Mỗi ngày của các bạn tôi thường trôi qua nhẹ nhàng, không có gì đặc biệt. Thậm chí, nếu chỉ nhìn lướt qua cuộc sống của họ, mỗi ngày như thế là quá trống trải, tẻ nhạt.
Sau giờ làm việc, các bạn trở về nhà để nấu nướng, lau dọn, sắp đặt nhà cửa. Mọi đồ đạc được tối giản, đồng hóa màu sắc tạo cảm giác gọn gàng, thư thái cho mọi thành viên mỗi khi bước vào nhà. Cũng là việc nhà, nhưng nếu nhiều người khác có thể thực hiện trong sự cau có, bực bội, vội vã, việc nọ xọ việc kia, thì những người bạn của tôi luôn từ tốn bố trí. Thứ tự ưu tiên được sắp xếp tùy theo nhu cầu, sự chủ động và cảm xúc của cá nhân người thực hiện chứ không do mức độ cần kíp, sự áp đặt của bất cứ thành viên nào khác trong gia đình.
Nhờ chủ động, tự do nên mỗi người luôn yêu công việc mình làm, ngôi nhà trở thành một chốn sum vầy bình an và êm ấm.
Vì có người vợ, người mẹ biết sắp xếp, vun vén công việc trong gia đình nên những người con, người chồng cũng ít nhiều biết cách sinh hoạt nền nếp. Người phụ nữ ở đây không làm thay việc của người khác, mà chỉ là người thắp lên, khởi động một “hệ sinh thái” và ở đó mỗi người đều tĩnh tại, tự nguyện góp công để tạo ra một không gian ấm áp.
Chứng kiến sự sum vầy của gia đình bạn, tôi nhớ về ngôi nhà xưa của mình, khi ông bà còn sống, ba mẹ tôi mới ở tuổi chớm trung niên. Sau giờ làm ở cánh đồng, ai nấy đều trở về nhà. Mùa hè bên giếng nước, mùa đông thì lấy bếp lửa làm tâm điểm của những buổi quây quần.
Khi ấy, cha tôi không phải bôn ba làm thêm nghề phụ, mẹ tôi cũng chẳng nhận thêm sản phẩm may mặc để về gia công kiếm thêm đồng ra đồng vào như bây giờ. Hồi ấy, mọi người có đủ thời gian dành cho nhau.
Bên cánh cửa hông, mẹ ngồi thêu thùa, may vá, dạy các em cách làm đồ chơi. Còn tôi lớn hơn nên theo bà ra vườn nhặt quả, hái rau, chuẩn bị bữa tối cho đàn gia súc, gia cầm. Những bữa ăn dù đạm bạc nhưng mùi vị món nào cũng được ghi nhớ kỹ. Cũng là nấu bếp nhưng bà và mẹ xem đó là một nghĩa cử của tình yêu; cũng là ăn cơm nhưng những đứa trẻ ngày xưa xem đó là sự nâng niu, tận hưởng. Tận hưởng từ cái tiếng khi cơm vừa sôi lên, từ cái mùi khi cá thịt vừa lít rít cháy xém, đến lúc vị của món ăn đọng trên đầu lưỡi thì trong lòng cũng đã kịp lưu lại bao lưu luyến và cảm xúc.
Trong bài thơ Giang hồ, nhà thơ Phạm Hữu Quang từng viết: “Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Tại sao chỉ mỗi “tiếng cơm sôi” thôi cũng dễ dàng khiến ai đó “nhớ nhà” đến vậy? Bởi lẽ, khi đủ thời gian để yêu thương và trìu mến, thì bất kỳ thứ gì, dù đơn giản đến mấy cũng trở thành đặc biệt trong lòng nhau.
Bây giờ, những mái nhà vẫn ở đó, tiếng cơm sôi mỗi chiều vẫn còn đó, nhưng cả người nấu và người chờ cơm đều bận bịu nhiều thú vui và công việc chồng chất. Bên chiếc bàn ăn, thành viên nào cũng vội vội vàng vàng lùa cơm cho qua bữa.
Tôi tự hỏi, sau này, khi những đứa trẻ thế hệ này lớn lên, mỗi lần nhắc về ngôi nhà của mình thì sẽ có điều gì để chúng nhớ, khi mỗi giờ sống chỉ là trạng thái “lướt qua”?
Cuộc sống càng tiện nghi, bận rộn, con người lại càng hối tiếc, nhớ nhiều đến chuyện xưa. Nhớ chuyện xưa, nhắc chuyện xưa nhiều cũng vì hiện tại ta không thể có được cuộc sống như thế nữa. Cuộc sống tất bật hiện đại đã lấy đi những niềm hạnh phúc giản dị vô hình.
Những người bạn gái của tôi, nếu chỉ trong một không gian nhỏ hẹp giữa bốn bức tường mà họ vẫn có thể mỗi ngày lắng nghe, ngắm nhìn, tận hưởng và lan tỏa hạnh phúc, thì khi bước ra cuộc đời ngoài kia, tôi tin sẽ chẳng có nơi nào khiến họ thấy ngột ngạt và bất an nữa.
Những người bạn ấy, họ luôn có nhiều hơn một tiếng cơm sôi...
MINH THI