Kể cũng lạ, trên đời này có biết bao nhiêu thứ ngon vật lạ nhưng đôi khi chỉ vì hương vị nào đó gắn liền với một kỷ niệm, một ký ức của tuổi thơ lại làm ta luôn nhớ mãi. Triết gia, nhà thơ người Đan Mạch Soren Kierkegaard (1813-1855) từng nói “Con người càng quên được nhiều, con người càng trải qua nhiều biến đổi trong đời; con người càng nhớ được nhiều, cuộc đời càng trở nên đẹp đẽ”.
Bánh Trung thu luôn gợi nhớ nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi thơ. Ảnh: Đ.H.L |
1. Thật vậy, bao nhiêu năm tha phương, hễ cứ đến rằm Trung thu tôi lại đi tìm cái hương vị ngày xưa của miếng thịt nướng trong chiếc bánh trung thu hình vuông mà mình đã ăn cách đây vài chục năm. Tôi vẫn nhớ như in mùi vị ngọt đậm, thơm nồng, béo ngậy ấy khi lần đầu thưởng thức tại một đêm hội trăng rằm của những đứa trẻ con nghèo do xóm tôi tổ chức.
Để chuẩn bị chu đáo cho đêm hội, trước rằm mấy ngày, các bác hưu trí trong tổ đã đến từng nhà để vận động quyên góp. Hồi đó kinh tế vừa mới mở cửa, hầu hết đời sống người dân lao động và cán bộ, viên chức vẫn còn túng thiếu. Nhiều gia đình đông con phải chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền dư giả để đóng góp cho con tham gia Tết Trung thu. Tuy nhiên, vì phong trào của xóm và sự nhiệt tình thuyết phục của các bác trong tổ dân phố, cuối cùng nhà nào cũng tham gia với phương châm “có bao nhiêu góp bấy nhiêu”. Việc đóng tiền còn là cách khuyến khích các gia đình để các cháu tham gia các hoạt động xã hội.
Đêm hội, nhiều bạn nhỏ mạnh dạn lên hát, múa thể hiện năng khiếu của mình và nhận phần thưởng đầy tay, còn anh em tôi chỉ đứng khép nép ở một góc sân. Chỉ đến lúc gần tàn cuộc, những cái tên ít phát biểu nhất cũng lần lượt được gọi tên lên bục sân khấu nhận quà. Món quà tuy nhỏ nhưng chúng tôi mừng lắm, vừa nhận xong đã chạy ù về nhà mở ra khoe với ba má. Trong phần thưởng xinh xắn ấy, cái bánh Trung thu có lẽ là linh hồn của gói quà.
Tôi đưa chiếc bánh lên miệng cắn từng miếng nhỏ, tận hưởng cái mùi vị béo ngậy của nhân bánh và vị thơm giòn tan của vỏ bánh nướng một cách rón rén như sợ hết. Không hiểu sao hồi đó ăn miếng bánh đến đâu là cảm nhận ngay đến đó, đúng với nghĩa của cụm từ “ăn mà ngậm mà nghe” như người ta vẫn thường ví von mỗi khi ăn một món ngon. Đó là ký ức đẹp đến nổi từ đó về sau, tôi không bao giờ có lại được cái mùi vị bánh Trung thu như ngày đó nữa, dù thưởng thức biết bao loại bánh Trung thu đắt tiền khác. Cũng có thể một phần, cách làm bánh bây giờ đã khác xưa, hoặc do tôi đã cảm thấy đủ với các loại sơn hào hải vị?!
2. Trong ký ức tuổi thơ khốn khó, không chỉ chiếc bánh Trung thu mà ngay cả tô phở ngày ấy cũng mang một hương vị đặc biệt với tôi. Tôi nhớ lần đó, má đèo tôi trên chiếc xe đạp cà tàng băng qua gian hàng phở nằm lúp xúp trước cổng bệnh viện khi chở tôi vào thăm ba bị ốm, rồi ghé mua một tô phở bò tái thơm phức. Do sức khỏe còn yếu nên ba tôi chỉ ăn được lưng tô, rồi đưa tôi ăn phần còn lại. Chao ôi, cái mùi phở ấy ngon làm sao!
Tôi nhớ mãi cái vị thơm nồng của hành lá, bánh phở tươi mềm, thịt bò ngon ngọt, đặc biệt là những lát ớt đỏ tươi cay xé lưỡi. Cho đến tận bây giờ, dù đã ăn rất nhiều quán phở nổi tiếng ở nhiều tỉnh, thành phố dọc duyên hải miền Trung, tôi vẫn chưa bao giờ tìm lại được cái mùi vị của tô phở ngày xưa với màu nước lèo sóng sánh vàng óng. Cứ nghĩ đến hương vị của tô phở và chiếc bánh trung thu ngày ấy là những ký ức tuổi thơ trong tôi lại ùa về như minh chứng của một thời khốn khó mà tôi và gia đình đã đi qua.
Có lẽ, mỗi người sẽ có một tuổi thơ của riêng mình với những ký ức, kỷ niệm khác nhau. Và tôi tin rằng, dẫu thanh xuân của mỗi người đều có những câu chuyện vui buồn nhưng trong mỗi câu chuyện đều có sự tiếc nuối, mỗi nuối tiếc đều có những hồi ức đẹp đẽ đến nao lòng, bởi “Ký ức... đó là cuốn nhật ký tất cả chúng ta đều mang theo bên mình” (nhà soạn kịch Ireland Oscar Wilde).
ĐOÀN HẠO LƯƠNG