Khi tự mình trải nghiệm, đi thực tế đến nhiều nơi và đích thân gom nhặt những cọng rác mới cảm nhận rõ ràng nhất tình yêu môi trường và thấy cần phải chung tay hành động nhiều hơn vì một môi trường sống sạch đẹp. Đó là chia sẻ của các bạn học sinh sau khi tham gia chương trình làm phim “Một phút xanh” do Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức.
Đi chợ bằng túi thân thiện môi trường là thông điệp của nhóm học sinh Trường THPT Trần Phú. Ảnh: T.L |
Mục tiêu của chương trình là tạo sự thu hút, lan tỏa trong cộng đồng về ý thức trách nhiệm của người trẻ với môi trường sống và chống biến đổi khí hậu…
“Nước là máu của sự sống”
Với video có độ dài 60 giây và thông điệp “Nước là máu của sự sống”, Trần Ngọc Châu Giang và Vũ Minh Huy, học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) đã gửi thông điệp hãy bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất, gom nhặt những cọng rác thải và tiết kiệm nước sinh hoạt để tất cả mọi người được hưởng thụ nguồn nước sạch.
Quê Giang ở xã Tam Dân (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Mấy năm trước, mỗi lần về thăm quê vào mùa hè thấy các giếng nước của bà con đều cạn khô, để có nước sạch phải dùng gàu múc nước thật nhẹ tay và phải dùng tiết kiệm. Hay nhiều lần được ba mẹ cho đi chơi, ngang qua các bãi biển dọc đường Nguyễn Tất Thành và bãi đá làng Nam Ô, Giang thấy vẫn còn tình trạng xả rác thải nhựa và túi nilon..., muốn làm một điều gì đó để kêu gọi mọi người bảo vệ nguồn nước và em quyết định tham dự cuộc thi làm video “Một phút xanh”.
“Bình thường em vẫn thường nghe nói về bảo vệ môi trường. Khi đi thực tế để quay video, tự tay mình làm sạch bãi biển thì cách nhìn nhận vấn đề rất khác. Em nhận ra rằng, cần phải kêu gọi nhiều người chung tay giảm bớt gánh nặng cho môi trường”, Giang bày tỏ. Đi đến đâu Giang cũng đều bắt đầu câu chuyện bằng video của mình cho mọi người cùng xem. Ở lớp, giáo viên chủ nhiệm đã dành tiết sinh hoạt để Giang và Huy trình chiếu video, đồng thời tuyên truyền với bạn bè để bảo vệ nguồn nước. “Mỗi người chỉ cần nêu cao ý thức tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước gần nơi mình sinh sống thì ai cũng có nước sạch để dùng”, Giang bộc bạch.
Người trẻ cần hành động
Nhóm 6 học sinh lớp 11/18, Trường THPT Trần Phú đã chọn những hình ảnh sinh hoạt hằng ngày sử dụng túi nilon như đi chợ, mua nước giải khát đựng trong cốc nhựa… để truyền đi thông điệp ngăn chặn hành vi xả rác thải nhựa, sử dụng túi nilon và thay thế bằng thói quen sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường. Em Hồ Yến Ni, nhóm trưởng cho biết: “Em nghĩ, người trẻ cần phải hành động để môi trường sống ngày một trong lành, phát triển hơn. Chúng ta không nên sống vì những tiện ích thoải mái trước mắt mà cần nghĩ đến tương lai”. “Ở lớp, em cùng các bạn tổ chức đố vui hằng tuần về môi trường, thuyết phục các bạn trong lớp hay người thân của mình mua những món đồ như túi vải, bình nước tái sử dụng của những tổ chức phi lợi nhuận nhằm gây quỹ. Túi vải cũng đa dạng về kiểu mẫu, đẹp và phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ở nhà, em cũng chia sẻ điều này với ba mẹ và ông bà để hạn chế sử dụng túi nilon. Vào những dịp lễ, em thường mua túi vải làm quà tặng người thân”, Yến Ni chia sẻ.
Huỳnh Thị Kim Anh, lớp 10/9, Trường THPT Hoàng Hoa Thám cùng nhóm bạn cùng lớp chọn cách hành động bỏ rác đúng nơi quy định, đi xe buýt đến trường thay vì dùng xe đạp điện. “Em nghĩ sử dụng phương tiện giao thông công cộng sẽ giảm được lượng khí thải từ các hoạt động tham gia giao thông cá nhân. Những việc làm rất nhỏ nhưng nếu thực hiện thường xuyên trong cộng đồng rộng lớn thì em tin môi trường sẽ tốt hơn”, Kim Anh nói.
Chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết, chương trình “Một phút xanh” giúp các bạn trẻ hiểu thêm về môi trường và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các em còn được tập huấn các kỹ năng quay phim, dựng video trên điện thoại di động, trực tiếp trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia làm video. “Một phút xanh” cũng trao cho các em cơ hội sáng tạo, đóng góp, đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu thông qua sáng tác video clip và đăng tải trên những nền tảng mạng xã hội.
THIÊN LAM