Châu Âu muốn một mùa đông không lạnh

.

Các nước châu Âu sắp bước vào một mùa đông khắc nghiệt trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga tiếp tục gián đoạn. Cuộc khủng hoảng khí đốt hiện nay là “cơn ác mộng” khi “lục địa già” phải đối mặt với hóa đơn tiền điện và chi phí sinh hoạt tăng cao.

Nga đóng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt đến Đức và cũng là tuyến cung cấp khí đốt then chốt cho châu Âu. Ảnh: Spiegel
Nga đóng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt đến Đức và cũng là tuyến cung cấp khí đốt then chốt cho châu Âu. Ảnh: Spiegel

Khi các nước Liên minh châu Âu (EU) đang lo lắng về việc thiếu khí đốt vào mùa đông này thì Nga vẫn thu về 158 tỷ euro từ xuất khẩu năng lượng trong vòng 6 tháng kể từ lúc phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, theo báo cáo mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), có trụ sở ở Phần Lan.

Như vậy, trong cuộc chiến năng lượng, cán cân đang nghiêng về phía Nga, bởi không có châu Âu, Moscow vẫn có các đối tác khác và doanh thu đạt mức cao. Trong khi đó, giảm nguồn cung khí đốt từ Nga, châu Âu phải xoay xở nhiều gói giải pháp, nhưng khó khăn vẫn chồng chất và mùa đông sắp tới sẽ vô cùng lạnh.

Tích trữ nhiều nhưng vẫn chưa đủ

Hãng tin Reuters cho biết, kho khí đốt của EU hiện đầy khoảng 79,9% và chắc chắn ở mức 80% vào tháng 11 tới. Nếu căng thẳng năng lượng giữa Nga và EU không xảy ra, lượng dự trữ nhiều như thế có thể giúp châu Âu vượt qua giai đoạn cao điểm về nhu cầu khí đốt trong mùa đông. Song, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đóng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt đến Đức và cũng là tuyến cung cấp khí đốt then chốt cho châu Âu, vì phát hiện rò rỉ dầu. Tình trạng gián đoạn nguồn cung sẽ làm tỷ lệ tích trữ nói trên không đủ. Hơn nữa, một số nước châu Âu còn bị Nga cắt nguồn cung do từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.

Trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt cho châu Âu. Việc “lục địa già” tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế dẫn đến cuộc chạy đua giá khí đốt. Ước tính giá khí đốt nhập khẩu toàn cầu tăng hơn 60% trong 3 tháng qua, đe dọa đà phục hồi của kinh tế thế giới. Động thái của Gazprom đóng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đẩy giá khí đốt ở châu Âu tăng thêm 30% lên 272 euro/mgwh, gấp khoảng 4 lần so với mức giá khoảng 70 euro hồi đầu năm 2022. Dự báo giá xuất khẩu khí đốt trung bình sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm nay, lên 730 USD/1.000m3, trước khi giảm dần cho đến cuối năm 2025.

Giá năng lượng tăng đẩy lạm phát tại châu Âu lên mức cao nhất trong nhiều năm, gia tăng gánh nặng cho các hộ gia đình và các ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành hóa chất lẫn sản xuất điện bằng khí đốt. Giá điện ở Pháp, Đức tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Anh - nước đã rời EU, mỗi hộ gia đình sẽ đối mặt với hóa đơn điện tăng khoảng 80% từ tháng 10 tới.

Tại một hội thảo ở Stavanger (Na Uy) hồi cuối tháng 8-2022, ông Ben Van Beurden, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Shell cảnh báo: Châu Âu có thể phải gồng mình qua nhiều mùa đông với hóa đơn tiền điện “cắt cổ” và phải phân bổ điện theo định mức.

G7 tìm “liên minh rộng lớn” 

Giới chức châu Âu lên kế hoạch ngừng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga năm 2027, trước mắt là giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm 2022, tìm nguồn cung thay thế, thúc đẩy việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ thông qua tăng hiệu suất sử dụng và gia hạn hoạt động của các nhà máy điện than, điện hạt nhân vốn đã đóng cửa.

Nhiều đề xuất khác cũng được đưa ra, chẳng hạn như thiết lập giá trần năng lượng nhằm giảm hóa đơn năng lượng 770 euro mỗi năm cho mỗi gia đình. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng, cần tách giá khí đốt với giá điện. Song, theo Bộ trưởng Công Thương Cộng hòa Czech Jozef Sikela, việc tách biệt giá khí đốt và giá điện có thể dẫn đến mức tiêu thụ khí đốt cao hơn. Trong khi đó, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Ý ủng hộ tách giá khí đốt khỏi các nguồn năng lượng khác rẻ hơn.

Cuối tuần trước, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7 - gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada) và EU đã đồng ý với giới hạn giá dầu (trần giá dầu) của Nga nhằm hạn chế doanh thu của Điện Kremlin. Cụ thể, G7 muốn lập “liên minh rộng lớn” đưa ra giới hạn giá với sản phẩm thô và với sản phẩm tinh chế của Nga. Giới hạn giá dầu thô sẽ được áp dụng từ ngày 5-12-2022, giới hạn giá cho các sản phẩm tinh chế sẽ áp dụng từ ngày 5-2-2023. Thế nhưng, kế hoạch này được cho là không khả thi bởi nhiều nước ngoài G7 sẽ không tham gia vì không muốn mất nguồn lợi giá dầu rẻ của Nga.

Bà Ursula von der Leyen cũng cho biết, Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga, cùng với việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trong mùa đông tới. Tất nhiên, Nga sẽ không khoanh tay đứng yên nếu phương Tây áp giá trần đối với các mặt hàng năng lượng của nước này. Theo đó, cuộc chiến năng lượng sẽ khó có hồi kết.

KHÁNH LINH (theo Reuters, Bloomberg, TASS)

;
;
.
.
.
.
.