Thế giới lo thiếu lương thực

.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine có thể gây mất an ninh lương thực toàn cầu khi giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu như ngũ cốc, nhiên liệu, phân bón đồng loạt leo thang.

Bột mì đã được tiêu thụ hết tại một siêu thị ở thành phố Bonn của Đức ngày 16-3. Ảnh: Reuters
Bột mì đã được tiêu thụ hết tại một siêu thị ở thành phố Bonn của Đức ngày 16-3. Ảnh: Reuters

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vừa cảnh báo cuộc xung đột Nga- Ukraine tác động đến những quốc gia nghèo nhất, gieo mầm bất ổn vào thời điểm các nước dễ tổn thương nhất đang nỗ lực phục hồi sau hơn 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19.

Giá các sản phẩm nông nghiệp tăng vọt

Nga là nhà sản xuất lúa mì hàng đầu và Ukraine là nhà sản xuất lớn thứ năm thế giới. Hai nước đóng góp 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu, 19% nguồn cung ngô và 80% kim ngạch xuất khẩu dầu hướng dương.

Hội đồng Nông nghiệp Ukraine (UAC) cho hay, trong tuần đầu tiên Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, giá lúa mì tăng 100% lên 400 USD/tấn. Nhiều quốc gia phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng này sẽ phải tìm nguồn cung khác khi các cảng của Ukraine đóng cửa và nông dân không thể tiếp tục công việc của mình trong lúc phải đi lánh nạn.

Ông Robert Halver, chuyên gia phân tích thị trường tại Ngân hàng Baader có trụ sở ở Đức cho rằng, căng thẳng Nga - Ukraine tạo ra tác động rõ hơn từng ngày, không chỉ ở các trạm xăng hay hóa đơn tiền điện sưởi ấm hằng tháng, mà quan trọng hơn cả là thức ăn.

Ông Halver lý giải: “Thức ăn sẽ đắt hơn, chẳng hạn lúa mì. Việc trồng trọt và thu hoạch lúa mì tại Ukraine đáng lẽ đang diễn ra nhưng thực tế thì không thể vì có chiến sự. Như vậy, trong tương lai, chúng ta sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn cho những loại thực phẩm cơ bản và điều này sẽ góp phần đẩy lạm phát tăng cao hơn”.

Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp phân bón toàn cầu. Giờ đây, giá phân bón tăng vọt và không còn phù hợp với khả năng chi trả của nông dân. Ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc Quỹ Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), lo ngại khi nhiều quốc gia châu Âu và Trung Á nhập khẩu hơn 50% lượng phân bón từ Nga.

Trong khi đó, ông Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành tập đoàn phân bón và hóa chất Yara International (Na Uy) cho biết, tập đoàn của ông phải cắt giảm 45% công suất amoniac và phân ure tại châu Âu do giá khí đốt tăng kỷ lục. “Không phải là liệu có sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực hay không, mà quan trọng là cuộc khủng hoảng đó sẽ lớn như thế nào?”, ông Holsether nói.

Châu Âu và châu Phi gặp khó

Cuối tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, căng thẳng Nga - Ukraine sẽ khiến châu Âu và nhất là châu Phi có thể rơi vào tình trạng bất ổn về an ninh lương thực do thiếu nguồn cung thay thế. “Châu Âu và châu Phi sẽ mất ổn định sâu sắc về lương thực. Châu Âu cần đánh giá lại chiến lược sản xuất để bảo vệ chủ quyền an ninh lương thực và dinh dưỡng. Nhiều nước châu Phi có thể sẽ đối mặt với nạn đói từ 12-18 tháng nữa do ảnh hưởng xung đột”, ông Macron nói.

Ủy ban châu Âu (EC) đang tính toán nhiều phương án. Chẳng hạn, EC có thể lần đầu tiên phải trích khoảng 450 triệu euro từ Quỹ dự trữ khủng hoảng để hỗ trợ nông dân châu Âu bù đắp trước sự biến động về giá. EC cũng đang tính tới khả năng nới lỏng các quy định về quỹ đất nông nghiệp nhàn rỗi dự phòng để đưa vào khai thác trở lại phục vụ trồng trọt. Lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu (EU) thống nhất tăng cường phối hợp giữa các quốc gia đang phát triển trong vấn đề an ninh lương thực để giảm thiểu nguy cơ đói nghèo.

45 nước châu Phi và quốc gia kém phát triển nhất nhập khẩu ít nhất 1/3 sản lượng lúa mì từ Nga hoặc Ukraine. Lo sợ thiếu hụt nguồn cung thực phẩm, nhiều quốc gia ưu tiên thị trường nội địa và hạn chế xuất khẩu. Ai Cập - nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì, đậu lăng và đậu nành.

Hàng triệu người dân Ai Cập vốn phụ thuộc vào bánh mì trợ cấp làm từ ngũ cốc Ukraine để duy trì sự tồn tại của mình. Nigeria cũng chật vật tìm cách giảm sự phụ thuộc vào ngũ cốc Nga. Nông dân Nigeria đang trồng thêm các vụ mùa lúa mì để đáp ứng 70% nhu cầu trong 5 năm.

Theo ước tính của FAO, xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ, EU với Nga có thể khiến giá lương thực và thực phẩm quốc tế tăng từ 8-20%, đẩy 8-13 triệu người trên toàn thế giới rơi vào tình trạng đói ăn trong giai đoạn 2022-2023. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Phi, Nam sa mạc Sahara và Trung Đông.

KHÁNH LINH (theo AP, New York Post, Reuters)

;
;
.
.
.
.
.