* Vùng đất Thăng Long - Hà Nội có câu ca “Đống Đa ghi để lại đây/ Bên kia Thanh Miếu, bên này Bộc Am”. Các địa danh ở đây nhắc đến những tích xưa nào? (Lê Ngọc Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng)
Câu nói nổi tiếng của vua Quang Trung khi ra lệnh tiến quân đánh quân Thanh được khắc trên một tảng đá ở Gò Đống Đa (Công viên Văn hóa Đống Đa), Hà Nội. Ảnh: V.T.L |
- Đây là câu ca dao được ghi lại trong cuốn Kho tàng ca dao người Việt (NXB Văn hóa thông tin, 2001) của các tác giả Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật và Thăng Long Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ (NXB Hà Nội, 2002 - in lần thứ 2) của tác giả Giang Quân. Cả ba địa danh trong câu ca này đều liên quan cuộc đại phá quân Mãn Thanh của Hoàng đế Quang Trung năm xưa.
Đống Đa là tên khu vực phía Bắc làng Khương Thượng, nơi Nghĩa quân Tây Sơn đã đại phá và đánh thắng hơn 20 vạn quân Thanh trong Trận Ngọc Hồi - Đống Đa vào ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (30-1-1789). Di tích để lại ngày nay là một gò đất (gọi là Gò Đống Đa) nằm bên phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Theo sử cũ, đêm mồng 4 rạng ngày 5 tháng 1 năm Kỷ Dậu, Đô đốc Long (còn có tên là Đặng Tiến Đông) chỉ huy quân Tây Sơn với sự tham gia của nhân dân quanh vùng đã diệt tan đồn Khương Thượng của quân Thanh khiến giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn) gần chùa Bộc bây giờ. Trận đánh đã mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng tiến vào Thăng Long.
Theo bài giới thiệu Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa của Cục Di sản Văn hóa (dsvh.gov.vn), Gò Đống Đa còn gọi là Công viên Văn hóa Đống Đa. Sử sách cũ ghi lại và theo hồi cố của các cụ cao niên ở làng Thịnh Quang, Gò Đống Đa xưa kia nằm tại khu vực gần phía ngoài Kinh đô Thăng Long, thuộc đất làng Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên.
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa nói chung và chiến thắng Đống Đa nói riêng năm Kỷ Dậu (1789) là một trong những trận chiến chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và được các nhà nghiên cứu Việt Nam đánh giá là chiến công oanh liệt nhất của Hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Chiến thắng này đã chặn đứng ý định xâm chiếm Đại Việt của nhà Thanh dưới thời Càn Long thịnh trị. Vì vậy, nói về giá trị đặc biệt của di tích này là nói đến giá trị lịch sử, về nghệ thuật quân sự đặc sắc với những bước tiến quân thần tốc, bất ngờ, táo bạo tạo lên chiến thắng vang dội, làm cho quân địch không kịp trở tay.
Thanh Miếu ban đầu là ngôi miếu “thờ” vong hồn quân Thanh và Sầm Nghi Đống để tranh thủ về ngoại giao với nhà Thanh, về sau tính chất thờ phụng không còn nữa.
Bộc Am là chùa Bộc, ở gần Thanh Miếu, thuộc địa phận làng Khương Thượng. Đây là ngôi chùa cổ được trùng tu sau năm 1789. Trong chùa có pho tượng Đức Ông, phía sau có khắc mấy chữ Hán “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng” (năm Bính Ngọ, 1846, làm tượng Quang Trung). Có thể coi đây như một bằng chứng của lòng nhân dân kính ngưỡng vị anh hùng dân tộc nhưng không dám công khai dưới triều Nguyễn.
Ngày nay, vào mồng 5 Tết Nguyên đán, người dân Hà Nội nô nức kéo về khu vực Đống Đa long trọng làm lễ kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa lịch sử, gọi là ngày Giỗ trận Tây Sơn.
ĐNCT