Để hạt cho mùa sau

.

Tháng ba là mùa đẹp nhất của làng tôi. Hàng chục ruộng bắp trải dài, ngút ngàn, xanh cùng nắng gió. Đây đó, những biền cà, biền đậu nõn nà, báo mùa no ấm cho miệt vườn trù phú ven sông…

Những thửa ruộng trải dài, ngút ngàn, lên xanh cùng nắng gió. Ảnh: KHÁNH LINH
Những thửa ruộng trải dài, ngút ngàn, lên xanh cùng nắng gió. Ảnh: KHÁNH LINH

Tôi yêu quê, nhớ làng đến vậy một phần cũng do ảnh hưởng từ ba tôi. “Ba không phải là nông dân mà là rặt nông dân”, tôi thường tự hào với bạn bè mình như vậy. Không tự hào sao được khi những điều “giàu có” mà hôm nay gia đình tôi có được đều nhờ cả vào tình yêu đất đai, vườn tược của ba.

Từ khi tôi còn nhỏ cho đến tận bây giờ, sau gần 30 năm, lịch trình sinh hoạt và lao động mỗi ngày của ba vẫn luôn bận rộn và ổn định. Khoảng thời gian từ sáng đến tối của ông luôn được lấp kín bởi những công việc đồng áng, vườn tược.

Làm nông thì trồng cây, cày ruộng là đương nhiên. Thế nhưng, cách làm như thế nào, thái độ đối đãi với thiên nhiên, cây cỏ ra sao lại là một câu chuyện khác. Sống đúng với tinh thần “tấc đất tấc vàng”, từ ngoài ruộng cho đến bên hông nhà, hễ mảnh đất nào phù hợp với loại cây gì, ba đều tận dụng để phủ xanh. Cũng nhờ thế nên nhà tôi chẳng bao giờ thiếu rau củ, hoa quả. Mùa đông có bắp cải, su hào, mùa hè thì cam, chanh, rau lang, rau dền, mồng tơi, diếp cá…

Công chồng, của vợ, mẹ tôi là mối rau sạch cho nhiều người trong vùng. Nhà nào cũng yên tâm khi sử dụng nông sản thu hoạch từ vườn nhà tôi. Người quê bán rau cho chính người quê nên ai cũng sành ăn lắm. Mấy dì mấy mợ bảo bó rau nào nhìn đậm màu, lỗ chỗ có vết sâu ăn thì đó mới chuẩn rau sạch. Mướp, cà, bầu, bí cũng thế. Đôi khi có những trái cong queo, thui chột, hình thù, kích cỡ không đồng đều nhưng khi nấu lên thì lại rất thơm tho, ngọt nước, chúng không hề nhạt vị như hàng theo xe từ phố lớn đổ về….

Để nói về chuyện trồng rau, gieo hạt. Nhà tôi từng có rất nhiều phen tranh cãi. Trước đây, vì lo ba vất vả, vì sợ hoài phí công làm, mẹ tôi thường khuyên ba hãy cứ làm ruộng, chăm vườn đúng theo cách mà mọi dân làng vẫn đang làm. Nghĩa là, mình sẽ bỏ bớt đất ruộng đi, gieo trồng theo hướng thâm canh, trồng rau trái vụ, sử dụng những giống rau, quả ngắn ngày… Theo lý của mẹ, khi người nông dân rút ngắn vòng đời cây trồng thì có thể thêm vụ, tăng gia sản xuất, thu về nguồn lợi kinh tế cao hơn. Thế nhưng, ba tôi là một người sống xanh, trồng xanh đúng nghĩa. Ba trả lời mẹ, để có quả ngọt thì phải trồng trọt đúng mùa. Mẹ thiên nhiên đã sắp xếp, tính toán, đắp bù đâu ra đấy, loại rau loại cây nào cũng phải đủ tháng đủ ngày thì chu kỳ sinh trưởng mới tròn vẹn, có thể cung cấp đủ dưỡng chất cho người dùng.

Dù trồng rau để ăn hay quả để bán, ba đều rất hiếm khi sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật. Ba dùng rơm rạ hoai mục để trộn thành phân, bón cho cây trồng. Ba nghiên cứu các loại cây, con thiên địch để chống sâu bọ, chúng sẽ bảo vệ, cộng sinh lẫn nhau. Mỗi vụ mùa đến, ba không cần chờ hợp tác xã cấp phát hạt giống mới lên lịch trồng cây. Ba dành tất cả những kinh nghiệm và tình yêu của một đời làm nông để chắt chiu, vun vén để những mảnh ruộng luôn được an toàn, tươi tốt nhất…

Dịp này về làng, tôi nghe mẹ kể chuyện đất quê đang được giá khiến nhà trên xóm dưới không ngớt xôn xao. Từ đất ở đến đất ruộng đều được mọi người hợp thức hóa phân lô, bán nền. Những tàng cây xanh, những mảnh vườn hoa trái dần bị thu hẹp. Những sân đình, cây cổ thụ, những bóng mát, ao làng dần mất dấu theo thời gian…

Mẹ kể rồi mẹ chợt cười. Mẹ bảo tôi yên tâm, nhà nào có thể chật chội, thu hẹp về đất đai, nương ruộng nhưng riêng nhà mình thì sẽ luôn đủ đầy, rộng rãi, bởi ba con là người biết để hạt cho mùa sau.

“Để hạt cho mùa sau”, câu mẹ nói tuy bâng quơ và ngắn gọn nhưng cũng đủ khiến tôi tường tận hàm ý nhắn nhủ của bà. Chị em tôi dù đi xa đến đâu, bao lâu mới trở về thì chúng tôi sẽ luôn có một mái nhà, những mảnh ruộng và một vườn cây đang xanh lá reo vui…

Tôi theo chân mẹ đến lục lọi trên giàn bếp phụ được dựng phía đầu hè. Ở đó có gần chục chiếc hộp đựng đủ các loại hạt giống, nào hạt bầu, hạt bí, hạt mướp, hạt cà, rồi đỗ đen, đỗ đỏ, đỗ xanh lòng… Bên trong chiếc vỏ mướp khô giòn sạm màu vì bụi bám, tôi lắc lắc và nghe tiếng những chiếc hạt khẽ vang lên. Tôi xin ba mẹ một nhúm nhỏ, những chiếc hạt bé xinh sẽ theo tôi từ quê vào thành phố. Rẻo đất bên hông nhà mùa sau chắc chắn sẽ xanh um…

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.