* Lệ cúng tất niên có từ bao giờ và có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống người dân? (Mỹ Vân, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
- Tất niên (hay cúng tất niên, lễ tất niên, tiệc tất niên) là một nghi thức nhằm ghi nhận việc kết thúc một năm và chuẩn bị bước sang năm mới. Các sách viết về phong tục, tập quán của người Việt như “Việt Nam phong tục” (Phan Kế Bính), “Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam” (Tân Việt), “Đất lề quê thói” (Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu)... đều nói đến tục lệ này và chỉ cho biết nó xuất hiện từ xa xưa.
Cúng xóm ở thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L |
Cúng tất niên thể hiện nếp sống tâm linh của người Việt, mang ý nghĩa tích cực trong đời sống của người Việt. Ngày nay, phần lớn các công ty, xí nghiệp, thương nghiệp, hội đoàn... thường sắp xếp một thời gian thuận tiện vào buổi chiều hay buổi tối một ngày cuối tháng Chạp để tổ chức cúng tất niên và sau đó là tiệc tất niên. Đây được xem hình thức ăn mừng các công việc, các dự án thành công, sự phát triển, tăng trưởng của đơn vị trong năm qua, đồng thời chào đón năm mới đang đến gần. Đối với dân kinh doanh hay công sở, tiệc tất niên còn là cơ hội để mọi người gặp gỡ, giao lưu với các đồng nghiệp.
Đối với các gia đình, cúng tất niên thường diễn ra vào ngày cuối năm âm lịch, từ ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày các thành viên trong gia đình sum họp, cùng nhau ăn cơm buổi tất niên. Sau một năm bận rộn làm ăn, vào những ngày cuối năm, mọi người đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tươm tất để cúng tất niên và chuẩn bị đón Tết. Tùy vào phong tục tập quán ở mỗi vùng, việc cúng tất niên có thể được gia chủ mời thêm bạn bè, hàng xóm láng giềng và người thân đến dự.
Ngoài ra, còn có lệ cúng xóm tất niên. Xóm, ngày nay được hiểu không hẳn là xúm xít mấy trăm nóc nhà ở nông thôn mà còn là một cụm gia đình trong một tổ dân phố hay trên một con đường. Theo lệ, cúng xóm thường tổ chức hai lần trong năm, vào lễ tất niên và lễ tế xuân sau Tết. Cúng xóm thể hiện tín ngưỡng thờ thần, mang màu sắc tâm linh nhưng mục tiêu hướng đến là cuộc sống thế tục rất đỗi bình dị, nhân văn. Lệ này hiện nay đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Cuối năm, ai có bận bịu chi cũng phải lo về cúng xóm tất niên, bởi có mặt trong những lúc như thế mới thực là chan hòa tình làng nghĩa xóm.
Cơ quan xa không bằng xóm giềng gần. Nếu công việc cơ quan là chuyện quanh năm suốt tháng thì việc làng, việc xóm chỉ mấy ngày trước và sau Tết, ai không về là cảm thấy mình có lỗi. Ai trong năm ăn nên làm ra, góp nhiều một chút; ai khó khăn, góp vài chục nghìn đồng cũng xong, chủ yếu là cái tình. Một số địa phương có sinh viên, công nhân ở trọ cũng tham gia tất niên cùng mọi người trong khu dân cư, trước mừng mọi việc bình an vô sự, sau “thông đường” để chuyện đi về của mình được hanh thông. Xong lễ, mọi người ngồi lại bên nhau uống ly rượu cuối năm, chúc nhau bằng lời ca, tiếng hát và không quên hẹn... sang năm gặp lại với mọi điều tốt đẹp hơn.
Một trong những nét độc đáo, đầy nhân văn của lễ cúng xóm còn được lưu giữ giữa thời đô thị hóa là tên đất, tên làng ngày xưa của địa phương vẫn được các vị chủ bái nhắc lại khi khấn đất đai Thổ thần. Miếu Nhỏ làng Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) là “Đồng Bé xứ”, tổ 7 phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) là “Bàu Đưng xứ”. Làng Quang Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) xưa có hai xứ là “Cà Quá xứ” và “Trà Minh xứ”.
ĐNCT