THIỆN NGUYỆN

Đưa nghệ thuật hội họa đến cuộc sống

.

Hội họa không chỉ là ngôn ngữ truyền đạt ý tưởng của người nghệ sĩ mà còn giúp tăng cường bộ nhớ, thúc đẩy khả năng quan sát, nuôi dưỡng trí tưởng tượng thông qua việc sử dụng màu sắc và các hình khối. Tuy nhiên, với những người hướng thiện, hội họa còn là cách để người họa sĩ mang đến những giá trị nhân văn từ những hoạt động thiện nguyện, góp phần làm cuộc sống thêm ý nghĩa.

Họa sĩ Huỳnh Công Thành (bên phải) hướng dẫn các bạn trẻ tham gia chương trình trải nghiệm vẽ tranh tại xưởng. Ảnh: Đ.H.L
Họa sĩ Huỳnh Công Thành (bên phải) hướng dẫn các bạn trẻ tham gia chương trình trải nghiệm vẽ tranh tại xưởng. Ảnh: Đ.H.L

Là họa sĩ chính và cũng là người sáng lập Công ty Art For Arch, anh Huỳnh Công Thành cho biết, dù xuất thân là kiến trúc sư nhưng anh có niềm đam mê hội họa. Từ đó, anh theo đuổi ước mơ thành lập một xưởng vẽ tranh để giúp đỡ các em khiếm thính, may mắn khi những ý tưởng này được các thành viên Công ty Art For Arch ủng hộ và đầu tư phát triển vào năm 2019.

Đồng hành người khiếm thính

Được thành lập cách đây 10 năm, đến nay Công ty Art For Arch có 2 phòng tranh tại 106 Lý Nhật Quang (quận Sơn Trà) và 177 Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu) trưng bày nhiều thể loại như trừu tượng, phong cảnh, lập thể, dã thú... Trong đó có xưởng tranh của anh Huỳnh Công Thành đã đào tạo, giúp đỡ nhiều em khiếm thính trở thành họa sĩ.

Anh Thành cho biết: “Ban đầu, mình cũng không nghĩ điều này là cái gì đó to tát mà đơn giản chỉ là thấy các bạn bị khiếm khuyết nhưng luôn cố gắng vượt qua mọi nghịch cảnh, dám sống một cuộc đời bình thường. Họ cũng cần được xã hội công nhận bởi có tài năng thật sự. Đó chính là động lực để mình được đồng hành với các bạn trên con đường nghệ thuật này”.

Tuy nhiên, để dạy vẽ tranh cho các em khiếm thính không hề đơn giản. Anh Thành đã phải tự đi học ngôn ngữ ký hiệu để có thể hiểu các em nhiều hơn và thuận tiện trong việc chia sẻ kiến thức hội họa. Đa số các em đều tự học hoặc chưa biết gì về hội họa. Vốn từ các em được học trong trường chuyên biệt cũng chỉ dừng lại ở việc giao tiếp cơ bản.

“Khi nói đến một số từ chuyên môn thì phải phiên dịch rất lâu để các bạn hiểu nghĩa nhưng cũng chưa thật sự cảm thụ được hết. Tuy nhiên, các bạn rất thật thà và sống rất tình cảm, ham học hỏi. Chính những yếu tố đó đã giúp mình dễ dàng gần các bạn hơn. Các bạn có thể không nghe, không nói được nhưng có đôi mắt và giác quan thứ 6 khá mạnh nên có thể vượt qua được những khó khăn về ngôn ngữ và luôn trong tư thế sẵn sàng lắng nghe, học hỏi”, anh Thành giải thích.

Sau hơn 4 năm được sự quan tâm, giúp đỡ của anh Thành nói riêng và Công ty Art For Arch nói chung, một số em khiếm thính từ chỗ không biết gì về hội họa đã có thể tự tin làm chủ cây cọ. Nhiều em tự tin hơn với những tác phẩm do chính mình sáng tác và chất lượng không thua kém gì những người được đào tạo bài bản. Các em đã biết cách sáng tác những tác phẩm mới và nói lên được ý tưởng của mình. Việc hạn chế về ngôn ngữ cũng được cải thiện đáng kể nên các em luôn tự tin trong cuộc sống. Khi các em khiếm thính được đào tạo trở thành họa sĩ, công ty còn giúp các em trưng bày và bán tranh, đồng thời hỗ trợ đi tham dự các hội nghị triển lãm tranh trong và ngoài nước. Điển hình là trong thời gian qua, công ty cũng đã hỗ trợ một họa sĩ khiếm thính tham dự Triển lãm nghệ thuật quốc tế tại Hàn Quốc.

Ngoài ra, xưởng vẽ còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm vẽ tranh vào cuối tuần. Chị Võ Thị Nhạn, phụ trách Kinh doanh Marketing của Công ty Art For Arch cho biết: “Mỗi người đến đây sẽ nhận được một bức tranh, màu vẽ và dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Huỳnh Công Thành, có thể hoàn thiện tác phẩm hội họa cho riêng mình. Để các bức tranh đến được với đông đảo công chúng và những người yêu nghệ thuật hội họa, công ty thường xuyên cập nhật và giới thiệu tranh của các họa sĩ khiếm thính nói riêng và của phòng tranh nói chung trên website, mạng xã hội… Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, du khách đã tìm đến tham quan và mua tranh”.    

Đưa hội họa vào “điều trị” tâm lý

Được đào tạo và trưởng thành từ xưởng tranh của Công ty Art For Arch, họa sĩ khiếm thính Đỗ Thị Nguyên Chánh chia sẻ: “Sau một thời gian vào xưởng học nghề, em cảm nhận rằng, nghệ thuật thật sự đã giúp ích mình và các bạn khiếm thính được nhìn thấy bản thân và tài năng rõ nét hơn. Tuy hạn chế trong giao tiếp nhưng thông qua nét cọ, em có thể truyền tải nhiều cảm xúc và cảm giác, qua đó cuộc sống không còn nhàm chán nữa. Bây giờ, màu sắc là ngôn ngữ của em và sẽ soi đường cho cảm xúc trong những tác phẩm của mình”.

Cũng như nhiều em khiếm thính khác khi đến đây, em Đỗ Thị Nguyên Chánh không chỉ được học kỹ thuật thể hiện từ thực tế các bức tranh trưng bày tại xưởng mà còn được tiếp thu thêm kiến thức về nghệ thuật hội họa trong và ngoài nước thông qua sách cũng như các tác phẩm nổi tiếng để ngày càng tiến bộ hơn. “Với tôi, được học nghề và làm nghề mình thích đã là hạnh phúc. Kiến thức thì vô bờ bến nên trong thời gian tới, tôi hy vọng được vẽ những giấc mơ của mình và lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến với các bạn khiếm thính, để ai cũng được vẽ những giấc mơ của chính mình”, Đỗ Thị Nguyên Chánh bày tỏ.

Trong thời gian tới, để lan tỏa tình yêu nghệ thuật hội họa đến các em khiếm thính, họa sĩ Huỳnh Công Thành mong muốn có thêm nhiều em khiếm thính được học nghề vẽ. Đây cũng là điều mà anh Thành ấp ủ khi xây dựng xưởng vẽ, bởi vẫn còn nhiều em có tài năng nhưng chưa có cơ hội tiếp cận môn nghệ thuật hội họa này. Hiện nay, một số bệnh viện cũng đã đưa những màu sắc của tranh hội họa vào hỗ trợ trong trị liệu tâm lý cho trẻ em bị bệnh tự kỷ.

Theo anh Thành, bên cạnh giá trị về nghệ thuật, màu sắc trong tranh hội họa còn có tác dụng rất lớn trong việc trị liệu tâm lý, giúp con người có thể gửi gắm những muộn phiền, những chất chứa, những áp lực cuộc sống vào đó.

“Với định hướng phát triển trong tương lai, Art For Arch còn có những mục tiêu xa hơn trong việc đưa hội họa, màu sắc để áp dụng vào việc hỗ trợ giúp con người, đặc biệt là những trẻ em hoặc thậm chí là người lớn với những áp lực cuộc sống dần khiến họ trở nên tự kỷ; từ đó giúp họ tìm được sự thư thái trong tâm hồn bằng những chương trình trải nghiệm vẽ tranh hay các chương trình tham quan thưởng lãm nghệ thuật”, anh Thành khẳng định.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.