Ứng xử cà phê

.

Chuyện một quán cà phê của thành phố thông báo không phục vụ khách dưới 12 tuổi gây ra tranh luận sôi nổi: “Quy định này rất phiến diện làm ảnh hưởng đến nhiều khách hàng”; “Thay vì để biển cấm, quán nên có ứng xử mềm mỏng hơn vì làm kinh doanh, tránh chuyện tiêu cực”; “Nhân viên phục vụ phải dọn cả bãi chiến trường”; “Bản thân rất khó chịu khi gặp các bạn nhỏ chơi đùa và la hét lớn”…

Tựu trung có hai luồng ý kiến: một bên cho rằng đã mở quan cà phê thì không nên phân biệt độ tuổi, trẻ em, nhất là các bạn tuổi nhỏ cũng có nhu cầu đến quán, có thể không uống cà phê, mà là nước ép trái cây, hoặc đơn giản các bà mẹ có ngày cuối tuần, muốn nhâm nhi tách cà phê nhưng không lẽ gửi con cho hàng xóm? Phía ý kiến thứ hai thì cho rằng, do điều kiện phục vụ của quán, không đủ không gian riêng cho các cháu chơi đùa nên xin phép không phục vụ.

Câu chuyện không đơn giản như vậy. Người ủng hộ và phản đối xem chừng có đủ lý lẽ cho việc bảo vệ ý kiến của mình. Việc thưởng thức cà phê bây giờ trở thành nhu cầu không thể thiếu cho nhiều người. Hầu như mọi giới, mọi lứa tuổi đều muốn đến quán cà phê. Nơi đó không chỉ để nhâm nhi hương vị quyến rũ độc đáo mà còn để bắt đầu một ngày mới, với rất nhiều người nơi đó còn là không gian cho sự lắng đọng, chuyện trò. Nhiều hợp đồng kinh tế được đàm phán tại quán cà phê, nhiều ý tưởng sáng tạo được khơi dậy từ không gian thân thuộc của quán cà phê, cho nên rất cần sự yên lặng cho không gian riêng biệt tương đối này.

Thực tế các cháu vào quán thường khuấy động, chạy nhảy, nô đùa, la hét. Chỉ cần hai gia đình đem hai bạn nhỏ thì chắc chắn sự huyên náo xuất hiện. Cái yên tĩnh vì thế bị phá vỡ, sẽ không có chuyện trò, chia sẻ hay thảo luận trao đổi công việc. Và cái “style” mà chủ quán dày công xây dựng bị phá sản. Ở đây, với tư cách là khách hàng, chúng ta nên chia sẻ và ủng hộ cho xu hướng chuyên nghiệp trong phục vụ. Nếu cảm thấy bị ảnh hưởng có thể chọn một quán khác. Một thành phố văn minh, không chỉ nhà cao đường rộng mà quan trọng là có thái độ ứng xử với tự nhiên, với nơi công cộng. Biết tôn trọng người khác trước hết là không nên làm phiền ai đó.

Gần đây có những thiệp mời đám cưới ghi chú “không kèm trẻ em”. Không phải người mời thiếu tế nhị tính toán chuyện tiền mừng với định lượng suất ăn, dẫu rằng đây là điều cũng nên sòng phẳng. Ở nước ngoài trên thiệp còn khi rõ “vui lòng hồi đáp về việc có/không tham dự”, bởi không gì lãng phí hơn khi đặt bàn mà không tính trên số lượng khách mời, thức ăn bị lãng phí do không “hồi đáp” xin vắng. Thêm nữa, không gì bực mình bằng giữa không gian tiệc cưới mà chủ nhân muốn có sự sâu lắng với âm nhạc nhẹ nhàng, ánh sáng lung linh, bằng hữu chuyện trò sau thời gian lâu ngày mới gặp… lại bị phá vỡ bởi các cháu nhỏ nô đùa, la hét, chạy nhảy.

Việc xây dựng không gian thưởng ngoạn cà phê theo hướng văn minh cần khuyến khích nhân rộng. Cũng phải thừa nhận rằng, đã có nhiều ý kiến nhận xét thẳng thắn về tính cách của một số người rất hay thích ồn ào, không để ý, quan tâm và tôn trọng người chung quanh. Bất cứ chỗ nào cũng… cười, cũng rôm rả chuyện trò, họ ít khi để ý rằng việc nói to, cười lớn là biểu hiện của ứng xử văn minh. Học ăn, học nói có lẽ là điều khó nhất trên đời, lời ăn tiếng nói thể hiện chiều sâu văn hóa một người.

Nên khuyến khích việc xây dựng không gian văn hóa, nơi đó có những chuẩn mực ứng xử văn minh, mà biểu hiện tập trung cho tính chất này là ứng xử nơi đông người. Bảo đảm một không gian cà phê trật tự, yên lặng (tương đối), không có cảnh chạy nhảy ồn ào, có thể tập trung chuyện trò, hoặc đơn giản lắng đọng bình yên là hướng nên ủng hộ. Dĩ nhiên để làm được là một câu chuyện khác.

NHÃ ĐAN

;
;
.
.
.
.
.