THƯƠNG NHỚ QUÊ NHÀ

Phải lòng sản vật nơi thượng nguồn

.

Lần về xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang tác nghiệp, lỡ đường bữa trưa, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Hà - người dân thôn Nam Yên mời về nhà ăn chén cơm rau. Đó chỉ là cách chị nói, bởi lẽ, bữa cơm hôm ấy không chỉ có tô canh rau tập tàng hái trong vườn nhà nấu cùng con tép sông Cu Đê, mà có cả đĩa cá bống thệ mập tròn, vàng ươm kho lá nghệ chị vừa mua của một lão ngư hành nghề chài lưới ven sông.

Sông Cu Đê uốn lượn qua địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍN
Sông Cu Đê uốn lượn qua địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍN

Thương con cá sông quê

Cá bống thệ mập tròn, thơm ngon, thịt mềm, được coi là đặc sản vùng sông nước Cu Đê. Loại cá này nhỏ bằng ngón tay, suông dài, sinh sản nhiều vào mùa mưa và ẩn nấp trong các hốc đá ven sông. Những ngày mưa, nước sông chuyển đục, dân chài lưới trên sông Cu Đê mang tủ (một tấm lưới nhỏ, hình chữ nhật, khi giăng ra nhìn giống cái tủ) đi bắt cá. Họ chậm rãi đặt tủ sát mặt đất và khua tay xuống dưới đánh động. Khi nghe tiếng động, theo phản xạ cá bống thệ đi thụt lùi và lẩn trốn vào tủ lưới. Lúc này, ngư phủ kéo tủ lên và bắt đầu thu hoạch.

Chị Hà cho hay, vào mùa đánh bắt, cá bống thệ sông Cu Đê thường được tiểu thương dưới phố mua về, bán cho người sành ăn. Hôm nào tiểu thương bận không lên xã lấy được, cá mới được mang bán ở chợ quê Hòa Bắc. “Thượng nguồn sông Cu Đê ngoài cá chình, cá đối, cá leo, cá niên…, còn có cá bống thệ thơm ngọt, béo bùi thường được người dân tìm mua trong những buổi chợ sớm. Cá bống mới đánh bắt từ sông nên tươi rói, chế biến món nào cũng ngon, tuy nhiên tôi vẫn thích cá bống kho nghệ, tiêu và bỏ thêm vài củ nén”, chị Hà nói.

Ông Huỳnh Năm, một lão ngư sống cuối dòng Cu Đê (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) nói đùa mình là người “theo đuôi con cá”. Tuổi cao, mấy lần ông Năm định bỏ về sông nước, nhưng cứ đến mùa cá sinh sôi, ông nhớ nghề, lại dong ghe ngược sông Cu Đê đánh bắt. “Cá càng về hướng núi càng ngon, thịt mềm. Kiểu như, khi người ta quen những thức ăn vị biển, sẽ bất chợt thèm mấy món núi, món đồng”, ông Năm trầm tư nói.

Cá bống thệ sông Cu Đê đẻ trứng vào mùa mưa, nhưng muốn bắt cá bống trứng, phải khai thác từ tháng 7, 8 Âm lịch. Ông Năm bảo, cá bống thệ là đặc sản sông Cu Đê, có giá bán cho thương lái trên dưới 100.000 đồng/kg. Vào mùa mưa, những lão ngư như ông ngoài cá bống thệ, còn tìm bắt những loại cá sông đặc sản như cá lúi, cá đối, cá dìa, cá cấn… “Mùa này cá bống, cá lúi thường mang bụng trứng lớn. Tụi hắn (cá) mà kho với lá nghệ, hoặc răm răm, thì ngon phải biết”, ông Năm bộc bạch.

Tấp ghe vào sát bờ sông giữa chiều mưa lất phất để móc lưỡi câu săn cá, ông Năm thả chân xuống dòng nước bạc nghêu ngao mấy câu ca dao nằm lòng: “Cá bống còn ở trong hang/ Cái rau tập tàng còn ở ruộng dâu/ Ta về sắm cái cần câu/ Câu con cá bống nấu rau tập tàng/ Mặc ai giàu có, cao sang/ Mình rau tập tàng sớm tối có nhau/ Mai sau dù đã bạc đầu/ Chàng ơi, hãy nhớ món rau nghĩa tình”. Nghề cắm câu của ông Năm, ngoài mục đích mưu sinh, còn là cái thú của dân vùng sông nước. Kiểu đánh bắt thủ công này mang lại cho ông cảm giác hồi hộp, rộn ràng.

Chị Trần Thị Tâm, tiểu thương bán cá ở khu vực chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) bảo chị chuyên bán cá đồng. Để bảo đảm nguồn cung, các tháng khác trong năm, ngoài mua lại của người dân trong huyện, chị đặt thêm nguồn cá ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, vào mùa mưa, cá từ sông Cu Đê, sông Yên khá nhiều nên giá cũng rẻ hơn so với các thời điểm khác trong năm. Mỗi ngày, sạp hàng của chị Tâm đều phong phú các loại cá đồng, cá sông như cá lúi trứng, cá đối sông, cá dìa sông, cá bống trứng, cá cấn, cá rô, tôm đất, cá dưng, cá diếc, cá nhéc… “Cá mùa này rất ngon vì thịt mềm, lại núc ních bụng trứng. Riêng cá nhéc sông thì mùa này mới có nên giá cao, từ 180.000-200.000 đồng/kg. Cá sông, cá đồng đắt là thế, nhưng vẫn bán hết bởi nhiều người muốn ăn lại món kỷ niệm ngày xưa mẹ nấu”, chị Tâm cười, cho hay.

Anh Bùi Hoài Vũ khoe chiến tích săn cá niên nơi thượng nguồn sông Cu Đê. Ảnh: NVCC
Anh Bùi Hoài Vũ khoe chiến tích săn cá niên nơi thượng nguồn sông Cu Đê. Ảnh: NVCC

Tính đến chuyện giữ gìn

Theo kinh nghiệm của người dân Hòa Vang, muốn thưởng thức món ngon, cứ tuân theo quy luật “mùa nào thức nấy”. Bởi con cá đến mùa sẽ mềm thịt, ngọt lành, thuận thời tiết mà sinh sôi, nảy nở. Với người dân xã Hòa Phú, món quà quê họ tha thiết muốn mời khách phương xa đơn giản là món lá sắn xào, rau dớn xào tỏi, ốc đá um sả hoặc sang hơn là cá niên nướng, thịt heo mọi nấu ống tre…

Mỗi lần có dịp ghé lên xã Hòa Phú, chị Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã nhất định mời chúng tôi dùng cơm trưa có món ốc đá um sả. Những con ốc vỏ láng bóng, căng tròn bao bọc phần thịt ngọt giòn, thơm béo. Ốc được người dân bắt trong những hốc đá ven suối Ngầm Đôi. Ngày trước, ốc đá được người dân Hòa Phú chế biến đơn giản, theo kiểu hấp chín rồi chấm muối ớt. Nay ăn theo kiểu người Kinh, hấp với lá chanh chấm mắm gừng hoặc xào sả ớt lại trở thành đặc sản.

Chị Lý kể, nhiều người bạn của chị dưới phố, thỉnh thoảng nhờ mua vài ký ốc đá gửi xuống phố biển làm quà. “Người miền Trung mình rất thích ăn ốc, ghiền món ốc đá vì nhìn vỏ ngoài sạch sẽ, thịt ốc mập, ngọt giòn. Đây cũng là món quà quê mà người dân Hòa Phú thường mời khách phương xa ghé đến. Món ốc đá cũng có mặt trong các lễ hội ẩm thực của người dân Cơ tu những năm gần đây”, chị Lý chia sẻ.

Cũng tự hào về con ốc đá quê mình, chị Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc đặt tên món ăn dân dã này là “ốc đá non ngàn”. Chị nói, để có món ốc đặc sản đãi khách, đồng bào Cơ tu phải lội vào rừng, đi dọc các con suối để mò ốc. Gọi là ốc đá, bởi chúng thường bám dưới những hốc đá nằm sâu trong vũng nước, chỉ ăn rong rêu. Chỉ cần hất nhẹ đám rêu xanh, tha hồ lượm ốc bỏ vào giỏ, mang về làm thức ăn hoặc bán. Bởi vậy, khách phương xa mỗi khi lên miền núi, ăn con ốc đá thơm giòn, mới thấy hết nghĩa tình người dân địa phương gửi gắm.

Cá chình, cá niên sông Cu Đê được người dân nâng tầm đặc sản quý hiếm, cần bảo vệ trong thời gian tới. Riêng xã Hòa Bắc, từ năm 2021 hình thành “Tổ bảo tồn và phát triển bền vững cá niên” (thuộc Dự án tăng cường năng lực cộng đồng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa) tại hai thôn Giàn Bí, Tà Lang. Bữa tình cờ gặp Bùi Hoài Vũ, chàng trai Cơ tu - một thành viên tích cực của Tổ bảo tồn tại nhà Trưởng thôn Giàn Bí Đinh Văn Như, anh kể trước đây khu vực sông Bắc, sông Nam, Vũng Bọt, thượng nguồn sông Cu Đê cá niên bơi thành đàn.

Những đàn cá niên bơi lội trong nắng chiều hấp dẫn những cậu bé vốn sinh ra và lớn lên nơi ven rừng, ven suối như Vũ. Thế nên, sau giờ học, Vũ thường cùng bạn bè ra bờ suối làm ná bắn cá về cho mẹ nấu cơm. Lớn lên chút nữa, Vũ học từ người lớn trong làng, làm súng tự chế (một loại súng được làm từ thanh gỗ thẳng, đầu gắn dây cao su kéo theo mũi tên sắt nhọn, có báng súng kèm cò bóp). Giờ cá niên không còn nhiều do nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao. Nhiều thương lái ở Đà Nẵng tìm đến xã Hòa Bắc, Hòa Phú mua cá niên nên không ít người dân khai thác theo kiểu tận diệt.

Tham gia Tổ bảo tồn và phát triển bền vững cá niên, nhiệm vụ của Vũ là trông nom, bảo vệ những đàn cá trong mùa sinh sản. Ngoài ra, mỗi ngày, Vũ thường đi dọc các điểm cần bảo tồn, nhắc nhở người dân không khai thác, đánh bắt kiểu tận diệt.

Để công tác bảo tồn hiệu quả, UBND xã Hòa Bắc chọn ra 6 điểm sông, suối nước sâu, cắm biển cấm săn bắt cá. Anh Trương Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc nói các vị trí cần được bảo vệ gồm Vũng Bọt, sông Nam, sông Bắc và khu vực thượng nguồn sông Cu Đê. Tổ bảo tồn gồm 30 thành viên, phần lớn là người đồng bào dân tộc Cơ tu có kinh nghiệm săn bắt cá bằng phương pháp thủ công.

Theo anh Nhân, việc kêu gọi người dân Cơ tu trực tiếp tham gia vào hoạt động bảo tồn, sẽ giúp công tác bảo tồn đi vào thực chất và hiệu quả hơn, bởi họ nắm trong lòng bàn tay từng nhánh sông, con suối và am hiểu hoạt động săn bắt cá. “Tham gia dự án này, chúng tôi hy vọng mỗi thành viên Tổ bảo tồn sẽ là trợ thủ đắc lực giúp chính quyền địa phương bảo tồn các loài cá quý hiếm. Bởi ở thượng nguồn sông Cu Đê, không chỉ có cá niên, mà các loại khác như cá chình, cá lúi, cá đối, cá bống thệ cũng cần được bảo tồn và gầy đàn trong thời gian tới”, anh Nhân kỳ vọng.

Nghe giọng nói đầy hào hứng của những người như anh Nhân hay Vũ kể về đặc sản quê mình, chúng tôi mường tượng ra cảnh những đàn cá quý sẽ dần hồi sinh, trở thành đặc sản mời khách phương xa ghé núi.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.