Từ năm học 2020-2021, nhiều trường học trên địa bàn thành phố triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tăng quyền chủ động cho nhà trường, đội ngũ giáo viên, mở rộng hoạt động ngoại khóa, thực hành và tạo mối liên kết giữa phụ huynh với nhà trường trong công tác dạy và học.
Học sinh và phụ huynh cùng tham gia "Ngày hội hạnh phúc" hướng đến chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 tại Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Học thông qua trải nghiệm
Sáng 14-11, tại Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) không khí rộn ràng khi phụ huynh và học sinh cùng tham gia “Ngày hội hạnh phúc”. Ngày hội được tổ chức dưới hình thức cuộc thi chế tác những tấm thiệp có nội dung Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Từ những tờ giấy đủ màu sắc, dưới bàn tay non nớt của học sinh lớp 1 đến lớp 5, cùng sự hướng dẫn, hỗ trợ từ phụ huynh, những tấm thiệp chúc mừng thầy cô giáo dần hiện rõ hình hài.
Chị Quảng Gia, phụ huynh tham gia hội thi chia sẻ, từ lúc áp dụng chương trình giáo dục mới, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa. Các hoạt động này giúp các con tăng tính tự tin, phát huy khả năng sáng tạo cũng như góp phần gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
“Ngày hội hạnh phúc” là hoạt động dạy học ngoại khóa, nằm trong chuỗi chuyên đề hướng tới kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, hình thức dạy đi đôi thực hành do Trường Tiểu học Núi Thành linh hoạt tổ chức kể từ khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021.
Việc áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại trường được triển khai toàn diện đến từng cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức do nhà trường triển khai, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp cận nhanh chóng nội dung mới cũng như yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhờ đó có sự thay đổi căn bản tư duy và phương pháp dạy-học.
Là giáo viên có nhiều sáng kiến hay khi tổ chức dạy học theo chương trình mới, cô Trương Thị Thùy Liên, giáo viên khối lớp 1 Trường Tiểu học Núi Thành chia sẻ, giảng dạy theo chương trình mới bắt buộc giáo viên phải vận dụng và liên hệ kiến thức trong sách vở với thực tiễn cuộc sống để lồng ghép linh hoạt vào bài giảng nhằm giúp học sinh vừa hình dung, liên tưởng được nội dung, sự việc đang được nói đến vừa thực hành được ngay trong thực tế cuộc sống; nhất là với học sinh lớp 1 còn đang bỡ ngỡ.
“Từ kiến thức trong bài học, chúng tôi hướng dẫn các em làm những sản phẩm có thể ứng dụng trong thực tế như làm "máy" gấp áo quần từ bìa các-tông, làm thiệp chúc mừng vào các dịp lễ 8-3, 20-10, 20-11... hoặc cách ứng xử trong những tình huống cụ thể với gia đình, người thân. Việc áp dụng chương trình mới giúp cô giáo và học sinh phát huy năng lực toàn diện. Bản thân giáo viên học hỏi nhiều phương pháp giảng dạy hay; cả học sinh và giáo viên đều năng động hơn”, cô giáo Trương Thị Thùy Liên nhận xét.
Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành, chương trình mới cho phép nhà trường chủ động trong xây dựng, triển khai kế hoạch dạy học phù hợp, sát với thực tế dạy và học cũng như điều kiện cơ sở vật chất, năng lực từng đối tượng học sinh thay vì một chương trình đại trà như trước. Giải thích rõ hơn, cô Nguyệt cho biết: “Khi áp dụng chương trình mới từ năm học 2020-2021 dành cho khối lớp 1, chúng tôi chủ động tạo sự thay đổi đối với mô hình giáo dục STEM mà nhà trường áp dụng từ năm học 2019-2020.
Cụ thể, thay vì chỉ dạy liên môn theo mô hình giáo dục STEM như thông thường, chúng tôi thống nhất xây dựng một chuyên đề cụ thể cho 2-3 môn học, như chuyên đề “Em yêu trường học” (vào đầu năm học mới), chuyên đề “Thầy cô” chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam... và cho ra sản phẩm cụ thể của học sinh bằng hoạt động thực hành. Chúng tôi cũng chủ động góp ý cấp trên thay đổi một số hình ảnh in trong sách về danh lam, thắng cảnh của địa phương thay vì hình ảnh cũ của địa phương khác. Hay đối với các giáo viên lớn tuổi, tâm lý ngại đổi mới, khi tổ chức lớp nghiên cứu về chương trình mới, chúng tôi chia nhóm theo hình thức “đôi bạn cùng tiến”…
Kiên định mục tiêu đổi mới
Tại Trường THPT Phan Châu Trinh, từ năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai cho khối lớp 10. Ngoài cơ sở vật chất được bảo đảm, nhất là hệ thống các phòng chức năng phục vụ hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa (tin học, phòng thực hành, các CLB…) đang được nâng cấp và hoàn thiện, ngay từ đầu năm học 2022-2023, nhà trường xây dựng chi tiết chương trình giảng dạy trong năm và bổ sung kịp thời những thay đổi.
Bên cạnh đó, các tổ bộ môn và mỗi thầy cô giáo xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể để ban giám hiệu xem xét, thông qua. Riêng khối lớp 10, để tăng quyền lựa chọn của các em khi vào đầu cấp, nhà trường xây dựng 12 nhóm các môn học khác nhau. Đây là nét mới trong việc áp dụng cụ thể Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong dạy và học tại Trường THPT Phan Châu Trinh trong năm học 2022-2023.
“Hiện nay, 100% giáo viên của trường được tham gia tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chúng tôi cũng lên kế hoạch để tổ chức kiểm tra, đánh giá việc áp dụng chương trình giáo dục mới vào giữa và cuối kỳ”, thầy Lê Phước Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết.
Tại huyện Hòa Vang, việc triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học 2022-2023 cho khối lớp 3 và khối lớp 7. Theo ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang, phòng tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phổ thông lớp 3 và lớp 7, trên cơ sở đó, cụ thể hóa cho các trường triển khai, đồng thời, tổ chức tập huấn cho đội ngũ quản lý, giáo viên ở các trường. Đặc biệt, lần đầu tiên các giáo viên, ban giám hiệu các trường cùng tham gia lựa chọn sách giáo khoa nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn địa phương.
Đánh giá từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố về kết quả sau hơn hai năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho thấy, bên cạnh những thuận lợi và kết quả bước đầu, đã bộc lộ một số khó khăn cần khắc phục để việc triển khai chương trình tốt hơn trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Tấn Linh nêu rõ, một số đơn vị còn khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy học; thời lượng tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới cho đội ngũ giáo viên còn ít; vẫn còn tình trạng một số giáo viên chưa mạnh dạn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, có sự điểu chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học...
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Tấn Linh, để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thời gian qua, sở tham mưu UBND thành phố tổ chức lựa chọn và ban hành danh mục sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 trên địa bàn Đà Nẵng từ năm học 2021-2022; trình Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông của thành phố.
Thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng tăng cường việc triển khai dạy học bằng các hoạt động trải nghiệm thực tế; chú trọng việc dạy học phân hóa đối tượng và phát huy năng lực học sinh, cân đối giữa dạy học và trải nghiệm sáng tạo; giữa hoạt động tập thể, nhóm nhỏ và cá nhân; vừa bảo đảm chất lượng giáo dục chung vừa phát triển tiềm năng của cá nhân.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy được phát huy và triển khai thực hiện tốt ở các trường học. Các trường đã đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học.
Đối với việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1, Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện thực hiện rà soát đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định và xây dựng kế hoạch thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2022-2026 trên địa bàn thành phố trình UBND ban hành.
Một giải pháp quan trọng khác đó là đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng cho việc triển khai chương trình giáo dục mới. Theo đó, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án "Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025" trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tạo các cơ sở và căn cứ pháp lý cho việc triển khai xây dựng, nâng cấp, mở rộng trên địa bàn của các quận, huyện giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn đầu tư 4.399 tỷ đồng (chưa kể kinh phí đền bù, giải tỏa)...
KHÁNH HÒA