“Săn Tây” là thuật ngữ quen thuộc của nhiều người trẻ học tiếng Anh, thông qua việc chủ động đi tìm, bắt chuyện với người nước ngoài để luyện từ vựng, phát âm và kỹ năng giao tiếp.
Tranh thủ ngày cuối tuần, Nguyễn Văn Phúc, sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) cùng nhóm bạn vào Hội An (tỉnh Quảng Nam) săn Tây. Trong lúc dạo chơi phố cổ, Phúc tranh thủ bắt chuyện với vợ chồng ông Brian - khách du lịch đến từ Scotland, Vương quốc Anh. Sau khi giới thiệu một số nét văn hóa đặc biệt tại Hội An, Phúc hỗ trợ ông Brian mua đồ lưu niệm địa phương về làm quà. Phúc nói, thời gian đầu Phúc đi theo các anh chị khóa trên và quan sát cách họ “săn Tây”. Dần dà, khi cảm giác e ngại ban đầu không còn nữa, Phúc tự tin bắt chuyện với người nước ngoài. Sau những lần như vậy, trình độ nói tiếng Anh của Phúc cải thiện rõ, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói, phát âm.
Anh Lê Như Thám (bên phải) cùng người bạn Mago Ste đến từ đất nước Romania tại một quán cà phê ở Đà Nẵng. Ảnh: T.Y |
Hội An cũng là nơi Nguyễn Thị Thu Hà, học viên Trung tâm Anh ngữ Quốc tế IEC Đà Nẵng chọn "săn Tây". Hà cho biết, thời gian qua trung tâm thường tổ chức đi Hội An nhằm giúp học viên có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài. “Tụi mình đi có sự dẫn dắt của giáo viên người nước ngoài nên cũng yên tâm hơn. Tuy nhiên, lúc đầu mình không dám mở miệng vì sợ đủ thứ, như sợ vốn từ không đủ, sợ phát âm sai, sợ họ nghe không hiểu mình nói gì, sợ rơi vào trạng thái lúng túng... Giờ thì khá hơn rồi”, Hà vui vẻ cho hay.
Ngoài Hội An, giới trẻ Đà Nẵng cũng thường xuyên lân la ở bãi biển, phố du lịch An Thượng, bảo tàng, quán cà phê… tìm kiếm cơ hội gặp và trò chuyện cùng người nước ngoài. Không khí giao lưu vui vẻ, không tốn phí thu hút nhiều bạn trẻ đến với phong trào “săn Tây”. Thậm chí, có không ít tình bạn không biên giới được dựng xây từ phong trào này. Anh Lê Như Thám (SN 1991, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho biết bản thân thích uống cà phê nên thường tìm đến những quán cà phê có phong cách cổ điển, thanh lịch. Tại đây, anh gặp nhiều khách hàng người nước ngoài và mạnh dạn trò chuyện cùng họ.
“Chính thái độ thích thú xen lẫn ngạc nhiên của họ khi có người Việt Nam chủ động bắt chuyện đã giúp tôi tự tin. Theo tôi, điều quan trọng không phải bạn nói giỏi tiếng Anh như thế nào, mà là bạn nói người ta có nghe, có hiểu không. Nhờ sự mạnh dạn này, tôi đã có một số người bạn đến từ Mỹ, Nhật Bản, Rumania… đang công tác, làm việc tại Đà Nẵng”, anh Thám chia sẻ.
Anh Phạm Minh Thiện, giáo viên tiếng Anh, sáng lập Danang Meetup - cộng đồng kết nối người nước ngoài muốn tìm hiểu văn hóa, con người Đà Nẵng khẳng định tinh thần giao lưu, học hỏi của các bạn trẻ trong phong trào “săn Tây” rất lớn. Bỏ qua các yếu tố ngại ngùng, thiếu tự tin, không ít bạn trẻ đã tiến bộ rõ rệt sau thời gian mạnh dạn giao tiếp với người nước ngoài. Ở chiều ngược lại, người nước ngoài khi đến Đà Nẵng du lịch, sinh sống cũng có tâm lý muốn tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam. Sự “gặp nhau” này tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn yêu thích môn tiếng Anh khai thác nhằm phục vụ mục đích học tập, giao lưu.
Để tự tin “săn Tây”, theo anh Thiện, người học cần chuẩn bị kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý Việt Nam, phòng hờ những câu chuyện, mẫu câu để không rơi vào trường hợp “không biết nói gì”. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo một cuốn sổ, một cây bút để ghi chép lại những lỗi sai, những cụm từ hay... sau cuộc trò chuyện. Bạn chỉ nên kéo dài câu chuyện nếu được người nước ngoài đồng ý, như vậy không khí trò chuyện sẽ cởi mở và hiệu quả hơn. Để tham gia phong trào này, việc đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải bỏ qua nỗi sợ tiếng Anh và đừng ngần ngại nói rõ mục đích của mình.
TIỂU YẾN