Dường như 14 ca khúc vang lên trong đêm nhạc Khúc ru trầm diễn ra đêm 5-5 tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) chưa thể giúp Nguyễn Ngọc Hạnh thôi đau đáu với những vần thơ về quê hương, về mẹ. Bởi lẽ, trong khoảng 100 ca khúc phổ thơ ông, người ta dễ dàng nhận ra một Nguyễn Ngọc Hạnh dù đi xa đến đâu vẫn trở về trong không gian hoài niệm của riêng ông: Người trên phố hàng cây và gió/ Đều nhận ra tôi dáng dấp làng quê/ Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sống quê bóng núi cứ chập chờn/ Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi…
Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (phải) tặng hoa chúc mừng nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trong đêm nhạc Khúc ru trầm, ngày 5-5 vừa qua. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
1. Chân thực, giàu cảm xúc khi viết về mẹ, về làng quê là điều mà những người yêu thơ dễ dàng nhận ra khi đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, người đoạt 3 giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với 3 ca khúc Nhớ mùa hoa ven sông, Làng trong tôi, Đêm xa làng phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh nói rằng, giữa ông và tác giả thơ có cái duyên thơ - nhạc.
Như một lẽ tự nhiên, tâm hồn ông rung lên những giai điệu khi đọc Nhớ mùa hoa ven sông: Nhớ về một mùa xuân xưa/ Biết bao người đi không về/ Nằm lại ven bờ sông ấy/ Thành hoa nở đẹp làng quê. Bài thơ gợi lại những ký ức chiến tranh bên dòng sông Thu Bồn, khơi nỗi buồn dịu vợi, thiết tha trong lòng những người con sinh ra và lớn lên tại đây.
“Với chất liệu âm nhạc bài chòi khu 5, Nhớ mùa hoa ven sông khởi đầu cho cái duyên thơ - nhạc giữa chúng tôi sau này. Năm 1998, tác phẩm âm nhạc Nhớ mùa hoa ven sông đoạt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam và đó là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời sáng tác của tôi”, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm chia sẻ.
Chọn thị xã Điện Bàn làm đêm nhạc Khúc ru trầm, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh muốn mang thơ về gần quê mẹ: làng Bảo An, Gò Nổi - nơi chất chứa bao hoài niệm, chắp cánh cho hồn thơ ông bay cao, bay xa. Đó cũng là nơi ông rong ruổi một chặng đường làm văn hóa, văn nghệ và dành tâm huyết cho đêm thơ Tạ Làng của nhà thơ Phùng Quán (năm 1988). Có thể nói, với Nguyễn Ngọc Hạnh, Điện Bàn không chỉ là quê cha, đất tổ, mà còn là mảnh đất nặng nghĩa tình thi sĩ với nhau.
Khi đọc Đêm xa làng (tác phẩm sau này được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm phổ nhạc và đoạt giải Nhì - không có giải Nhất - của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019 - PV), tôi chợt nghĩ rằng đã có bao nhiêu người con rời làng quê trong nước mắt, như ông: Đêm xa làng đong đầy nước mắt/ Đêm xa làng lòng đau như cắt/ Nhớ mẹ tôi/ nhớ cha tôi khuya sớm trên đồng/ Thương con cò lặn lội bờ sông/ Thương cánh diều chiều về no gió/ Nhớ đàn trâu/ nhớ tiếng chim dồng dộc hót vang trời/ Tôi thương làng từ ngày xa ấy/ Luôn mong về lại bến sông quê/ Con đường làng đồng lúa bờ tre/ Mãi khắc sâu ký ức cuộc đời.
Với Nguyễn Ngọc Hạnh, thơ là tiếng lòng, là ký ức cuộc đời của riêng ông, hay của bao người? Giữa cái chung và cái riêng đó, rất khó phân định rạch ròi, trong thơ ông. Chỉ có thể nói rằng, những cái “chạm” mang nhiều nhớ nhung, tha thiết ấy đã dẫn lối, đưa thơ Nguyễn Ngọc Hạnh lên sóng nhạc.
Hơn 30 năm qua, khoảng 100 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ra đời, trong đó nhiều ca khúc được các nhạc sĩ nổi tiếng như Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đình Thậm, Trần Tuấn Khanh, Trọng Đài, Nguyễn Cường, Hoài An… sáng tác. Ông nói đó là may mắn của người làm thơ. “Không hẳn thơ mình hay người ta mới phổ nhạc, mà tôi nghĩ đó là cái duyên giữa câu từ và giai điệu, khi hồn thơ chân chất, giàu cảm xúc được nhạc sĩ đồng điệu, chia sẻ, gửi gắm tâm trạng của chính mình”, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh bày tỏ.
2. Chắt lọc 77 ca khúc để tạo nên tuyển tập Khúc ru trầm và chọn trong đó 14 ca khúc biểu diễn phục vụ khán giả tại đêm nhạc cùng tên, với Nguyễn Ngọc Hạnh, là sự chắt lọc chính hồn thơ của mình. Ông cho hay, trong quá trình xây dựng kịch bản, điểm gặp nhau lớn nhất là có rất nhiều ca khúc viết về mẹ, như Qua đò nhớ mẹ, Gánh phố, Ngõ hẹp, Đêm xa làng…
Với ông, mỗi bài thơ là một miền ký ức và lời ca như chắp cánh cho những yêu thương, trân quý ấy bay cao. Nhiều người nói rằng, Nguyễn Ngọc Hạnh làm thơ như không làm, nghĩa là loại thơ làm như không, vừa như thơ, vừa như lời kể, cứ túc tắc chuyện trò, chậm rãi, nhẫn nại: Tôi đã mòn/ và đời thôi đã hẹp/ lối nhỏ dần nhỏ dần/ lấp khuất/ ngày thì xa mờ mịt/ chỉ lòng tôi chưa cạn đêm sâu (Ngõ hẹp), hay như cách ông kể về cơn mưa chiều nhẹ nhàng: Phơi cơn mưa lên chiều trôi/ Như tóc em bay lưng trời/ Cứ thong thả thế không cần vội/ Mưa rơi chầm chậm cùng tôi/ Cứ thản nhiên rơi/ Thản nhiên trôi (Phơi cơn mưa lên chiều)…
Có lẽ, người chưa biết nhiều về Nguyễn Ngọc Hạnh thì dễ lầm tưởng ca khúc Khúc ru trầm (phổ từ bài thơ Nhớ con) là hoài niệm của ông về lời ru của mẹ, nhưng đó là những lời ru của người cha - là ông - dành cho cô con gái bé nhỏ: Ẩn ức điều gì trong đôi mắt con/ mà ray rứt nỗi niềm trần thế/ có điều gì như là dâu bể/mà lòng cha quặn thắt đến bao giờ/ đêm cay xè/ đêm tràn nước mắt/ giữa đời này đâu thực đâu mơ.
Với Khúc ru trầm đó, ông như vắt kiệt sức lực và nỗi đau của mình, để vỗ về tâm hồn giữa cuộc đời bể dâu, không trọn vẹn. Và, Khúc ru trầm cũng là tựa đề ông chọn cho tập 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, như món quà thơ mà người cha muốn gửi đến con nơi miền xa đầy yêu thương, tiếc nuối.
Nguyễn Ngọc Hạnh quê xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng. Ông là tác giả của các tác phẩm: Hoa ven sông (tập thơ in chung, NXB Đà Nẵng, 1984); Khi xa mặt đất (thơ, NXB Đà Nẵng, 1979); Tuyển thơ tình thế kỷ 20 (tập thơ in chung, NXB Thanh Niên, 1979); Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh (NXB Hội Nhà văn, 2012); Phơi cơn mưa lên chiều (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2018); Lòng chưa cạn đêm sâu (ký, tản văn, NXB Hội Nhà văn, 2019); Khúc ru trầm (ca khúc phổ thơ, NXB Hội Nhà văn, 2021). Ông đoạt một số giải thưởng của Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng năm 2012, 2018, 2019 và giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2018. |
HUỲNH LÊ