Nhà Nguyễn đã xây dựng Bảo Trấn Lao (nhà đày Lao Bảo, nay thuộc thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nhằm bảo vệ biên cương ở phía tây và dùng làm nơi lưu đày các tội nhân trọng án về hình sự. Về sau, thực dân Pháp lợi dụng tính chất vừa là đồn lính, vừa là trại giam của Bảo Trấn Lao, kết hợp với địa hình hiểm trở, khí hậu thất thường để xây dựng nhà đày Lao Bảo.
Lao Bảo có thể là tên gọi chệch của Bảo Trấn Lao, với nghĩa Bảo: Thành đắp bằng đất (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, NXB Văn hóa Thông tin, 2005, trang 53). Thiều Chữu, trong Hán Việt từ điển, cũng nêu Bảo: Cái thành nhỏ, bờ lũy trong làng đắp để phòng giặc cướp (Sđd, NXB Đà Nẵng, 2005, trang 119).
Trong Tờ trình ngày 18-1-1896, Khâm sứ Trung kỳ tại Huế, gửi Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương, nói rõ: “Việc thiết lập nhà ngục Ai Lao tại một địa điểm trên tả ngạn sông Mekong, cần thiết phải đặt tại Quảng Trị và Ai Lao nhiều trạm gác dân sự đủ bảo đảm chắc chắn cho việc giám thị tù nhân và sự đi lại của các đoàn xe dành cho Lào”.
Di tích lịch sử quốc gia Nhà đày Lao Bảo. Ảnh: tinhuyquangtri.vn |
Vì vậy, cùng với việc mở mang đường 9, con đường chiến lược về các mặt, thực dân Pháp cho xây dựng nhà đày Lao Bảo có diện tích khoảng 10ha, cách đường 9 chừng 2km. Quá trình xây dựng nhà đày Lao Bảo gắn liền với phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta qua từng giai đoạn lịch sử.
Thế hệ tù nhân đầu tiên
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1896-1945, trong số tù nhân bị giam và mất tại Nhà đày Lao Bảo, Quảng Nam và Đà Nẵng chiếm tỷ lệ không nhỏ, chỉ sau Nghệ An (Nhà đày Lao Bảo, NXB Chính trị quốc gia, 2002). Thế hệ tù nhân đầu tiên là những người tham gia phong trào kháng thuế năm 1908, đó là anh em ông Trương Hoành, Trương Tốn rồi Lương Châu, Dương Thưởng…
Theo Huỳnh Thúc Kháng, vụ dân biến năm Mậu Thân (1908), Châu Thượng Văn 1856 - 1908), quê Hội An (tỉnh Quảng Nam), bị bắt và hạ ngục. Vào tù, ông tuyệt thực. Trên đường giải ra Lao Bảo, đến Huế, ông mất trong lao Thừa Phủ. Ông để lại bài Ngục trung thi (Thơ trong tù) đầy huyết lệ của một trái tim yêu nước.
Dương Thưởng cùng em là Dương Thạc nhiệt thành yêu nước, tham gia hoạt động trong phong trào Duy Tân vào năm 1904-1908. Dương Thạc bị đày ra Côn Đảo và mất tại đó năm 1908. Riêng Dương Thưởng bị đưa ra nhà đày Lao Bảo cũng vào năm 1908. Năm 1918, “ông bị thảm sát trong tù, nhân một vụ phản kháng bọn cai ngục đàn áp tàn bạo các tù nhân vào năm 1918, cùng một lần với Lê Cơ, Trương Bá Huy, Lê Trọng Đoàn…” (Nguyễn Q.Thắng, Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005, trang 471).
Vụ Trung kỳ dân biến, đày đi Lao Bảo còn có Đỗ Đăng Tuyển (1856-1911) ở làng Ô Gia, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), xuất thân là nhà nho song có tinh thần thực nghiệp. Năm 1885, phong trào Nghĩa hội do Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo, ông được cử làm Tán tương nghĩa hội. Năm 1886, Cần Vương tan rã, Nguyễn Duy Hiệu bị Pháp và tay sai Nam triều giết, ông lánh về quê.
Gần 20 năm ẩn thân, lúc Phan Bội Châu khởi động phong trào Đông Du, Đỗ Đăng Tuyển trở thành một trong những nhân vật hoạt động tích cực. Khi phong trào Duy Tân vỡ, ông bị bắt, giam ở Hội An. Tháng 11-1910, ông bị đưa ra Nghệ An để đối chất với các đồng chí ngoài đó, rồi kết án, đày đi Lao Bảo.
Từ nhà lao Quảng Trị, phải đi bộ lên Lao Bảo, Đỗ Đăng Tuyển tuyệt thực. Đến nơi, ông mất ngày 4-4-1911.
Thương tiếc người đồng chí, người bạn chiến đấu kiệt xuất một thời, Phan Bội Châu có bài thơ khóc ông, đầy thương tiếc: “Đau đời nên phải nhớ tiên sinh,/ Ưu quốc xưa nay bậc lão thành/ Tay trắng đỡ liều vai gánh nặng,/ Lòng son đưa trước bọn đầu xanh/ Bội Châu không bác e vô sự,/ Lao Bảo nhờ anh mới có danh/ Tiếc bác lấy gì an ủi bác,/ Một chung rượu lạt máu thần minh”.
“Một anh hùng thảo dã”
Lê Cơ (1870-1918) là nhân vật lịch sử rất đặc biệt, được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân gọi là “một anh hùng thảo dã”. Lê Cơ đã xây dựng làng Phú Lâm (Tiên Phước) thành làng điển hình Duy Tân cho toàn quốc với các hoạt động: mở trường dạy quốc ngữ, chữ Pháp, có trường nữ học; mở thương cuộc, lập ra hội bảo hiểm; lập nông hội: trồng tiêu, quế, chè theo phương pháp mới; lập công hội: dựng lò rèn, làm hàng tiểu thủ công nghiệp; mặc âu phục, cắt tóc ngắn...
Huỳnh Thúc Kháng hết lòng cổ vũ những hoạt động của Lê Cơ tại Phú Lâm. Năm 1908, Lê Cơ bị bắt và giam tại nhà lao Hội An. Đến năm Tân Hợi 1911, ông mới được trả tự do.
Năm Bính Thìn 1916, Lê Cơ cùng Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài… tổ chức và vận động cho cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân, Cuộc khởi nghĩa thất bại, Thái Phiên và Trần Cao Vân bị xử chém ở An Hòa. Lê Cơ bị đày ra Lao Bảo.
Theo Nguyễn Văn Xuân: “Một ngày kia, khi có một người tù bị bệnh kiết lị, cứ ngồi dềnh dàng trong đám cỏ, bị lính dùng báng súng hành hạ tàn nhẫn. Lê Cơ đang ngồi vót tre, xúc động mãnh liệt liền vung rựa chạy đến sừng sộ với người lính, đòi chặt đầu hắn ta. Lập tức, Pháp đem ông xử bắn ngay tại chỗ. Ông gục xuống trên vũng máu, mặt vẫn còn phừng phừng nộ khí” (Phong trào Duy Tân, Lá Bối, Sài Gòn, 1969, trang 211).
Năm 1916, năm khởi nghĩa của vua Duy Tân tại Huế, có nhiều người yêu nước Quảng Nam bị đày ra Lao Bảo (15 người), trong đó có Lê Đình Dương (1893-1919), chí sĩ thời cận đại, quê gốc Điện Bàn, xuất thân y sĩ Đông Dương.
Những đảng viên kiên trung của Đảng
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào năm 1930, nhiều đảng viên bị giam cầm tại Lao Bảo. Quảng Trị có Trần Hữu Dực, Lê Chưởng, Hoàng Hữu Trọng, Lê Thế Tiết, Hoàng Anh… Quảng Nam có Phan Văn Định, Nguyễn Sơn Trà, Trần Kim Bảng, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Thúy, Nguyễn Xuân Nhĩ, Võ Sạ…
Trần Kim Bảng (1911-1985), quê huyện Hòa Vang, là nhà báo nổi tiếng. Ông bị giam tại Lao Bảo trong những năm 30 của thế kỷ trước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông tham gia hoạt động nội thành. Năm 1968, ông thoát ly ra chiến khu, tham gia Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Phan Văn Định (1905-1985) là Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Quảng Nam. Sau cuộc khủng bố trắng năm 1930, thực dân Pháp kết án Phan Văn Định 8 năm và đày đi Lao Bảo.
Bị tù tại Lao Bảo vào những năm 1940, cùng với Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, có Nguyễn Xuân Nhĩ. Ông sinh năm 1912, tại xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Tháng 9-1930, ông tham gia phong trào “học sinh đỏ” và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10-1940, ông cùng các tù nhân chính trị đấu tranh, phản đối hành động tàn ác của cai ngục nhà lao Lao Bảo Hautier trong việc trực tiếp nhúng tay vào việc giết chết Lê Thế Tiết.
Lê Thế Tiết là người con kiên trung của quê hương Quảng Trị. Năm 1930, Lê Thế Tiết làm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Quảng Trị. Năm 1936-1939, ông phụ trách tài chính của Xứ ủy Trung Kỳ; hy sinh trong nhà đày Lao Bảo ngày 20-10-1940.
Sau sự kiện này, Nguyễn Xuân Nhĩ và Tố Hữu bị đày lên nhà lao Buôn Mê Thuột. Tố Hữu khi giới thiệu cuốn sách Nhà đày Lao Bảo đã viết: “Trong những địa ngục trần gian ấy, cùng Sơn La, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo, nhà đày Lao Bảo là một nhà tù nổi tiếng ác độc, được xây dựng ở vùng rừng sâu heo hút, đầy muỗi sốt rét ác tính, ở miền tây Quảng Trị, thực tế đã là mồ chôn hàng nghìn người cách mạng bất khuất”.
Sau 1975, họa sĩ - nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, với tấm lòng và sự trân trọng về sự hy sinh cho đất nước của bao thế hệ tù nhân, đã xây dựng cụm tượng về Nhà đày Lao Bảo vào năm 2000, kích thước 12 x 4,5 x 2m. Đây là mối tương liên về tấm lòng của hai vùng đất mang tên xứ Quảng - Quảng Trị và Quảng Nam.
Lao Bảo nằm về phía tây của tỉnh Quảng Trị, thuộc huyện Hướng Hóa, giáp với nước Lào. Lao Bảo là thung lũng được bao bọc bởi núi cao, cheo leo, hiểm trở và hoang vu. Khí hậu Lao Bảo hết sức khắc nghiệt, bởi là Lao Bảo nằm trên hành lang đường 9, nơi chuyển tiếp giữa hai vùng kiến tạo bắc - nam của dãy Trường Sơn. Ngày trước, nơi đây, nhân dân gọi là vùng “rừng thiêng, nước độc”. |
HUỲNH VĂN HOA