TRƯỚC MÙA TUYỂN SINH

Đại học không phải là cánh cửa duy nhất

.

Trong số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021, có gần 22% thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp. Đây là dấu hiệu cho thấy đã bắt đầu xuất hiện một xu hướng mới trong chọn trường của thí sinh, khi đại học (ĐH) không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, trong gần 220.000 thí sinh dự thi chỉ với mục đích xét tốt nghiệp THPT năm 2021, có một số lượng thí sinh đã sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ. Trừ các trường ĐH tốp đầu, do ảnh hưởng Covid-19, năm 2021, nhiều trường ĐH dành tỷ lệ lớn chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển bằng học bạ.

Tuy nhiên, từ mùa tuyển sinh năm 2018, việc công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH. Đây là một trong những chủ trương tốt để các trường công khai chất lượng đào tạo của trường và cũng là một trong những thông tin để học sinh phổ thông và phụ huynh tham khảo trong lựa chọn ngành nghề. Dữ liệu tỷ lệ sinh viên có việc làm còn góp phần giúp sinh viên thấy được sức cạnh tranh của trường mình theo học trên thị trường lao động, cũng như xu hướng việc làm, ngành nghề theo học.

Cách đây 4 năm, chị gái bên chồng của gia đình tôi gọi điện thoại nhờ chúng tôi “làm công tác tư tưởng” cho đứa con gái lớn khi cháu nhất định không nhập học vào ngành công tác xã hội của một trường ĐH mà chỉ “xin ba mẹ cho con đi học nghề”. Cháu chọn học nghề đầu bếp. Cháu cũng làm phép tính “đầu tư” và cơ hội việc làm để thuyết phục ba mẹ, cũng lấy ví dụ về các anh chị trong thôn cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH rồi thất nghiệp và xin đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Để cam kết là mình lựa chọn đúng với sở thích, năng lực, cháu hứa sau một năm, nếu không trụ nổi với nghề đầu bếp, không thể tìm việc làm được, thì sẽ quay trở lại ôn tập để dự thi ĐH. Anh chị đành chấp nhận để con tự chọn con đường đi của mình. Giờ đây, cháu có công việc với thu nhập ổn định. Thời điểm ảnh hưởng Covid-19, hàng quán đóng cửa, cháu vẫn có thu nhập nhờ bán thức ăn online.

Thị trường lao động đã tác động rất lớn đến kết quả tuyển sinh của các trường ĐH, cao đẳng. Vài năm trở lại đây, ngành Tài chính ngân hàng không còn là ngành hot do đầu ra đã bão hòa; ngành tàu thủy, xây dựng… tuyển sinh khó khăn; trong khi ngành cơ khí, công nghệ ô-tô… thì bậc cao đẳng cũng được nhiều thí sinh chọn lựa. Xã hội đã đánh giá các ngành, các trường đúng đắn hơn và không còn tâm lý phải vào ĐH bằng mọi giá. Vấn đề vào ĐH được xem là một cách đầu tư cho tương lai, nếu đầu tư không bảo đảm thì phụ huynh và người học sẽ chọn con đường khác, như học nghề, học cao đẳng chứ không nhất thiết phải vào ĐH.

Nhận xét về hiện tượng này, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, ngoài sự tác động của Covid-19 đến đời sống kinh tế và việc học tập thì tư duy định hướng nghề nghiệp đã bắt đầu hình thành, tức là không vào ĐH bằng mọi giá. Con số thất nghiệp, thực trạng lao động có bằng tốt nghiệp đi làm công nhân đã khiến học sinh và phụ huynh phải xem xét lại giá trị của tấm bằng ĐH. Trong khi đó, học phí ĐH lại đang tăng nên phải tính tới bài toán lợi ích thu được so với chi phí.

Thế nhưng, khó mà đòi hỏi tất cả học sinh lớp 12 đều xác định được đam mê của bản thân hay biết chính xác mình phù hợp với ngành nghề nào. Để biết được thực sự mình thích gì, làm được những gì thì đòi hỏi phải có sự trải nghiệm nhất định. Các trường phổ thông, tùy theo điều kiện thực tế, đã có sự kết nối với các cơ sở giáo dục ĐH, nhà máy, xí nghiệp, trang trại… để tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong tư vấn hướng nghiệp.

Hoạt động trải nghiệm để hướng nghiệp còn cung cấp cho học sinh thái độ nghiêm túc đối với nghề nghiệp. Vấn đề quan trọng là ở năng lực phấn đấu, sự nỗ lực học tập, lao động trong trường học cũng như sau khi ra trường, việc thích ứng với môi trường lao động đó như thế nào; chúng ta có thể đi nhiều con đường và ĐH không là con đường duy nhất.

HÀ TRẦN

;
;
.
.
.
.
.
Học đại học du lịch Đại học Duy Tân