Vệt thời gian (NXB Hội Nhà văn, 2022) là tập tiểu luận - phê bình đầu tay của Nguyễn Thị Thu Thủy, cây bút viết phê bình văn học ở Đà Nẵng được giới nghiên cứu và sáng tác chú ý trong những năm gần đây. Chị viết phê bình văn học theo cách của người luôn đề cao ý thức thẩm mỹ trong tư duy, bình nhiều hơn phê...
Tập sách gồm 42 bài nghiên cứu về những sáng tác văn học của các nhà văn, nhà thơ đa phần ở xứ Quảng. Ngòi bút Nguyễn Thị Thu Thủy cho thấy những tố chất, kỹ năng và phương pháp của người viết phê bình, đó là nhạy cảm, tinh tế trong cảm nhận, phát hiện từ chủ đề, thi tứ đến những thủ pháp nghệ thuật.
Đối với thơ, chị tạo dựng phương pháp tiếp cận không đóng khung gói trọn trong văn bản. Chị lọc đãi và nhặt nhạnh ra những câu thơ hay, rồi phân tích, cảm thấu để từ đó thực hiện đúng chức năng của người viết phê bình, tiếp tục dẫn dắt người đọc đi vào cõi thơ bao la, huyền mị, thậm chí là bí hiểm, để “kích thích khả năng đồng sáng tạo của người tiếp nhận” và khai mở cái đẹp trong thơ.
Đối với thơ Phan Hoàng Phương, Nguyễn Thị Thu Thủy nắm bắt được nỗi ẩn ức và ám ảnh về sự Giới hạn của thời gian: Qua được hai mươi năm là đến ngày gặp lại/ Lạ như gặp người dưng/ Lạ như như đứng chôn chân trước căn nhà cũ/ Lòng người vấp gió mở toang… Câu thơ khác: Thả ánh mắt nhìn vào đâu cũng thấy/ Gương mặt đất trời khi từ giã mùa đi.
“Thời gian với Phan Hoàng Phương là phương thuốc hữu hiệu nhất để xóa nhòa đi cả những niềm đau, xóa đi những kỷ niệm ngọt ngào, chỉ gió mây hiểu được sự bí ẩn trong hồn người mà thôi…”, Nguyễn Thị Thu Thủy viết.
Về tập thơ Đa mang của 5 nhà thơ nữ (Thủy Hướng Dương, Minh Đan, Trần Mai Hường, Vũ Thị Nhung, Thy Nguyên), Nguyễn Thị Thu Thủy gom lại một chủ đề có tính chung nhất là hạnh phúc và tình yêu - một chủ đề có tính phổ quát nhưng đặt trong tổng thể thì có tính riêng tư vì mỗi nhà thơ đều có một góc nhìn riêng, đều đau đáu và dằn vặt suốt những trang thơ của mình.
Với Minh Đan “cô lọ lem đất Võ”, Hạnh phúc là nụ cười bình yên xẻ nửa/ Có cho nhau một phút thật lòng. Vũ Thị Nhung ý nhị, sâu sắc thì Sao chẳng nắm bàn tay cho chặt/ Để âm thầm em hứng mưa rơi. Còn với nhà thơ đất Cảng Hải Phòng - Thy Nguyên, Hạnh phúc là gì sao nối giữa mong manh.
Trong khi đó, Thúy Hướng Dương mải miết suốt đời truy tìm câu trả lời về hạnh phúc đến mệt nhoài: Ta miệt mài tìm kiếm giữa bể dâu/ Một chút nắng vương/ Một làn gió nhẹ/ Một ánh mắt chia sẻ lúc ta đau… Chủ đề tình yêu trong Đa mang cũng được Nguyễn Thị Thu Thủy phân tích và kết luận: “Thơ của các chị mãi mãi là tiếng lòng của triệu triệu phụ nữ mong muốn sống trọn vẹn và hết mình cho tình yêu và hạnh phúc”… (Những trăn trở về tình yêu và hạnh phúc qua thơ phái nữ).
Với Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả tập sách đã dành nhiều dung lượng cho nhà thơ khi bắt gặp được tần số mỹ cảm của hình ảnh về mẹ trong thơ: Ai bày ra giữa chợ quê/ Cây đòn gánh cong đời mẹ/ Chiếc non cong vành dâu bể/ Cho đời con được thẳng ngay. Lời bình của tác giả Vệt thời gian làm khổ thơ thêm sức nặng, lay động: “Hình ảnh đối lập giữa nét cong của chiếc đòn gánh, chiếc nón sắp bung vành với “cho đời con thẳng ngay”, gợi nhiều liên tưởng, hàm chứa nhân cách của nhà thơ giữa cuộc đời này. Ý thơ đúc kết niềm tri ân và cả những suy ngẫm về đời, về mình. Mẹ hy sinh cả cuộc đời, gạn đục khơi trong để con “ngay thẳng” làm người, giữ cái Tâm không hề vẩn đục”.
Về văn xuôi, Nguyễn Thị Thu Thủy nhìn những trang văn của Nguyễn Kim Huy qua không gian của thế giới trẻ thơ thật sống động, vừa hồn nhiên, ngộ nghĩnh, vừa già dặn, suy tư… Còn Con chim biếc bay về của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là thông điệp về lòng yêu thương của một người viết về thời tuổi trẻ và là cách duy nhất để trục vớt những kỷ niệm đã chìm sâu dưới đáy thời gian...
Nguyễn Thị Thu Thủy vốn là tác giả của nhiều tản văn hay nên đọc văn phê bình của chị vẫn thấy lấp lánh ngôn ngữ mượt mà. Tác giả nghiêng về phát hiện, tìm kiếm cái đẹp trong văn chương. Chị viết phê bình văn học theo cách của người luôn đề cao ý thức thẩm mỹ trong tư duy, bình nhiều hơn phê, cũng là thói quen của một người đứng trên bục giảng.
HỒ SỸ BÌNH