Những câu chữ thôi thúc yêu thương

.

Tập tùy bút Rửa chén cùng mẹ được viết bằng lăng kính và cảm xúc từ những câu chuyện rất đỗi đời thường nhưng thấm đẫm ân tình, chân chất nếp quê của nhà báo Nguyễn Đình Xê - một người con xứ Quảng sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cả tập sách là những câu chữ thôi thúc yêu thương.

Đọc 35 tác phẩm trong Rửa chén cùng mẹ (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh), có thể nhận thấy tràn ngập hầu hết các trang viết là hình ảnh người thân, đồng nghiệp, đồng môn của Nguyễn Đình Xê. Trong ông là ký ức về bóng dáng khắc khổ của cha trên sân ga chiều nào tiễn con cháu rời quê lập nghiệp phương xa; về “dúm tóc muối tiêu của cha rớt xuống tấm khăn ngả màu của bác thợ”; hay về “tiếng khịt mũi hắt hơi của cha mỗi khi có cọng tóc nhỏ vướng vào khóe mũi”…

Tác giả nhắc nhiều đến cha qua lời kể của mẹ, để rồi trong vô vàn nỗi nhớ cha, ông quay quắt tìm kiếm mùi hương của “chiếc gối mát lạnh trơn nhẫy mồ hôi từ mái đầu cha”, “mùi hương ấy có vị ngọt mồ hôi một đời vất vả làm lụng và không thiếu vị mặn nước mắt những đêm trằn trọc thương con, nhớ cháu”.

Đặc biệt, tác giả viết về mẹ bằng tất cả chân tình, mộc mạc và đầy hứng khởi như cách mà mẹ thường kể chuyện cho ông nghe. Với những câu chuyện kể ngày xửa ngày xưa từng chứng kiến từ năm này qua tháng nọ, mẹ đã gieo vào lòng ông những ký ức ngọt ngào về “bóng dáng ông bà ngoại, các cậu, các dì với hàng cau, khóm mía quanh ngôi nhà cũ, có khung cửi rì rầm ấm áp mái hiên xưa”.

Ông viết về việc rửa chén cùng mẹ bằng sự háo hức, hồn hậu của một đứa con từ phương xa trở về muốn có nhiều thời gian ở cạnh đấng sinh thành. Việc rửa chén cùng mẹ tưởng như giản đơn đến mức không có gì để kể, nhưng được tác giả khéo léo dẫn dắt, đan cài những câu chuyện khiến người đọc cảm thấy rưng rưng về tâm tư, tình cảm của người mẹ đã bước sang cái tuổi nhớ nhớ quên quên.

Người già thường sống trong sự hoài niệm, thường nhớ đến nằm lòng thói quen, nếp ăn ở của từng thành viên trong gia đình, và đôi khi cứ nhắc hoài về một chuyện cũ như muốn tìm kiếm lại hình ảnh người thân. “Rửa hoài mà chẳng thấy cái chén của cha mi” - chỉ một câu nói của mẹ cũng đủ làm tác giả bùi ngùi nhận ra rằng, “đến độ hơn mười năm rồi cha tôi đi xa mà mẹ nhiều khi cứ nghĩ ông vẫn còn đâu đây nên mới dừng bên vòi nước mải tìm cái chén của chồng”.

Nguyễn Đình Xê kể về những người xa lạ mà ông tình cờ gặp trên dặm dài hành trình. Đó là một thanh niên bị hỏng hai mắt từ nhỏ ở tỉnh Quảng Nam, thường gửi tin nhắn hỏi thăm ông qua mạng xã hội, để rồi từ đó ông hiểu vẻ giản dị, chân chất của niềm vui lắm lúc chỉ đến từ một lời hỏi han, một cái kích chuột. Đó là một chàng trai quần cộc áo thun chở nước đá trên chiếc xe máy cũ đã dìu ông cùng chiếc xe chết máy lao vun vút gần một cây số. Những con người xa lạ ấy có khi ông còn chẳng kịp hỏi tên nhưng đã chạm vào nhau bằng sự đồng cảm, bằng nghĩa cử đỡ đần tha nhân trong cảnh ngặt nghèo, mang đến cho người đọc cảm giác ấm áp lạ thường.

Và trước câu chữ của Nguyễn Đình Xê, bất kỳ ai cũng dễ dàng có niềm tin rằng, “những cú chạm đầm ấm, thân tình cơi nới thêm cánh cửa tâm hồn” như thế luôn hiện hữu. Chỉ cần mỗi người sống chậm lại một chút để lắng nghe chính mình và những người xung quanh bằng tất cả các giác quan thì sẽ cảm nhận cuộc sống rất đỗi tươi đẹp, như cái nhìn thi vị của tác giả tập sách này.

Có thể nói, tập tùy bút Rửa chén cùng mẹ thật đẹp với những câu chữ ngọt lành và giọng văn đậm chất Quảng. Ông dẫn dắt người đọc đến với cái đẹp của tâm hồn, của tình người và của cuộc sống qua lăng kính của một nhà báo, một người viết văn, để giữ lại niềm yêu thương trong trẻo. Điều mà ông mong muốn là sự đồng cảm và chia sẻ của người đọc. Từ sự đồng cảm và chia sẻ đó, người đọc sẽ kể những câu chuyện của chính mình và gật gù rằng: “…Chuyện của mình còn hay hơn. Mình sẽ viết!”.

TÚ PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.