Tôi đi tìm niềm vui nhưng không thấy, khi không tìm nữa thì nó lại hiện ra.
Tuần trước, tôi cùng con gái tham gia phiên chợ “Vườn nắng” được tổ chức ở một khu vườn ngập tràn rau trái và hương thơm. Ở đó còn có tiếng chim hót, tiếng rù rì vỗ cánh của ong bướm dập dờn.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Trước khi ghé đến, vốn dĩ tôi thắc mắc, tại sao không chọn cái tên khác như “Chợ cộng đồng”, “Chợ nhà vườn”, vì rõ ràng tất cả hàng hóa được bày bán đều là đồ thủ công, là nông sản sạch do vườn nhà trồng. Nhưng khi đặt chân đến, tôi mới vỡ lẽ về cái tên. Nơi này nhiều nhất là nắng. Nắng tô điểm sắc áo, nắng khiến hoa cỏ khắp vườn lung linh, bừng sáng và hòa nhịp với con người. Cứ men theo lối đi có nắng, tự khắc mọi thứ sẽ được dẫn đường.
Phiên chợ có năm gian hàng: Gian hàng nông sản, gian hàng thủ công, gian hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, gian hàng thực phẩm ăn uống và gian hàng “cũ người mới ta”.
Trong ánh ban mai trải rộng, những bạn trẻ (những chủ quầy) dựng lên những chiếc sạp bé xinh bằng vật liệu thân thiện. Họ xếp đặt hàng hóa ngay ngắn theo từng hàng lối, đẹp mắt và không chen chúc nhau. Từng hình khối, màu sắc và chi tiết nhỏ của mỗi sản phẩm được khoe sắc, phô diễn tối đa dưới nắng. Đó là những trái cà, quả bí, bó rau non mượt; là những con thú len, chiếc kẹp tóc handmade (làm thủ công) nhỏ xinh... Ngay gian ẩm thực, tôi say sưa với ly thạch cam nhà làm vàng ươm, sóng sánh.
Ở gian hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, con gái tôi háo hức muốn lăn một ít nước hoa lên cổ tay, bôi một ít son dưỡng môi. Thấy tôi ngần ngại, cô gái bán hàng nhanh nhảu: “Chị yên tâm cho cháu thử, các sản phẩm ở đây đều không sử dụng hóa chất. Lọ son dưỡng môi trên tay bé được làm từ sáp ong, sữa cám gạo và dầu oliu. Thành phần nước hoa cũng vậy, hoàn toàn đến từ thiên nhiên nên tuyệt đối an toàn cho làn da nhạy cảm của bé”, tôi thở phào, cùng con hòa mình cùng những làn hương.
Tôi nhận ra, nếu mỗi lần đến siêu thị hay những hội chợ đông đúc vào ngày lễ, Tết, mẹ con tôi thường khó chọn mua được những thứ mình cần. Nhưng ở phiên chợ “Vườn nắng” này, thành quả thu được nhanh chóng ngoài dự kiến. Một phần do chất lượng hàng hóa ở đây, nhưng có một nguyên nhân nữa cũng quan trọng không kém, ở đây chúng tôi có ít lựa chọn hơn. Thay vì quan tâm số lượng, người bán đầu tư hơn chất lượng sản phẩm, giúp khách hàng yên tâm, tránh cảm giác so sánh, lựa chọn, ôm đồm.
Tất cả các chủ gian hàng mà tôi gặp ở khu vườn hôm đó đều có thể giới thiệu vanh vách về xuất xứ, thành phần, công dụng của các sản phẩm mà họ có. Người mua tất nhiên không thể chỉ lướt qua vội vàng. Ai cũng đi chậm lại, nhìn sâu hơn, lắng nghe thật rõ. Mọi người dùng mọi giác quan để nâng niu các vật phẩm như những món quà.
Khi giỏ đã chất đầy hàng, hai mẹ con tôi có thêm thời gian để thăm thú khu vườn. Chúng tôi gặp và trò chuyện cùng hai ông bà tóc bạc đang bắt sâu.
Ông bà kể, khu vườn này là món quà thừa kế của dòng tộc. Nhưng giờ ông bà già rồi, không đủ sức khỏe để canh tác nhiều loại cây trái sinh lời như những gia đình bên cạnh. Trên những gộc cây có sẵn, ông gác vài thanh tre làm giàn trồng mướp, những nơi rộng rãi, nhiều ánh sáng thì bà dặm thêm rau…Thế rồi năm ngoái, đứa cháu nội từ miền Nam trở về xin ông bà cho mượn tạm khu vườn để thực hiện dự án cùng bạn bè. “Dự án ấy hình như mang tên Sống xanh sống vui gì đó, mà xanh thật, vui thật. Ông thấy ai đi chợ này cũng vui”, ông cụ tâm sự thêm.
Với hai mẹ con tôi, phiên chợ “Vườn nắng” là sự kết nối tình cờ. Tôi không chủ động đi tìm khu vườn ấy nhưng khi đến đó, cách mà phiên chợ diễn ra nhắc tôi nhớ rằng, trong cuộc sống, mọi niềm vui vẫn hiện hữu. Đừng để sự ôm đồm hoặc thừa mứa, vội vã hoặc vô cảm lấy đi niềm vui được tận hưởng những điều ý nghĩa trong mỗi phút giây.
Tôi chợt nhớ về dòng chữ màu xanh ai đó ghi vội trên tờ lịch: “Tôi đi tìm niềm vui nhưng không thấy, khi không tìm nữa thì nó lại hiện ra”. Tôi không cần đi tìm nữa. Tôi chỉ cần sống chậm lại thì sẽ có được rất nhiều.
DIỆU THÔNG