TRƯỚC MÙA TUYỂN SINH

Nhiều cơ hội trúng tuyển

.

Gần đến thời điểm tuyển sinh chính thức, hiện các trường đại học (ĐH) đã công bố phương thức tuyển sinh và chỉ tiêu cụ thể vào từng ngành nghề. Theo các trường, năm nay công tác tuyển sinh có nhiều điểm mới.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp tại các doanh nghiệp.  Ảnh: THANH TÌNH
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp tại các doanh nghiệp. Ảnh: THANH TÌNH

Từ tháng 2-2022, các trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng đã xác định chỉ tiêu và công bố phương thức xét tuyển dự kiến trên trang thông tin điện tử của các trường và ĐH Đà Nẵng. Các đơn vị đang triển khai đăng ký chỉ tiêu chính thức lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những điểm mới trong phương thức xét tuyển

Năm nay, các đơn vị thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng thực hiện 5 phương thức tuyển sinh chính, bao gồm: xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh, xét tuyển theo điểm thi THPT, xét tuyển theo học bạ THPT, xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng.

Ngoài các phương thức trên, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng còn dành chỉ tiêu để xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức; Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức nhằm đa dạng phương thức tuyển sinh, tạo điều kiện cho học sinh THPT trên cả nước có thể dự tuyển vào ĐH Đà Nẵng. Các trường cũng mở rộng diện xét tuyển bằng phương thức xét tuyển riêng để tuyển chọn thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu đào tạo. Đây là những điểm mới trong phương thức xét tuyển năm nay.

Để chọn được thí sinh giỏi, có năng lực, đồng thời tăng cơ hội trúng tuyển của thí sinh, ĐH Đà Nẵng có một số điều chỉnh. Ngoài mở rộng phương thức xét tuyển, các trường cũng đổi mới về ngành, chuyên ngành đào tạo như Trường ĐH Bách khoa mở mới 3 chuyên ngành đào tạo (Công nghệ sinh học Y Dược - ngành Công nghệ sinh học; Kỹ thuật và quản lý đô thị thông minh - ngành Kỹ thuật xây dựng; Mô hình thông tin và Trí tuệ nhân tạo trong xây dựng - ngành Kỹ thuật Xây dựng), Trường ĐH Sư phạm mở mới 1 chuyên ngành (Vật lý Kỹ thuật). Ngoài ra, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh đang hoàn tất thủ tục mở các ngành, chuyên ngành mới theo nhu cầu xã hội. Về thời gian xét tuyển, ĐH Đà Nẵng và các đơn vị thành viên thực hiện xét tuyển sớm (trừ phương thức xét điểm thi THPT và một số phương thức khác chưa có điểm trước kỳ thi THPT), dự kiến công bố kết quả xét tuyển trước kỳ thi THPT.

Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng Trần Đình Khôi Quốc cho biết: “Thí sinh sau khi trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vẫn có thể đăng ký xét tuyển theo điểm thi THPT và thực hiện lọc ảo các nguyện vọng xét theo điểm thi THPT với các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm trong đợt xét tuyển chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cách thực hiện xét tuyển này tạo cho thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn nguyện vọng, đồng thời tạo tâm lý yên tâm đối với các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm. Đây là một trong những thay đổi về mặt kỹ thuật trong việc xét tuyển trong năm nay nhằm mang lại quyền lợi cho thí sinh trong việc lựa chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực của mình”.

Cũng theo ông Quốc, mỗi ngành đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, chỉ tiêu tuyển sinh dành cho mỗi phương thức cũng khác nhau. Việc có nhiều phương thức xét tuyển tạo điều kiện cho thí sinh có quyền lựa chọn phương thức có thế mạnh nhất để tăng cơ hội trúng tuyển, các trường cũng linh hoạt hơn trong nguồn tuyển. Tuy nhiên, do mỗi phương thức xét tuyển có cách đánh giá khác nhau nên khó so sánh năng lực của thí sinh trúng tuyển giữa các phương thức. Vì vậy, ông Quốc cho rằng, các trường cần phân bố chỉ tiêu giữa các phương thức một cách hợp lý để có thể tuyển được thí sinh tốt nhất cho ngành đào tạo.

Đón đầu nhu cầu nhân lực

Theo ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, thời gian qua, nhà trường đẩy mạnh ký kết hợp tác về đào tạo, trao đổi sinh viên với nhiều đơn vị trong và ngoài nước như tổ chức các hội nghị liên kết đào tạo; ký kết hợp tác với các Sở Giáo dục và Đào tạo, hệ thống giáo dục FPT School, các trường ĐH của Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Bỉ, Canada, Mỹ… Song song đó, nhà trường cải tiến các chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng chuẩn đầu ra và chuẩn nghề nghiệp của từng ngành đào tạo, mở mới các ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tạo điều kiện cho sinh viên tiếp tục theo học các bậc học cao hơn.

Cùng với đó, Trường ĐH Sư phạm đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, khu thể thao… Đặc biệt, trường chú trọng hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chương trình đào tạo. Năm 2022, Trường ĐH Sư phạm hoàn thành kiểm định cơ sở giáo dục chu kỳ 2, kiểm định 4 chương trình trong nước và 3 chương trình theo chuẩn quốc tế, nâng tổng số chương trình được kiểm định lên 14 chương trình.

“Với chất lượng đào tạo được khẳng định, bên cạnh lợi thế là thành viên của ĐH Đà Nẵng (đơn vị được Chính phủ đầu tư phát triển thành ĐH Quốc gia tại miền Trung), Trường ĐH Sư phạm chắc chắn là địa chỉ tin cậy của các thí sinh”, ông San khẳng định.

Đối với Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, bên cạnh cập nhật chương trình đào tạo của tất cả các ngành theo hướng hiện đại, tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin, trường mở thêm các ngành và chuyên ngành mới như Kinh tế số, Marketing số, Công nghệ - Tài chính… đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh 4.0.

“Nhà trường còn tăng cường giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh giúp sinh viên khi ra trường có thể có cơ hội làm việc trong môi trường toàn cầu hóa. Song song đó, tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng thực hành... để sinh viên bắt nhịp nhanh với môi trường làm việc thực tế”, PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế cho hay.

Theo đề án tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH FPT Đà Nẵng xét tuyển 16.880 chỉ tiêu với 14 ngành đào tạo chính quy. Trường ĐH FPT áp dụng đa dạng phương thức tuyển sinh nhằm giảm áp lực thi cử, tạo cơ hội cho những học sinh yêu thích và mong muốn theo học tại trường nhưng không nằm trong điều kiện xét tuyển.

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Trưởng ban Tuyển sinh, Trường ĐH FPT Đà Nẵng, cho biết thêm, trường hiện triển khai nhiều ngành học có cơ hội việc làm cao sau khi ra trường như: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Du lịch - Khách sạn và Ngôn ngữ (Anh/Nhật). Sắp tới, Ngôn ngữ Hàn và Internet Of Things sẽ là hai ngành được Trường ĐH FPT đưa vào đào tạo.

Trường ĐH FPT Đà Nẵng đã liên kết với 180 đối tác gồm các trường ĐH uy tín ở 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để mở rộng hợp tác, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội trải nghiệm, học tập, hướng đến có việc làm sau ra trường. “Trường ĐH FPT Đà Nẵng không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận nhanh công nghệ mới phục vụ công tác học tập, ngoại khóa tốt nhất”, ông Nghĩa nhìn nhận.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.