Báu vật giữa làng

.

Có một điều thật diệu kỳ là nằm giữa ngôi làng trung du Đại Bình đẹp như tranh vẽ ở xã Quế Trung, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam), hiền hòa quanh năm ngọt ngào cây trái là một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm cây gỗ quý vươn lên trời xanh uống ánh nắng mặt trời.

Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phước (huyện Nông Sơn) Võ Thị Hậu (giữa) trồng cây Dỗi xanh ở rừng Cấm Đại Bình với mong ước “Trước khi chặt một cây, hãy trồng một rừng cây”. Ảnh: NHƯ HẠNH
Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phước (huyện Nông Sơn) Võ Thị Hậu (giữa) trồng cây Dỗi xanh ở rừng Cấm Đại Bình với mong ước “Trước khi chặt một cây, hãy trồng một rừng cây”. Ảnh: NHƯ HẠNH

1. Con đường dẫn đến Cấm (nói theo người địa phương, nghĩa là rừng) nay đã bê-tông hóa mới tinh khiến bức tranh cảnh quan ngôi làng phớt thêm nét cọ mềm giữa nền xanh của rừng núi trung du, người dân chỉ cần dăm phút chạy xe máy là đến tận bìa rừng, thay vì lội bộ cả tiếng đồng hồ như mấy chục năm trước. Chúng tôi bỏ xe máy bên đường, bước vào con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn vào Cấm mọc đầy hoa mua, hoa sim tím. Chỉ cách mấy bước chân thôi mà không khí dường như nhẹ tênh. Tiếng con chim chào mào hót véo von hòa giọng cùng bè bạn trên ngọn các loại cây Huỷnh, Chò, Giáng hương… phủ kín dây leo, khiến du khách cảm giác như lạc vào cõi phiêu bồng.

Ông Trần Kim Hùng, nguyên Trưởng thôn Đại Bình, dù tuổi chỉ hàng con cháu so với các bậc cao niên ở ngôi làng bên kia sông Thu Bồn nhưng lại được xem là người thuộc lòng chuyện làng, người đi đầu trong việc bảo vệ rừng Cấm, vừa đi vừa rủ rỉ kể chuyện: “Dân ở đây không ai biết chính xác khu cái Cấm ni bao nhiêu tuổi. Chỉ biết từ khi sinh ra và lớn lên thì rừng đã có rồi. Mỗi khi mùa lũ về, nước sông Thu Bồn cuồn cuộn dâng cao như muốn nhấn chìm cả làng. Lúc đó, Cấm như ngôi nhà trên cao để dân chạy tránh lụt. Ngày trước, người ta còn làm chuồng trâu, bò ở trong rừng nhiều lắm, phòng lúc nửa đêm nước dâng bất thình lình, gia súc vẫn có chỗ an toàn tránh mưa bão. Bây giờ, có chủ trương bảo vệ Cấm, nên người dân dời chuồng trâu, chuồng bò ra rẫy xa”.

Đối với dân làng Đại Bình, Cấm được xem như báu vật được tiền nhân gầy dựng và trao lại cho hậu thế. Từ trên cao nhìn xuống, Cấm như tấm bình phong ưỡn tấm ngực to lớn che chắn cho làng mỗi khi có mưa to gió lớn. Hệ thống cây rừng lớn nhỏ đan xen, rậm rịt dây leo tầng tầng lớp lớp như chiếc máy điều hòa khổng lồ tạo nên khí hậu mát mẻ cho ngôi làng trong điều kiện trái đất đang nóng dần lên như hiện nay. Hơn ai hết, người dân trong làng hiểu rõ ngoài mạch nước ngầm sông Thu Bồn cung cấp độ ẩm cho đất thì rừng Cấm chính là “van điều hòa” sinh thái quý giá của làng.

Đứng dưới những tán cây rừng xanh um, cành lá đan xen, bầu trời hiện ra trên đầu là những ô nhỏ xanh lơ dịu nhẹ, chỉ tay về dãy núi Ngang trước mặt, ông Hùng cho biết, dù Đại Bình mỗi năm “gồng mình” đón hàng chục cơn bão lũ nhưng làng vẫn luôn là chốn bình yên bởi địa thế do trời sắp đặt. Mùa mưa, gió từ sông Thu Bồn quật vào làng đã có cây rừng và núi Ngang chắn, làm giảm tốc độ rồi yếu dần. Lũ lớn thì chạy lên Cấm trú chờ nước rút. Mùa hè thì khỏi phải nói, Cấm như chiếc dù xanh khổng lồ đặt giữa làng che cái nắng hè thiêu đốt. Đó là chưa kể mỗi năm cây lá trong rừng rụng xuống, tạo thành lớp mùn vừa giữ ẩm cho đất, vừa tạo thành nguồn phân bón tự nhiên không bao giờ cạn…

2. Không người canh giữ, không một chế tài nhưng Cấm vẫn uy nghiêm tồn tại hàng trăm năm nay theo kiểu “làng trong rừng và rừng giữa làng”. Anh Nguyễn Thanh Tuyền, Trưởng thôn kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Du lịch Dịch vụ Đại Bình cho biết: “Thực ra đến năm 2017, làng mới có một bản hương ước bằng giấy trắng mực đen bổ sung cho quy ước năm 1988. Trong đó, Điều 16 quy định về bảo vệ và phát triển rừng Cấm. Có lẽ do hiểu được tác dụng quý giá của rừng Cấm nên mỗi một người dân đều tự ý thức gìn giữ, không xâm phạm, chặt đốn cây cũng như săn bắt, bẫy động vật… Không những thế, mỗi năm vào các dịp lễ, Tết, hội hè, chính quyền và các hội, đoàn thể đều vận động nhân dân trồng thêm rừng mới ở khu vực đất trống”.

Mới đây, trong khuôn khổ ngày hội Văn hóa - Du lịch Đại Bình 2022 diễn ra vào trung tuần tháng 8 vừa qua, UBND huyện Nông Sơn đã tổ chức lễ phát động trồng cây gây rừng tại rừng Cấm. Từ cán bộ, công chức đến người dân các nơi đăng ký trồng các loại cây bên khu đồi còn thưa bóng cây xanh. Với sự trợ giúp của mấy anh em đơn vị “Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Voi” trực thuộc UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phước (huyện Nông Sơn) Võ Thị Hậu trồng một cây Dỗi xanh; Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Nguyễn Thị Bích Phượng chọn trồng một cây Lim xanh... Đặc biệt, bà Trần Thị Út - du khách đến từ xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, nhờ anh em trồng giúp mình một cây Ươi. “Tôi rất thích ăn trái Ươi, dù không phải là người dân Nông Sơn nhưng vẫn trồng cây Ươi ở rừng Cấm. Biết mô sau này có dịp lên Đại Bình lại được hái trái Ươi do mình trồng”, bà vui vẻ nói.

Giờ thì mùa thu đang dịu dàng đi qua khu rừng Cấm bằng những bước nhỏ, để lại sau lưng thảm lá vàng phủ kín mặt đất. Những cây non vừa mới được trồng sau một tháng đã bắt đầu bén rễ vào đất làng. Để rồi khi lớn lên, mỗi cây không chỉ tham gia bảo vệ làng trước thiên tai, hạn hán mà còn làm đẹp thêm cảnh quan quê hương. Ông Trần Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Khuyến nông huyện Nông Sơn cho biết, năm ngoái, tại hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch Đại Bình do UBND huyện tổ chức vào cuối tháng 4-2021, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, đã dành nhiều thời gian để thảo luận, đánh giá, nhấn mạnh việc phát huy tiềm năng thảm thực vật tại làng Đại Bình, đặc biệt là rừng Cấm để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc hữu.

Tuy rừng Cấm có diện tích chỉ 11,5 hecta nhưng tồn tại nhiều danh mộc. Trong ảnh: Ông Trần Kim Hùng bên các danh mộc đã được gắn biển theo dõi. Ảnh: NHƯ HẠNH
Tuy rừng Cấm có diện tích chỉ 11,5 hecta nhưng tồn tại nhiều danh mộc. TRONG ẢNH: Ông Trần Kim Hùng bên các danh mộc đã được gắn biển theo dõi. Ảnh: NHƯ HẠNH

3. Xưa nay, người dân Đại Bình vẫn luôn tin rằng chính không gian sống xanh mát và những loại thảo dược quý hái từ rừng Cấm đã giúp bà con ở đây sống khỏe và sống thọ hơn. Hôm trước ghé thăm ngôi nhà cổ của cụ Nguyễn Quốc Tín, từ ngày cụ ông mất, cụ bà sống vui vầy cùng cô con gái lớn. Ngồi trước hiên nhà, cụ bà nhấp nháp chén nước lá hái từ hôm Tết Đoan Ngọ chậm rãi trò chuyện với khách: “Lá ni là hái trên Cấm về đó. Tốt lắm đó nghe. Tiêu thực, tan mỡ máu, đỏ da thắm thịt! Dân ở đây uống nước lá, nước chè xanh quanh năm. Khỏi lo bệnh tật…”.

Vậy đó, người dân địa phương tự hào khi làng mình có nhiều loại thảo dược rất quý được gìn giữ ở rừng Cấm như: cây Giảo cổ lam, cây Dây gắm. Theo khảo sát của giới chuyên môn, tuy rừng Cấm có diện tích không rộng (11,5 hecta) nhưng tồn tại nhiều danh mộc. Ngoài Huỳnh đàn, nơi đây còn có Huỷnh, Giáng hương, Mít nài, Mù u, Trai. Đặc biệt, trong rừng Cấm có 51 cây Huỳnh đàn, đây là cây gỗ quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam được xếp hạng ở thang VU - sẽ nguy cấp, cần có biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn gen.

Vừa mới chạm tay vào ngưỡng cửa du lịch mấy năm nay, mô hình “nhà vườn” của Đại Bình đã chinh phục người thưởng lãm với chất lượng đạt tiêu chí “xanh, sạch, ngon”. Trong không gian vườn nối tiếp vườn, sau lưng là núi, trước mặt là những bến sông, làng đã trở thành điểm đến hữu tình không thể bỏ qua đối với du khách gần xa.

Với suy nghĩ của một người trẻ tuổi xông xáo với việc làng việc xã, anh Nguyễn Thanh Tuyền luôn mong muốn phát huy giá trị của rừng Cấm trong phát triển du lịch sinh thái địa phương. Anh hy vọng một ngày không xa, du khách không chỉ dạo chơi qua những khu vườn thơm mùi cây trái, qua những cung đường làng mát lành, mà còn được tản bộ trên những lối mòn chung quanh rừng Cấm. Ở đó mỗi người có thể ngắm nhìn những cây gỗ quý, lắng nghe tiếng các loài chim khướu, bạc má, chào mào… hót gọi bạn tình trên những chạc cây cao mà nghe tâm hồn lắng dịu.

Để có cơ sở xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái Đại Bình, đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Tư vấn quản lý và đầu tư Mastery đã điều tra, đánh giá tổng quan về tài nguyên thực vật của làng, đặc biệt là trong rừng Cấm. Trong đó, thảm thực vật và yếu tố văn hóa là một trong những tiềm năng tạo nên dấu ấn riêng của làng. Ở góc độ này, ngoài các loại cây trái bản địa, các loại rau truyền thống thì thảm thực vật trong rừng Cấm là tiềm năng rất quý và đa dạng. Vấn đề là Đại Bình không chỉ ra sức gìn giữ “Báu vật của làng” mà còn biết cách phát triển một cách hiệu quả nhất, để câu chuyện làm du lịch sinh thái địa phương mới tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.