thói quen sử dụng túi nhựa, túi nilon bằng cách mang theo giỏ, hộp đựng dùng nhiều lần hoặc túi giấy, túi nilon dễ phân hủy… Các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) cũng nỗ lực vận động tiểu thương buôn bán tại các chợ chủ động sử dụng túi nilon dễ phân hủy và nâng cao ý thức phân loại rác; cùng với đó, trao tặng giỏ, hộp đựng dùng nhiều lần hoặc túi giấy, nilon thân thiện với môi trường cho bà con.
Đối với mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, các Đoàn phường tổ chức Ngày hội thu rác thải nhựa và đổi cây xanh cho người dân để lan tỏa phong trào chung tay giảm rác thải nhựa. Phó Bí thư Quận Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội quận Thanh Khê Mai Hồng Anh cho biết, cả ba mô hình được đồng loạt thực hiện từ đầu tháng 10 và nhân rộng. 10 phường đã phát 1.500 tờ rơi tuyên truyền, 300kg túi sinh học, 200 giỏ nhựa cho người dân; thu gom 520kg rác thải nhựa, số rác thải nhựa này sau phân loại sẽ bán phế liệu gây quỹ hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập cho các em thiếu nhi khó khăn.
“Trao pin cũ - Nhận cuộc sống xanh”
Tại phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) từ tháng 6 đến nay, Đoàn phường cũng triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà pin” để người dân bỏ pin qua sử dụng vào. Việc của các ĐVTN là mỗi tháng thu gom một lần để gửi cho đội xử lý môi trường của quận. Bí thư Đoàn phường Hải Châu 2 Hoàng Thị Minh Phương cho biết: “Đoàn phường thực hiện mô hình để chung tay giảm thiểu lượng pin thải ra môi trường, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu tác hại của pin, có nhận thức đúng hơn”. Chị Minh Phương cũng cho biết, các ngôi nhà pin được thiết kế với chất liệu chịu được mưa nắng. Đáy của nhà pin có thể kéo xuống để pin được thu gom trong nhà tự rơi ra mà không cần chạm tay trực tiếp vào pin nên rất an toàn, tiện lợi cho người thu gom. Phía ngoài nhà pin in thông điệp “Trao pin cũ - Nhận cuộc sống xanh”.
Tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), từ giữa tháng 9 đến nay, Đoàn xã triển khai mô hình “Mái nhà xanh - Thu gom rác tái chế” cho 5 thôn. Sau khi lắp đặt mái nhà xanh, các ĐVTN vận động người dân bỏ rác thải nhựa vào. Khoảng một tháng một lần, ĐVTN đến thu gom, bán phế liệu, số tiền thu được hỗ trợ các hộ thanh niên yếu thế hoặc trẻ em khó khăn trên địa bàn xã. Theo Bí thư Đoàn xã Hòa Liên Võ Thị Như Ý, 5 mái nhà xanh có tổng trị giá gần 30 triệu đồng, đây là số tiền do Đoàn Thanh niên xã vận động các tổ chức cá nhân hỗ trợ. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên xã còn thành lập các đội xung kích bảo vệ môi trường, duy trì mỗi tháng 2 lần thực hiện đồng loạt Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp tại 13 thôn hoặc tại các điểm nóng về rác thải.
Xuất phát từ việc rác thải nhựa thải ra môi trường ngày càng nhiều nên Đoàn Thanh niên muốn làm một mô hình hiệu quả, tối ưu trong thu gom rác cũng như tập thói quen cho người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Khi đưa mái nhà xanh về thôn, ban điều hành các thôn triển khai lắp đặt mái nhà trên các tuyến đường lớn để người dân đi ngang dễ bỏ vào. Trên mái nhà có hình ảnh chai nhựa và gắn biển “Vì một môi trường xanh sạch đẹp - Hãy cho tôi rác thải nhựa”. “Ban đầu, người đến bỏ rác thải nhựa chủ yếu là thanh niên, phụ nữ, nông dân. Hy vọng khi nhiều người biết đến mô hình thì lượng rác thải nhựa thu gom không những giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường mà nhiều học sinh khó khăn cũng được nhận hỗ trợ từ nguồn quỹ của mô hình”, chị Như Ý nói thêm.
ĐAN TÂM