Bên cạnh những phần quà gồm quần áo, chăn màn, nhu yếu phẩm, hoạt động hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc do các nhóm thiện nguyện tổ chức bắt đầu hướng đến những giá trị bền vững và có tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế của người dân địa phương.
CLB Hand In Hand trao tặng quần áo, chăn và các nhu yếu phẩm cho người dân nóc Tu Nương (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). (Ảnh do CLB cung cấp) |
Nói đúng hơn, ngọn lửa yêu thương đã được họ thắp lên bằng tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia và yêu thương giữa đại ngàn.
Công trình mới giữa đại ngàn
Một ngày giữa tháng 9, những đứa trẻ ở nóc Tu Nương (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vui vẻ chơi đùa trên chiếc cầu sắt còn thơm mùi sơn mới. Đây là món quà của CLB Hand In Hand thuộc Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) dành tặng bà con trước mùa mưa năm nay.
Chị Hoàng Vũ Dạ Quỳnh, Chủ nhiệm CLB Hand In Hand chia sẻ, trong chuyến đi tiền trạm đến nóc Tu Nương hồi đầu năm, các thành viên không thể cầm lòng trước đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn của bà con. Nằm lọt thỏm giữa núi rừng Trường Sơn, Tu Nương có 54 hộ dân là người đồng bào Ca Dong, 100% hộ nghèo; hơn 100 trẻ em không có khu vui chơi, giải trí. Hơn nữa, chặng đường vượt suối vô cùng nguy hiểm, mùa nắng khô cạn, mùa mưa dòng nước cuộn trào, toàn nóc Tu Nương bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài. Thấy điều đó, CLB lên kế hoạch gây quỹ, kêu gọi tài trợ xây dựng cầu treo giúp người dân đi lại an toàn.
Sau 3 ngày miệt mài lao động, 79 thành viên CLB Hand In Hand đã làm xong cây cầu treo dài 15m bằng sắt, kết hợp dây văng bắc qua suối Tu Nương. Ngoài xây cầu, CLB tổ chức thêm một số hoạt động như chiếu phim, cắt tóc, vẽ tranh hoàn thiện khu vui chơi, dạy các em nhỏ nói lời cảm ơn - xin lỗi, phân loại rác và vệ sinh răng miệng. “CLB còn tặng đồ chơi phát triển trí não, đồng phục, cặp sách, áo ấm, dép, ủng đi mưa cho học sinh và 54 phần quà cho gia đình khó khăn. Đặc biệt, chúng tôi cũng nấu hơn 100 tô mì Quảng đãi bà con dân bản trong buổi lễ khánh thành cầu mới”, chị Quỳnh hào hứng kể.
Mang thông điệp “Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”, nhóm G-Shine - Đại học Greenwich Việt Nam thực hiện chương trình “Trường em thay áo mới” tại Trường Tiểu học & THCS Sơn Bua (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi). Đây là nơi sinh hoạt, học tập của 439 học sinh nhưng vài năm nay có dấu hiệu xuống cấp, thư viện không đủ sách, truyện, dụng cụ học tập cũ kỹ, thô sơ.
Anh Võ Minh Tiến, Trưởng nhóm G-Shine cho biết, 2 ngày ở Sơn Bua, 40 thành viên đã gấp rút sơn tường, sửa sang chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ học và trang trí thư viện nhằm mang lại không gian học tập khang trang, sạch sẽ hơn. Những mảng tường nhem nhuốc dần sáng bóng, thay hình đổi dạng qua bàn tay khéo léo của các tình nguyện viên. Ngoài ra, nhóm lên kế hoạch tổ chức hoạt động phá cỗ đêm trăng, trao quà cho các em học sinh gồm 1.000 quyển vở, 500 bộ dụng cụ học tập, 260 quyển sách, 2 bộ bàn ghế và 500 suất bánh kẹo.
“Trường em thay áo mới là hoạt động giúp giáo viên, học sinh miền núi có thêm niềm vui trong giảng dạy và học tập. Để chuyến đi thành công, nhóm chuẩn bị trong 4 tháng và nhận sự hỗ trợ, đồng hành của không ít thầy cô cùng các sinh viên. Tuy sự sẻ chia về vật chất không nhiều nhưng nhóm muốn lan tỏa những giá trị bền vững trong hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ vùng đồng bào dân tộc thời gian đến”, anh Tiến nói.
Lan tỏa yêu thương
Chỉ trong một tháng, nhóm Tâm Từ Tâm (Đà Nẵng) đã tổ chức 2 chương trình thiện nguyện tại các xã miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, với giá trị quà tặng lên đến hàng trăm triệu đồng. Đơn cử, ngày 15-9, nhóm trao tặng 20 xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học và 150 phần quà cho người dân xã Sông Kon (huyện Đông Giang). Trước đó, nhóm dành 103 suất quà (mỗi suất trị giá từ 400.000 đến 1 triệu đồng) hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc). Được biết, nhóm Tâm Từ Tâm có gần 100 thành viên, chủ yếu chị em độ tuổi trung niên đang sinh hoạt tại các CLB, hội nhóm thể dục - thể thao trên địa bàn thành phố. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) - thành viên nhóm - cho hay các hoạt động trợ giúp được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, do chị em đóng góp kinh phí.
Quyết định hỗ trợ heo giống cho người dân xã Đông Sơn (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong chiến dịch “Hạ yêu thương 2022”, các thành viên CLB Nhịp đập yêu thương hy vọng mang lại kế sinh nhai, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Anh Nguyễn Đăng Hòa, Chủ nhiệm CLB cho hay chiến dịch “Hạ yêu thương 2022” được nhóm triển khai từ tháng 7, với nhiều hoạt động hỗ trợ như trao phương tiện sinh kế, sửa sang trường học, tặng quà và khám chữa bệnh miễn phí cho người dân…
Trong đó, nhóm y, bác sĩ công tác tại Bệnh viện 199 (Bộ Công an) trực tiếp thăm khám, phát thuốc miễn phí cho hàng chục hộ dân trong 2 ngày lưu lại địa phương. Nằm cách thành phố Huế khoảng 80km, Đông Sơn là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề từ chất độc dioxin. Với mỗi hộ khó khăn, nhóm hỗ trợ 2 cặp heo giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tạo nguồn kinh kế hằng năm.
Thường xuyên tổ chức các chuyến đi thiện nguyện tại miền núi, anh Hồ Hoàng Liêm, Chủ nhiệm CLB Nụ cười hồng (Đà Nẵng) thấu rõ những khó khăn, vất vả của người dân vùng cao. Anh Liêm cho hay, CLB vừa trở về sau chuyến đi trao 1,5 tấn quà gồm áo ấm, đồ chơi, giày, mũ, cặp sách, dụng cụ học tập, sữa, xà phòng, thuốc, bánh kẹo… cho học sinh Trường Mầm non và Tiểu học Thượng Phùng (xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). “Đường đến huyện Mèo Vạc rất nguy hiểm, một bên vách núi, một bên vực sâu, có đoạn chỉ rộng 0,8m nhưng CLB không quên mang theo máy chiếu, máy phát điện tổ chức “Rạp phim trên núi” và chuẩn bị hơn 300 bữa cơm có thịt, cá cho người dân. Sau chương trình, chúng tôi quyết định tặng máy chiếu cho trường để mỗi tuần các em được xem phim miễn phí và có điều kiện tìm hiểu các bộ phim tài liệu phục vụ mục đích học tập, nghiên cứu”, anh Liêm xúc động nói.
TƯỜNG VY - HUỲNH LÊ