Sức sống nghệ thuật múa

.

Không gian nghệ thuật tại thành phố Đà Nẵng không ngừng được bồi đắp, sức sống ngày càng mạnh mẽ với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo người dân, du khách. Trong dòng chảy chung đó, nghệ thuật múa đã định hình được chỗ đứng và bản sắc riêng. 

Các nghệ sĩ múa thuộc Đoàn văn công Quân khu 5 trong một buổi tập luyện. Ảnh: KHÁNH HÒA
Các nghệ sĩ múa thuộc Đoàn văn công Quân khu 5 trong một buổi tập luyện. Ảnh: KHÁNH HÒA

Nối dài qua nhiều thế hệ

Qua lời giới thiệu từ Hội Nghệ sĩ múa thành phố, chúng tôi tìm đến nhà riêng của nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Nguyễn Thiện Tâm tại số 1 đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Hải Châu). Ở tuổi 70, nghệ sĩ Nguyễn Thiện Tâm thuộc lớp nghệ sĩ múa đầu tiên của thành phố được đào tạo bài bản từ Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Bên tách trà nóng hổi của buổi chiều đông, ký ức của người nghệ sĩ quay ngược về dấu mốc năm 1965 khi ông vừa tròn 14 tuổi. Lúc bấy giờ, nhận được thông báo tuyển sinh từ Trường Múa Việt Nam, cậu bé Nguyễn Thiện Tâm liền đăng ký dự tuyển.

Trải qua các bước kiểm tra nghiêm ngặt về hình thể, khả năng thẩm âm cũng như năng khiếu nghệ thuật, ông xuất sắc vượt qua 30 thí sinh còn lại, trở thành người duy nhất của khu vực thủ đô Hà Nội được lựa chọn để đào tạo lớp diễn viên múa dài hạn 7 năm, khóa 4 (1965-1971). Sau ngày đất nước giải phóng (1975), dưới sự điều động của tổ chức, ông khăn gói về công tác và là hạt nhân nòng cốt của đoàn ca múa nhạc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ở tuổi 70, NSƯT Nguyễn Thiện Tâm thuộc thế hệ những nghệ sĩ múa đầu tiên của thành phố được đào tạo bài bản từ Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam).  Ảnh: KHÁNH HÒA
Ở tuổi 70, NSƯT Nguyễn Thiện Tâm thuộc thế hệ những nghệ sĩ múa đầu tiên của thành phố được đào tạo bài bản từ Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Ảnh: KHÁNH HÒA

Lần giở từng bức ảnh đen trắng lưu giữ những kỷ niệm quý bên đồng nghiệp trong các buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở chiến trường miền Bắc, ông không nén được bùi ngùi: “Thời chiến tranh, tuy khó khăn trăm bề nhưng Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm cho nghệ thuật. Lúc bấy giờ, được chọn vào trường múa là niềm hạnh phúc vì vừa đỡ một miệng ăn cho gia đình, mỗi tháng còn có thêm tiền học bổng 30 đồng 5 hào. So với tiền lương của công chức Nhà nước (bậc 2) lúc bấy giờ là 45 đồng, thì đây là số tiền lớn”.

Nói về múa, mắt ông sáng lên lấp lánh: “Múa là bộ môn nghệ thuật không chỉ đem lại vẻ đẹp về mặt thể chất - dáng vẻ bên ngoài mà còn rèn cho người nghệ sĩ một khí chất bền bỉ, kiên trì cả về mặt tinh thần. Một người nghệ sĩ múa thực thụ còn là người phải am tường, bao quát cả về các lĩnh vực văn hóa, dân tộc, âm nhạc, mỹ thuật…”.

Nghệ sĩ Nguyễn Thiện Tâm khẳng định, ông may mắn khi được sống và làm những công việc liên quan đến múa cho đến lúc về nghỉ hưu. Ngoài vai trò diễn viên múa, nghệ sĩ Nguyễn Thiện Tâm còn tham gia biên đạo, đào tạo nhiều khóa diễn viên múa tại một số đoàn kịch nói, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Nhiều thế hệ diễn viên múa hiện nay ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khu vực miền Trung từng là “học trò” của ông.

Chúng tôi chia tay nghệ sĩ Nguyễn Thiện Tâm khi trời vừa sẫm tối. Câu chuyện của người nghệ sĩ múa ở tuổi xế chiều vẫn lãng vãng trong tâm trí khi nó giúp hình dung về một thời đất nước dẫu muôn vàn khó khăn nhưng vẫn luôn dành sự quan tâm, đầu tư để nuôi dưỡng các bộ môn nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa.

Trải qua hơn 47 năm sau ngày đất nước giải phóng, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã hình thành nên nhiều thế hệ nghệ sĩ múa chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Không ít trong số họ được phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT, Nghệ sĩ nhân dân (NSND). Có thể kể đến những “tên tuổi lớn” như NSND Lê Huân, NSƯT Nguyễn Thiện Tâm, NSƯT Minh Vân, NSƯT Minh Tâm, NSƯT Hoàng Hà, NSƯT A Lăng Hoa (người dân tộc Cơ tu), NSƯT Huỳnh Ngọc Kim… Như mạch ngầm bền bỉ cùng dòng chảy của thời gian, bằng chính tài năng và nỗ lực lao động miệt mài, những thế hệ nghệ sĩ múa đi trước lại truyền lửa cho thế hệ đi sau.

Hiện nay, Hội nghệ sĩ Múa thành phố có 110 hội viên (trong đó có 46 người là hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, 1 NSND và 6 NSƯT); cùng với hàng trăm nghệ sĩ múa đang hoạt động tại các đơn vị chuyên nghiệp, là các “trung tâm” nghệ thuật lớn của thành phố như Đoàn văn công Quân khu 5, Nhà hát Trưng Vương, phân hội múa Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và lớp nghệ sĩ múa bán chuyên, có tuổi đời còn trẻ tại các CLB, vũ đoàn tư nhân như CLB Galaxy, CLB Rio, vũ đoàn Nhật Huy, CLB Biển Đông, CLB Tango Argentina… đã hình thành nên nguồn lực dồi dào, có tính kế thừa cho bộ môn nghệ thuật múa của thành phố. Đáng mừng hơn khi một số nghệ sĩ trẻ, hoạt động trong môi trường nghệ thuật múa hiện đại đã được chọn lựa để đứng vào hàng ngũ hội viên của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam như trường hợp nghệ sĩ hip hop Hoàng Châu (32 tuổi), Giám đốc Trung tâm Galaxy Dance Center... Góp phần tạo gạch nối bền vững giữa các thế hệ nghệ sĩ múa cũng như giữa nghệ thuật truyền thống với hiện đại.
Sống tốt với nghề

Cũng như nghệ sĩ Nguyễn Thiện Tâm, nhiều nghệ sĩ múa chia sẻ, sở dĩ có thể đeo đuổi trọn vẹn với đam mê, bởi họ sống được với nghề. “Nhiều người vẫn nghĩ nghệ sĩ nghèo, nhưng thực tế, chúng tôi vẫn sống tốt, sống khỏe với nghề múa”, đó là lời khẳng định của Trung tá, diễn viên, biên đạo múa Phạm Thị Kiều Như (thuộc Đoàn văn công Quân khu 5) - một nghệ sĩ múa thuộc thế hệ trẻ, được đào tạo từ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội khóa 16 (1994-1998). Với bề dày 28 năm hoạt động trong nghề, hiện nghệ sĩ Phạm Thị Kiều Như là đội trưởng Đội múa Đoàn văn công Quân khu 5 - một đoàn nghệ thuật đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp của nước nhà.

Trả lời cho câu hỏi: “Làm sao để sống trọn vẹn với đam mê múa”, nghệ sĩ Kiều Như chia sẻ, ngoài công việc tại Đoàn, hầu hết anh em diễn viên trong đoàn đều có thêm “nghề tay trái” là tham gia trong các đoàn nghệ thuật, đoàn múa của tư nhân, có người nhận show biên đạo, dàn dựng tiết mục cho các cơ quan, đơn vị để tham gia các hội diễn văn nghệ, nghệ thuật quần chúng. Một năm cũng nhận hàng chục show mời diễn hay biên đạo nên thu nhập của hầu hết anh em trong đoàn khấm khá, có thể sống trọn với đam mê múa mà không quá chật vật.

Điều trăn trở lớn nhất hiện nay của nghệ sĩ Phạm Thị Kiều Như cũng như Đoàn văn công Quân khu 5 đó là làm sao tuyển chọn và đào tạo được thế hệ nghệ sĩ trẻ có tài năng và thực lực bởi lẽ, để chọn được một diễn viên múa có đầy đủ tố chất về vẻ đẹp hình thể, năng khiếu nghệ thuật cũng như nuôi dưỡng lòng yêu nghề cho các em, thật sự không dễ dàng, trong khi mỗi năm Đoàn chỉ được bổ sung một diễn viên múa được đào tạo bài bản từ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng - cái nôi đào tạo, nuôi dưỡng nhiều thế hệ nghệ sĩ, biên đạo múa không chỉ cho thành phố Đà Nẵng mà còn nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực, hiện đang có 3 hệ đào tạo gồm cao đẳng, trung cấp (3 năm) và mới nhất là hệ trung cấp dài hạn (6 năm) với các học sinh được tuyển cả khu vực miền Trung, ở độ tuổi 9-13 tuổi. Hầu hết các thế hệ diễn viên múa được đào tạo tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng sau tốt nghiệp đều được tiếp nhận vào đoàn nghệ thuật lớn của thành phố như Nhà hát Trưng Vương, một số vũ đoàn, CLB tư nhân… hay tham gia vào chương trình biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An (tỉnh Quảng Nam)…

Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn là trở ngại đối với công tác đào tạo tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng, nhất là với bộ môn yêu cầu kỹ thuật cao như múa ba lê. Ảnh: KHÁNH HÒA
Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn là trở ngại đối với công tác đào tạo tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng, nhất là với bộ môn yêu cầu kỹ thuật cao như múa ba lê. Ảnh: KHÁNH HÒA

Không giống như các nghệ sĩ múa hoạt động trong môi trường chuyên nghiệp, để được “sống trọn” với nghề của những nghệ sĩ trẻ, ở thể loại múa hiện đại, là nỗ lực không ngừng nghỉ với yêu cầu luôn phải đổi mới và sáng tạo. Nghệ sĩ hip hop Dương Hiển Quang (23 tuổi), đội trưởng Đội biểu diễn tại Trung tâm Galaxy Dance Center chia sẻ: "Muốn phát triển lên tầm chuyên nghiệp, xem nhảy - múa là một "nghề" để gắn bó thì ngoài vai trò là một vũ công, tôi cùng đồng nghiệp còn tham gia công tác đào tạo tại trung tâm cũng như một số CLB khác. Vài năm nay, cùng với sự phát triển mạnh về du lịch - dịch vụ, nhu cầu về hoạt động nghệ thuật, trong đó có bộ môn nhảy - múa hiện đại ngày càng nhiều, nhờ đó chúng tôi có thêm điều kiện sống với nghề".

Gìn giữ để vươn xa

Nhìn lại và đánh giá thực trạng, chất lượng lực lượng biên đạo, diễn viên múa hiện nay, NSND Lê Huân - “cây đa cây đề” của làng múa thành phố khẳng định: “Nhiệt huyết vẫn còn nhiều lắm! Lớp nghệ sĩ trẻ bây giờ rất năng động và sáng tạo. Vấn đề là nghệ thuật múa phải thay đổi và vươn tầm ra sao để mang dấu ấn thời đại mới, hội nhập. Hơn hết, phải có những người biên đạo, diễn viên biết nặng lòng với văn hóa cội nguồn dân tộc. Luôn biết cách để đưa các điệu múa truyền thống đi lên cùng với nghệ thuật múa đương đại. Biết khéo léo đan xen chất cổ điển vào yếu tố hiện đại để tạo tính hợp thời, vừa gìn giữ, vừa phát triển, giúp các điệu múa dân gian luôn có sức sống bền vững trong dòng chảy nghệ thuật hiện đại. Đây cũng là định hướng trong phát triển văn hóa - nghệ thuật, trong đó có bộ môn múa, mà Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định qua nhiều kỳ đại hội”.

Ở vai trò một nhà giáo, tham gia công tác đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ múa trẻ, Th.S Dương Ngọc Lai, Trưởng khoa Sân khấu - Múa Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng bộc bạch, nghề này “kén” người lắm, tài năng thôi chưa đủ, còn phải có sức bền và cần một chữ “duyên”.

Suốt hơn 20 năm đứng trên bục giảng, thầy Dương Ngọc Lai không ít lần dằn lòng tiếc nuối khi phải chia tay những học trò giỏi, có tiềm năng nhưng vì nhiều lý do, các em không thể đeo đuổi được việc học đến cùng. Hằng năm, chỉ tiêu tuyển chọn đặt ra cho bộ môn múa của khoa Sân khấu - Múa là 50 sinh viên nhưng kết quả thường chỉ đạt được tầm 27-30 em; chưa kể số bỏ học giữa chừng có khi lên đến 50%/ tổng số học sinh của lớp. Có thời điểm, để bảo đảm số lượng học viên theo học tại khoa Sân khấu - Múa, trường phải chấp nhận hạ thấp chỉ tiêu tuyển chọn đầu vào. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo, nhất là với những chuyên ngành yêu cầu thực hiện nhiều kỹ thuật “khó” như múa ba lê. “Bù lại, chúng tôi nỗ lực hơn trong quá trình đào tạo, rèn luyện nên chất lượng đầu ra luôn bảo đảm”, Th.s Dương Ngọc Lai chia sẻ.

Những trăn trở của NSND Lê Huân hay thực tế khó khăn trong tuyển chọn, đào tạo các thế hệ diễn viên múa chuyên nghiệp… là nỗi lòng chung của các thế hệ nghệ sĩ múa của thành phố thời gian qua. Để nghệ thuật múa nói riêng, không gian nghệ thuật của thành phố nói chung phát triển xứng tầm, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn đời sống rất cần sự quan tâm, đầu tư hợp lý của các cấp lãnh đạo trong công tác đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...

Về phía Hội Nghệ sĩ Múa thành phố, theo NSƯT Huỳnh Ngọc Kim, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa, thời gian tới, hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động để tạo không khí sôi động hơn cho hoạt động nghệ thuật, trong đó có bộ môn múa. Đặc biệt, từ ngày 10 đến 16-12 vừa qua, hội tổ chức cuộc thi Múa tài năng trẻ thiếu nhi lần thứ nhất, nhằm tìm kiếm, phát hiện và có kế hoạch nuôi dưỡng những tài năng múa ngay từ sớm.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.