Biển gọi

.

Tháng Chạp, biển thường trong hơn. Ba nói, bầu trời đã thôi những cơn bão nổi, thưa dần những cơn mưa nên biển dịu dàng. Với ba, biển bao giờ cũng là người mẹ bao dung và độ lượng. Ý niệm này bám chặt vào ba một cách chắc chắn và rắn rỏi, như những dây rau muống biển, bất khuất kiên cường trước gió bão nắng mưa. Qua màn hình điện thoại, ba kể chuyện hôm bão về, ba vẫn ra biển lượm những con ốc biển bị đánh dạt vào bờ để thả về biển sống. Lúc đó, tôi biết mình chẳng thể nào nhổ được “người con của biển” này rời quê được.

Hơn hai mươi năm trước, một đêm tối trời, nghe tiếng gió rít qua khe cửa Lăng Ông, chú từ giữ Lăng trằn trọc không ngủ được. Khi gió rít lớn hơn, nghe phía biển có tiếng nước phun cao như Ông về gần sát mé, chú từ ngồi dậy, mở cửa ra xem thì phát hiện ngay ngạch cửa Lăng một chiếc thúng con, bên trong có đứa nhỏ, được quấn mấy lớp vải xô, ướt đẫm sương và bọt biển. Theo quán tính, chú từ cầm chiếc thúng lên, ngó quanh, gọi đôi ba lần, “có ai không”, nhưng không ai lên tiếng. Ngó ra phía xa xa biển lớn, theo luồng ánh sáng hải đăng, chú từ như thấy được Ông về phía xa xa biển. Ông phun lên mấy tia nước thật cao rồi quay đầu ra khơi, có tiếng vỗ của Ông hòa vào tiếng sóng…

Chú từ đem đứa nhỏ vào làng, gọi mọi người dậy để hỏi coi con ai, rồi bây giờ phải tính ra sao. Đứa nhỏ đến lúc đói, khóc ré lên, chòi đạp trông mạnh mẽ lắm. Chú đành gửi nó lại nhà một người đàn bà cũng vừa mới sinh con, để xin cho bú thép. Đêm đó, xóm chài tụ họp gần như đủ cả, trông đứa bé rồi lại ngó ra biển. Nghe đi nghe lại câu chuyện Ông về rồi lại nhìn đứa bé bú no ngủ ngon trong chiếc thúng con. Các cụ lớn tuổi của làng quyết định, mai sẽ thông báo lên xem đứa nhỏ con ai…

Tội cho chú từ vừa giữ Lăng, vừa chạy lăng xăng tã sửa. Đứa nhỏ lớn hơn một tháng, tức đã ba mươi ngày trôi qua mà vẫn không ai nhận mặt là con. Các cụ trong làng họp mặt tại Lăng, khấn vái rì rầm rồi xin keo Ông. Cho keo ba lần đều đặn, các cụ bảo, đứa nhỏ được Ông thương, nên làng sẽ giữ lại nuôi, xem như một thành viên của làng chài này…

Lai lịch của tôi được ba kể lại vỏn vẹn có mấy trăm từ như vậy. Ba bảo, từ dạo đó, con gọi chú từ là ba, và cả làng này đều là bà con ruột rà cả. Suốt những năm tháng tuổi thơ, hai cha con tôi sống trong Lăng Ông, ba làm nhang đội đi bán. Hàng xóm có món gì ngon cũng mang đến cho. Suốt năm ít khi cha con nấu nướng, bởi không có người ta cho, thì cũng có người đến cúng Ông gà vịt để vái trước lúc ra khơi, và những trận bội thu về họ cũng đến Lăng Ông để cúng tạ. Mớ đồ cúng người ta “kiếng” lại, cha con tôi ăn từ ngày này qua tháng nọ vẫn dư…

Minh họa: TLATHU
Minh họa: TLATHU

Tôi lên sáu tuổi, bước chân vào lớp một, cũng là lúc tôi biết buồn khi mình không có mẹ như bao đứa trẻ khác. Cầm giấy khai sinh trên tay, tôi về khóc với ba. Ba buồn buồn bảo rằng, Ông đưa tôi đến với ba, Ông chẳng nói mẹ là ai, để có dịp ba sẽ hỏi Ông? Tôi không chịu, tôi hỏi vậy vợ của ba, cũng là mẹ của con đâu? Lúc ấy gương mặt ba buồn buồn, thì thào ba kể. Có năm gió bão về vội vã, trên chiếc thuyền chài nhỏ, cả gia đình của ba vật lộn với cơn sóng mênh mông. Sóng dữ như thử thách con người, và cơn sóng dữ cũng nhấn chìm cả con tàu giữa khơi xa bão biển. Trong lúc hoảng loạn, khi sắp ngất đi thì ba được một vật to đem bóng nâng mình lên và đưa dần vào bờ. Khi đến bờ, bình tĩnh ngó lại mới thấy hai cái vòi phun cao vút. Ba mừng vì truyền thuyết bảo rằng kẻ đi biển tử tế sẽ được cá Ông cứu mạng những lúc nguy nan. Ba nhảy xuống lội vào, cũng là lúc Ông quay ra khơi xa tâm bão. Nhưng có lẽ, nỗ lực của Ông cũng chẳng thể cứu kịp gia đình của ba. Họ đã được biển mang đi thật xa, đến một chân trời bình an không sóng dữ. Ba thường nói vậy sau mỗi lần kết lại câu chuyện buồn, như hoa muống biển nở hoa, đã leo phủ kín ký ức cơn bão năm nào. Bấy giờ nó chỉ còn là một mảnh đầy hoa và tôi chính là bông hoa nở trong vườn của ba suốt mười mấy năm qua!

Biết được chuyện buồn, ba con tôi chẳng nhắc đến nhiều làm chi. Ba thường ngó ra biển bằng ánh nhìn bao dung độ lượng. Bao giờ có người đến cúng vái ra khơi, ba cũng bảo rằng biển cũng như người mẹ, luôn thương yêu đùm bọc các con của mình, và dặn rằng “hãy luôn nhớ đến Ông và hãy luôn làm điều tử tế với biển”. Điều tử tế mà ba dặn, có khi nhuốm màu tâm linh, như việc ra khơi gặp cá mẹ dắt theo bầy con thì hãy thả, bởi quả báo thế nào cũng mang đến cho mình những mẻ cá lớn hơn bội thu. Hay việc ba thường dặn gặp rùa mắc lưới thì hãy thả cụ ra, bởi cụ là một trong tứ linh, mang điềm trời đất. Đâu biết rằng, vùng biển mình, rùa biển là động vật quý hiếm cần được bảo tồn! Những lời dặn của ba, thêm phần niềm tin về người giữ Lăng Ông đã canh cánh theo các ngư dân, luôn tin rằng “vạn vật hữu linh” và sống nhờ vào biển thì cũng không nên tận diệt biển.

Ngay từ khi mới tập tễnh bước đi, tôi đã biết theo ba ra biển mỗi khi triều cường vừa rút ở bãi, để lại những con ốc biển mắc cạn. Ba dạy, ốc biển cũng là con của biển, cũng như mình vậy. Hoạn nạn thì phải cứu nhau. Ông nhanh tay lấy những con ốc biển mắc cạn thả về với biển, vội vàng như sợ chậm chút thì sẽ mất những người thân.

Có một dạo, người ta chụp ảnh và viết về cha con tôi nhiều trên báo. Có người đến cho tiền, có người đến xúc động khi hỏi cha con tôi, mẹ cháu đâu, “dạ cháu không có mẹ”; “vợ anh đâu?”; “vợ tôi đã mất từ hồi bão 15”… Và lần đó, nhà hảo tâm xin nhận tôi mang về thành phố để lo cho ăn học đàng hoàng, không phải giang nắng giang mưa và đạp xe hơn chục cây số để đến trường. Ba trằn trọc suốt nhiều đêm, ông cứ ra bàn thờ của Ông để thắp nhang và xin keo suốt. Mấy hôm sau, ba gượng cười vui, như chẳng có việc gì buồn, nói với tôi rằng, “ba già nhưng còn khỏe lắm. Con thì trẻ, phải học hành đến nơi đến chốn mới có thể nên người hữu ích cho xứ biển”. Tôi ôm ba khóc ròng, nhưng ba bảo rằng đã xin keo, và Ông đã quyết rằng “con phải lên phố để nên người”. Niềm tin về Ông, cùng lời năn nỉ muốn khóc của ba đã là dòng nước mắt, đưa tôi lên xe, rời quê biển vào thành phố.

Ở phố, tôi được sống trong một trường nội trú, được nuôi dưỡng tử tế, không phải dãi nắng dầm sương đi bán những món hàng thủ công ba làm từ xác thuyền đắm trôi dạt vào bờ. Nhưng không hiểu sao lòng cứ mãi buồn buồn. Nỗi nhớ biển chưa bao giờ thôi cồn cào trong tôi suốt mấy tháng ròng vào phố. Cầm theo cái vỏ ốc. Mỗi khi nhớ biển tôi lại lấy vỏ ốc đặt vào tai, và nghe thấy như muôn ngàn cơn sóng gọi về, có cả tiếng thì thào của ba và tiếng Ông phun vòi nước lên trời cao trong tưởng tượng…

Phố xá đông đúc ồn ào, phố làm người ta phải quây quần với phố. Tôi nhớ mình mang nỗi nhớ biển không lâu, nó như một món quà quê, rồi tôi cũng phải đặt vào ngăn tủ để bắt đầu một hành trình mới. Mà hành trình ở phố thì có bao giờ ngơi nghỉ đâu, nó cứ quay cuồng và cuốn người ta theo không kịp thở. Từ đứa trẻ miệt biển, tôi bắt đầu học và quen dần với tiếng còi xe, tiếng người đua nhau chạy với thời gian.

Học ở phố, mỗi năm tôi được về quê thăm ba một vài lần, thường vào dịp nghỉ hè hoặc Tết. Nhưng chẳng được bao lâu lại tất tả lên xe về phố lại. Bao năm như thế, trường đã thay mấy lần màu vôi, từ chiếc xe đò cũ kỹ nay đã thay bằng xe giường nằm hiện đại, nhưng xóm biển thì vẫn như xưa. Ba vẫn như năm nào, ông không hề già thêm dẫu đã hơn ba lần chịu tang Ông lụy, nhưng vẫn rắn rỏi và khỏe mạnh như xưa. Ba thường bảo, nhìn con nên người, ba mừng vui, mà thấy biển cũng mừng vui.

Thấm thoát đã gần chục năm, tôi tốt nghiệp đại học với luận văn “bảo vệ sự đa dạng sinh vật biển dưới góc nhìn văn hóa” và được giữ lại giảng dạy tại trường. Tôi biết kết quả này ngoài sự giúp đỡ của nhà hảo tâm thì ba chính là người thợ xây cần mẫn kết tinh thành quả ấy cho tôi suốt nửa đời nắng gió, mặn mà giữ gìn và trao truyền phong tục miệt biển cho con. Người đàn ông miền biển chẳng đọc hiểu hết được luận văn của con, nhưng ông mừng như biển vỗ sóng trong lòng khi thấy con tốt nghiệp…

Hôm rồi, nhà trường tặng tôi một suất khám sức khỏe tổng quát cho người thân. Nài nỉ lắm ba mới chịu vào. Sức khỏe ba tốt hơn tôi nghĩ, chỉ mỗi chứng mất ngủ mà nhiều người lớn tuổi hay mắc phải. Ở phố bốn ngày mà ba ra vào không thôi, ông bảo sao mà nhớ biển quá và đòi về cho bằng được. Thấy dáng ba còng xuống, tôi vừa buồn vừa tủi, bảo rằng qua Tết này, con sẽ tính chuyện rước ba vào phố để con tiện bề chăm sóc. Nghe đến đó ông bỗng rưng rưng như trẻ con mất bạn. Ông năn nỉ tôi đừng bắt ông rời biển, đừng bắt ông xa làng chài, bà con thương ông lắm, ông sống với làng chài sẽ chẳng sao đâu, xin đừng bắt ông xa biển… Những điều ba nói, cũng làm tôi rưng rưng trong dạ, nhưng nỗi niềm biển nó cũng đã ăn sâu trong lòng tôi, chỉ chờ cơ hội dâng trào…

Tôi gọi cho ba, mở lời rằng con sẽ về ăn Tết với ba thật lâu. Ba mừng vui nói, Tết biển đẹp lắm con à, biển bao giờ cũng bao dung và thương yêu con người, như cá Ông xứ mình vậy… Những điều ba nói, làm tôi thèm quá một chuyến về, và thấy nỗi niềm biển thật ra chỉ ẩn đi chứ chưa bao giờ mất đi ở trong lòng. Thử nghĩ mà xem, tấm lòng của biển gọi trong lòng như vậy, tôi nỡ lòng nào bứt ba ra khỏi biển quê mình khi mùa xuân vừa chớm đến cho được…

Lê Quang Trạng

;
;
.
.
.
.
.