Sự ra đời của các trường đại học ngoài công lập trên địa bàn Đà Nẵng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển giáo dục của thành phố, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, tác động mạnh mẽ đến hệ thống các trường đại học công lập trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông Asai Toshikazu (trái) - đại diện Công ty TNHH Xây dựng Asai (Nhật Bản) - ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Đông Á. Ảnh: Đ.H.L |
Thời gian qua, các trường đại học ngoài công lập không ngừng hoàn thiện những điều kiện cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo.
Mở nhiều ngành mới cần thiết cho xã hội
Trường Đại học (ĐH) Đông Á hiện có 35 ngành đào tạo bậc ĐH với 15 khoa. Trong đó, các ngành đào tạo về lĩnh vực du lịch, khách sạn, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, ô-tô, điện, điện tử, tự động hóa được xem là thế mạnh của trường.
Ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Đông Á cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tuyển sinh năm 2022, nhà trường mở thêm 4 ngành mới bao gồm logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, marketing và truyền thông, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Các ngành này ra đời gắn với sự chuyển đổi đào tạo sau đại dịch Covid-19. Song song đó, nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên; đồng thời quan tâm đầu ra cho sinh viên, khả năng tìm việc làm”.
Năm 2022, Trường ĐH Đông Á liên kết các trường ĐH lớn trên thế giới đào tạo các chương trình cử nhân quốc tế, qua đó giúp sinh viên tiếp cận chất lượng giáo dục quốc tế, mở ra cơ hội việc làm với mức thu nhập cao sau khi tốt nghiệp. Điển hình như liên kết với ĐH Angelo State (Mỹ) đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh, tạo cho sinh viên có cơ hội học tập tại Mỹ với chi phí tiết kiệm, chuẩn bị nền tảng tiếng Anh vững vàng và tỷ lệ đỗ visa Mỹ cao; liên kết với ĐH Liverpool John Moores (Anh) đào tạo cử nhân kinh doanh quốc tế, giúp sinh viên có kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý rủi ro nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, chương trình liên kết với ĐH Keimyung (Hàn Quốc) đào tạo cử nhân quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, ngôn ngữ Hàn sẽ giúp sinh viên được thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp lữ hành của Hàn Quốc như Korean Air, Asiana Airlines, Jeju Air, Incheon Airport, Hiệp hội du lịch thành phố Daegu…
Trong khi đó, năm 2022, Trường ĐH Duy Tân đào tạo 48 ngành bậc ĐH, trong đó có các ngành mới như quản trị sự kiện, khoa học dữ liệu, chuyên ngành digital marketing. Nhà trường tuyển 6.200 chỉ tiêu bậc ĐH theo phương thức xét kết quả kỳ thi THPT, học bạ, dựa vào kết quả đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xét tuyển thẳng theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Thường trực ĐH Duy Tân cho biết: “Sau 2 năm dịch chuyển hoạt động trên thị trường, chủ yếu số hóa, buộc nhà trường phải chuyển hướng đào tạo kết hợp công nghệ thông tin với marketing. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tổ chức sự kiện vẫn còn hạn chế nên nhà trường mở thêm lĩnh vực này. Nhà trường luôn hướng đến đạt chuẩn về đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu người học và nhu cầu thị trường. Đặc biệt, nhà trường có 55 chuyên ngành nhằm học chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu công việc”.
Để thu hút sinh viên, Trường ĐH Duy Tân tập trung nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo thông qua hợp tác với các trường ĐH trên thế giới; đồng thời đưa cán bộ, giảng viên ra nước ngoài tập huấn; tiến hành 4 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology) của Mỹ có giá trị trên toàn cầu. Bên cạnh đó, nhà trường đầu tư hệ thống cơ sở vật chất thiết bị, cập nhật, hiện đại hóa ngành nghề, nhất là các khoa như y khoa, điện tử.
“Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục hay kiểm định chương trình đào tạo là yêu cầu cấp thiết để các trường ĐH tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, đồng thời hàm chứa ý nghĩa công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trước toàn xã hội, giúp phụ huynh, người học, nhất là doanh nghiệp giám sát được chất lượng của các chương trình đào tạo mà nhà trường cung cấp. Việc chương trình đào tạo của ĐH Duy Tân được Tổ chức Kiểm định ABET công nhận đạt chuẩn thì giá trị thừa nhận về chất lượng sẽ có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn, vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia, rút ngắn khoảng cách về đào tạo giữa các trường ĐH trong nước với các ĐH có uy tín trên thế giới”, TS Võ Thanh Hải nhấn mạnh.
Chú trọng kỹ năng thực hành
Không chỉ chú trọng đào tạo kiến thức về lý thuyết, các trường ngoài công lập còn quan tâm đến kỹ năng thực hành để giúp sinh viên sau khi ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc tại doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Trường ĐH Duy Tân đã xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp cho sinh viên thực tập, thực hành, tuyển dụng. Nhà trường còn có chính sách học bổng đối với học sinh có điểm trúng tuyển cao, hỗ trợ các học sinh nghèo, có ngành miễn giảm học phí đến 30% học phí…
“Thế mạnh của trường vẫn là đào tạo công nghệ thông tin, tỷ lệ đào tạo thực hành, thực tập rất cao. Sau khi dịch ổn định, nhà trường sẽ tiếp tục trao đổi sinh viên trong khu vực ASEAN và Hàn Quốc về việc học lý thuyết, thực hành, thực tập và trao đổi trong vấn đề học tập”, TS. Võ Thanh Hải cho biết thêm.
Hiện Trường ĐH Đông Á hợp tác với khoảng 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các ngành losgistics, công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Nhà trường đã thành lập văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh để tìm việc cho sinh viên sau khi ra trường nếu có mong muốn làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm 2022, nhà trường đã ký kết hợp tác với Vinpearl nhận 500 sinh viên du lịch đi làm tại Phú Quốc. Ngoài ra, nhà trường ký hợp tác với các công ty của Nhật đưa 50 sinh viên ngành ô-tô đi Nhật trong tháng 6 và đưa 150 sinh viên ngành ô-tô, du lịch, thực phẩm… đến Nhật Bản làm việc với mức lương cao vào cuối năm nay.
Nói về chính sách đãi ngộ cho sinh viên, ông Lương Minh Sâm cho biết: “Trong quá trình tuyển sinh, nhà trường luôn tổ chức hướng nghiệp để các em chọn đúng ngành học, đồng thời chuẩn bị học ngoại ngữ cho sinh viên thực tập và làm việc với nước ngoài sau khi ra trường. Sinh viên năm cuối sẽ được đi thực tập ở nước ngoài 1 năm như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Đức… Qua đó, các em học thêm ngôn ngữ và trải nghiệm làm việc thực tế ở các xí nghiệp nước ngoài, từ đó rèn luyện tính chuyên nghiệp cao, nâng cao kiến thức và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Những sinh viên học tiếng Nhật đạt trình độ N4, hoặc tiếng Anh đạt 500 điểm TOEIC, nếu có nguyện vọng đi nước ngoài, nhà trường sẽ bảo đảm có việc làm”.
Trong tháng 5 này, Trường ĐH Đông Á đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Xây dựng Asai (Nhật Bản), đặc biệt là hợp tác đào tạo tiếng Nhật và tuyển sinh viên ngành xây dựng qua làm việc tại Nagoya. Ông Asai Toshikazu, Chủ tịch Công ty TNHH Xây dựng Asai chia sẻ: Hiện nay, việc tuyển lao động qua Nhật Bản làm trong ngành xây dựng khó khăn hơn các năm trước, do đó công ty cần nguồn lao động có chất xám, ít nhất là trình độ cao đẳng, ĐH chuyên ngành kiến trúc, xây dựng để làm việc lâu dài cho công ty.
Theo ông Asai Toshikazu, Chính phủ Nhật Bản rất khuyến khích lao động trẻ đến làm việc để đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các địa phương ở Nhật cũng có những chính sách thu hút nhân tài trẻ, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Sau khi phỏng vấn, kỹ sư sẽ được học tiếng Nhật 6 tháng để qua làm việc tại Nhật.
“Trong thời gian qua, Trường ĐH Đông Á đã có sự giao lưu, hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn của Nhật, do đó chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác các xí nghiệp vừa và nhỏ đến với ĐH Đông Á. Nhà trường sẽ đào tạo chuyên ngành xây dựng và ngoại ngữ đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời lồng ghép các kỹ năng mà phía Nhật yêu cầu vào chương trình giảng dạy để rút ngắn việc nâng cao tính thực tiễn khi qua làm việc tại Nhật Bản. Kỹ sư xây dựng được tuyển dụng có thể làm trong công ty vừa và nhỏ để có chính sách tốt về lương như người Nhật Bản, được hỗ trợ chỗ ở, được thăng tiến trong công việc”, ông nhấn mạnh.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG