Mươi năm trở lại đây, quanh sông Hàn và vịnh Đà Nẵng có tới hàng trăm thợ lặn bắt chíp chíp, tôm, ghẹ các loại. Họ đổ về đây từ khắp nơi, nhiều nhất ở khu vực phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), tiếp đến có Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, xa hơn, một số ghe, tàu ở Quảng Bình cũng thường xuyên chạy vào để khai thác. Nguồn lợi từ các loại hải sản này mang lại cơm áo và tương lai cho nhiều gia đình...
Mỗi chuyến lặn biển đem lại cho ngư dân nguồn thu nhập từ vài trăm đến hơn triệu đồng. TRONG ẢNH: Anh Nguyễn Văn Hùng với thành quả sau 15 phút lặn bắt chíp chíp ở khu vực gần chân cầu Phú Lộc (quận Thanh Khê). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Mưu sinh từ sớm
5 giờ sáng, chúng tôi quá giang trên chiếc ghe nhỏ của ngư dân Phạm Đạt (37 tuổi, ở khu chung cư vịnh Mân Quang, phường Nại Hiện Đông), xuôi theo con nước từ vịnh Mân Quang thẳng tiến ra khu vực biển gần chân cầu Phú Lộc (quận Thanh Khê) để trải nghiệm ngày làm việc của những người hành nghề lặn bắt chíp chíp.
“Nước hôm nay trong lắm, chắc sẽ bội thu đây”, bằng chính kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề lặn, anh Đạt buông câu dự báo đầy tự tin khi cúi đầu nhìn xuống con nước đang xuôi dần dưới ghe. Đi theo chúng tôi còn có anh Nguyễn Văn Hùng - một thợ lặn có hơn 10 năm kinh nghiệm “vùng vẫy” ở khắp vùng biển Đà Nẵng.
Chạy tầm 1 giờ, chiếc ghe dừng lại ở khu vực biển gần cầu Phú Lộc. Trong bộ đồ lặn cũ, anh Nguyễn Văn Hùng cúi người xốc lại cuộn dây thở rồi thả từng đoạn xuống nước, trên tay cầm sẵn tấm lưới được đan dành riêng cho việc bắt chíp chíp, anh Hùng lặn dần xuống đáy biển, nơi có độ sâu tầm 5-6 sải tay người lớn.
Ở trên ghe, vừa phụ kéo thẳng từng đoạn dây thở, rải dần xuống biển, anh Đạt vừa cho biết: “Ghe này có sức chứa 5-6 người, nhưng hôm nay chỉ có hai anh em tôi ra biển. Có 2 người bận việc nhà, hai người khác được thuê để phụ trách việc duỗi thẳng dây thở và kéo dây lên khi người lặn ra dấu hiệu muốn lên nhưng đã nghỉ việc từ đầu tháng 11 để kiếm nghề khác có thu nhập cao hơn”.
Trong đội thợ lặn, công việc rải dây thở là nhẹ nhất và được trả công 100.000 đồng/người/ngày. Tiền công ít nên không mấy người mặn mà khiến việc thuê người rải dây thở cho thợ lặn chíp chíp ngày càng khó hơn, trong khi số người đang làm thì dăm bữa lại có người xin nghỉ để chuyển sang những nghề khác như thợ xây, phục vụ quán nhậu… để có thu nhập cao hơn.
Anh Đạt cho biết thêm, tầm 5-6 năm về trước, khi nghề lặn chíp chíp đang thịnh, mỗi ngày có hàng trăm ghe, tàu cùng đánh bắt, bây giờ chỉ tầm vài trăm chiếc tham gia đánh bắt. Họ đổ về đây từ khắp nơi, nhiều nhất ở khu vực phường Nại Hiên Đông. Nguồn lợi từ các loại hải sản này mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình...
Ở tuổi 37, anh Đạt có gần 15 năm theo nghề lặn chíp chíp, đây cũng là nghề truyền thống của gia đình từ thời cha ông để lại. Anh kể, bắt đầu theo cha, chú đi lặn từ năm lên 15 tuổi, để trở thành một thợ lặn chuyên nghiệp như bây giờ, anh phải học từ những việc nhỏ nhất. Ban đầu là phụ rải và trông dây thở, lớn thêm chút nữa, khi được cha cho xuống nước để học lặn thì tập làm quen với việc thở và chịu sức ép dưới nước; những buổi đầu chỉ lặn chừng 10-15 phút, ở độ sâu 5-6 sải tay người lớn, sau tăng dần lên 20-30 phút với độ sâu 7-8 sải tay. Cứ kiên trì như vậy đến năm 22 tuổi, anh Đạt có được chiếc ghe riêng để hành nghề. Nguồn thu nhập từ nghề lặn biển giúp anh ổn định cuộc sống, chăm lo cho gia đình với 3 con nhỏ.
“Hái ra tiền”
Theo lời anh Đạt, hè là thời điểm nghề lặn chíp chíp vào mùa khi nước biển trong, gió không lớn và chíp chíp sinh sản nhiều. Mỗi ngày, đội lặn trên ghe anh Đạt khoảng 5-6 người, bắt đầu công việc từ 5 đến 9 giờ, thu hoạch được 30-50 kg; hôm nào ít hơn cũng được 30-40 kg. Trong khi vào mùa đông, sản lượng ít hơn, chỉ 20-30 kg/ngày. Giá chíp chíp cũng lên, xuống theo mùa, dao động 60.000-90.000 đồng/kg, tùy loại lớn nhỏ. Mỗi ngày, trừ chi phí ăn uống, mua dầu, trả công cho thợ lặn, cũng thu được 500.000-900.000 đồng.
Ngoài chíp chíp là sản vật khai thác chính, tổ lặn của anh Đạt và anh Hùng còn lặn bắt tôm, cua, ghẹ các loại. Khác với lặn bắt chíp chíp thường bắt đầu khoảng 5-6 giờ, kéo dài đến 9 giờ hoặc qua trưa, thì một ngày lặn bắt tôm, cua, ghẹ thường bắt đầu từ 2-3 giờ và kéo dài đến trưa. Mỗi chuyến lặn bắt tôm, cua, ghẹ đem lại thu nhập cho các anh 5-10 triệu đồng. Nhưng do nguồn tôm, cua, ghẹ không đều nên lặn bắt chíp chíp vẫn là công việc chính của họ.
Câu chuyện đang được kể dở thì đoạn dây thở rung lên, biết anh Hùng ra dấu hiệu, ở trên ghe anh Đạt mạnh tay kéo không ngừng dây thở, cuốn thành cuộn gọn gàng. Chừng mười phút sau, anh Hùng nổi lên với một bọc chíp chíp. Trèo lên ghe, rít nhanh điếu thuốc để lấy lại hơi ấm, anh Hùng đưa bọc chíp chíp đầy bùn cho anh Đạt để rửa lại bằng nước sạch. Đặt lên bàn cân thấy chưa đầy 3 kg, là loại chíp chíp con nhỏ, có màu đen óng.
“Phải vài cuốc lặn nữa mới đủ vài chục ký. Lặn xuống đó, hôm nào nước trong còn nhìn được hang chíp chíp, còn hôm nào nước đục thì phải dùng tay để mò, sục cả bùn lên mới bắt được”, anh Hùng nói. Năm nay 40 tuổi, anh Nguyễn Văn Hùng là ngư dân lão luyện trong nghề lặn biển. Thời cao điểm mấy năm về trước, thợ lặn như anh kiếm được 5-7 triệu đồng/ngày từ chíp chíp và một số loại hải sản khác.
Với anh Đạt, vì vừa là chủ tàu vừa lặn nên so với các anh em khác cùng đội, anh là người có kinh tế khá nhất. Riêng năm 2019, trúng mùa chíp chíp, có tháng anh Đạt thu nhập gần cả trăm triệu đồng. Tiền sắm ghe mới, trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học đều từ nguồn thu này mà có. “Nghề này chỉ cần có sức khỏe, không sợ hôi tanh vất vả, kiểu chi cũng kiếm được tiền triệu”, đổ đám chíp chíp vừa rửa sạch vào một chiếc rổ lớn, anh Đạt vừa vui vẻ khoe.
Giữ gìn và phát huy
Theo ông Nguyễn Tư, trưởng Hội Vạn lặn phường Nại Hiên Đông, nhiều năm nay, nghề lặn chíp chíp phát triển mạnh ở khu vực sông Hàn và vùng cửa biển Đà Nẵng. Các loài hải sản như chíp chíp, tôm, cua, ghẹ được ưa chuộng, nhất là các nhà hàng, quán ăn vì độ tươi sống và vị ngon, ngọt sau khi được chế biến. So với chíp chíp ở vùng vịnh Đà Nẵng thì chíp chíp ở lòng sông Hàn ngon hơn nhiều.
Mặc dù khai thác nhiều là vậy nhưng với ý thức vừa khai thác vừa bảo vệ, chỉ bắt con lớn bỏ con nhỏ nên nguồn sản vật dưới đáy sông Hàn, cửa biển Đà Nẵng dường như chưa bao giờ bị cạn kiệt. Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Vạn lặn phường Nại Hiên Đông, hiện nay có khoảng hơn 600 thợ lặn ở Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình đang hành nghề khai thác chíp chíp với chừng 110 ghe thuyền. Trong đó có 180 người là tổ viên sinh hoạt trong Hội Vạn lặn phường Nại Hiên Đông.
Với nguồn sản vật dồi dào và tiềm năng phát triển tốt, nghề lặn biển khai thác hải sản, trong đó có lặn bắt chíp chíp tiếp tục được nhiều ngư dân trẻ tuổi duy trì. Trong thời gian đến, việc hình thành và đẩy mạnh tour du khách theo chân ngư dân lặn biển, thưởng thức hải sản ở vùng biển Đà Nẵng đang được manh nha với sự quan tâm của nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch. Từ đây có thể mở ra cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập cho những người sống nhờ nghề sông, biển trên địa bàn thành phố cũng như một hình thức để gìn giữ nghề truyền thống.
KHÁNH HÒA