Rót một tiếng chim

.

Mùa hè, giọng hót của những “ca sĩ đồng quê” dường như lúc nào cũng sóng sánh, mênh mang đồng bãi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đó là tiếng con chào mào trên nhành trứng cá, sớm chiều véo von lảnh lót, trong veo tựa tiếng nước đầu nguồn rót vào lòng sông xanh. Chào mào đỏm dáng, chòm lông trên đầu như được vuốt ngược lên, cái mỏ nhọn mảnh khảnh, dải lông mịn trắng muốt ở cổ, dưới chiếc đuôi dài lấp ló một mảng lông đỏ như màu hoa chuối. Cái đầu ngả nghiêng lanh lợi và đôi chân không ngừng nhảy nhót. Tiếng chào mào rót vào lòng người cảm giác thanh lành, bình yên, từ trên cành lá lan xa trong những đọt gió chòng chành. Ngồi ở thềm nhà nghe giọng chào mào lơ lửng giữa những quãng nghỉ lặng im, dù ở miền quê nhỏ xa xôi hay phố xá xô bồ, cũng thấy mình như trẻ nhỏ bao năm vẫn khát tìm hơi gió, hơi đất, mùi cỏ cây quyện trong giấc mơ trở về.

“Sân khấu đồng quê” đâu chỉ có chào mào độc diễn, những người con xuất thân từ đồng đất chân phương làm sao quên được tiếng cuốc nỉ non. Có gì như là chùng níu, bứt rứt đến khó tả, khi một chiều tôi ngồi tư lự nghe giọng con chim cuốc khuấy loãng cơn nắng cuối ngày. Giữa lưng chừng quãng vắng, tiếng cuốc thả vào hoàng hôn một điệu buồn lẻ loi, đều đều rải từng tiếng kêu làm xao động cả miền hồi tưởng. Mùa này, những mảng sương mù như người mộng du, la đà trên đồng làng hiu hút. Tiếng cuốc lẻ bầy góp thêm cho bản hợp âm mùa hè một thanh điệu cao vút, nhưng muôn đời nghe day dứt nhói lòng.
Từ mông mênh vườn chuối, rặng tre, rẫy bắp, cuốc không để lộ mình, chỉ giọng hót vô tình hay hữu ý nhấn hoàng hôn vào một cơn sầu không dứt, chênh chao vô định. Cứ thế bao tháng bao năm, cuốc vẫn ở một cõi trời nào đó đợi khi ngày vừa rũ bóng hoàng hôn, mà tỉ tê, khắc khoải giữa vô vàn những cuộc rời đi, những chuyến trở về, những đổi dời miên viễn. Để lúc nào đó người ta như cánh chim bay đi, mải miết phía những chân trời, buộc phải neo mình lại với những lạ xa vời vợi, thì tiếng cuốc, dẫu đôi khi chỉ có thể vọng về trong cơn mộng mị, sẽ dặm thêm chút nhớ cho buổi nhá nhem lặng thầm…

Sống giữa những thanh âm đồng quê ấy từ nhỏ, chúng như đã quyện hòa thành dòng nước ấm ngấm vào tâm hồn tôi, rót từng giọt hồi ức xuống miền thời gian bất tận. Tôi hay nhớ về hiên nhà cũ, nơi anh hai tôi từng treo lủng lẳng những chiếc lồng nuôi chim cu cườm. Có lẽ gọi là chim cu cườm vì trên bộ lông xám của chúng điểm lên những chấm trắng quanh cổ, trông giống một chuỗi hạt cườm. Hồi đó, tôi thường ngồi bên xem anh tôi sáng sáng thay nước, đổ thêm lúa cho chú chim cu đứng hiền lành trong lồng, nghe anh huýt sáo, âu yếm nhìn chú chim cúi xuống mổ lúa sột soạt. Những khi anh đi đâu về, bước chân vừa chạm bậc thềm là tôi thấy nó gật gật cái đầu tròn, cất lên những quãng gù trải dài, đều đều, trầm ấm. Đó là cách loài chim cu mừng chủ về, không ồn ào, cuống quýt, mà thật điềm đạm, dịu dàng.

Những trưa hè thanh vắng, tôi để ý con chim cu đứng trầm tư trong lồng. Tiếng hót của nó thỉnh thoảng vang lên, nhưng không còn xuống giọng trải dài, mà theo từng nhịp trong trẻo, bay bổng hơn, lẫn chút buồn tư lự.

Anh tôi từng quên đóng cửa lồng để chim bay mất. Anh chạy đi tìm, len lỏi giữa cánh rừng dương ngút ngát sau nhà, nhưng đáp lại anh chỉ là những lặng thinh. Cứ ngỡ khi được về lại với cỏ cây mây ngàn, được uống gió rừng và sải cánh tự do, gần gụi với giống loài, chú chim sẽ quên một bậc thềm nghiêng chao bóng lá, một hơi người, một bàn tay người từng chăm chút, nâng niu. Nhưng mấy ngày sau chú chim cu bay về, lặng lẽ đậu trên mái hiên chái bếp, cất tiếng gù hiền lành, thân thuộc. Dường như có một sợi dây thâm tình, bắt đầu từ những yêu thương mà anh dành cho chú chim từ lúc đôi cánh chỉ mới thưa thớt vài sợi lông tơ. Những yêu thương chân thành, giản dị, đủ vẽ một con đường cho cánh chim ngược gió quay về.

Anh hai tôi đã xa mãi. Những chiếc lồng thành tro bụi theo anh về trời. Những cánh chim đã hóa thân thành hình hài ký ức, nhưng tiếng gù của chúng bao năm rồi như vẫn trầm ấm bên trong ngôi nhà tâm tưởng người ở lại.

Đôi khi ta nhớ về một loài chim không chỉ vì giọng hót nao lòng.

TRẦN VĂN THIÊN

;
;
.
.
.
.
.