Tác phẩm Người bay trong gió xanh (NXB Hội Nhà văn, 9-2022). |
Hơn 10 năm gắn bó và dạy học ở vùng núi cao Tây Bắc, đôi mắt của Phạm Duy Nghĩa dường như nhuốm màu thăm thẳm của núi rừng.
Với sự am hiểu và trải nghiệm phong phú đến tinh tường về phong tục và tình yêu đối với những thân phận người ở rẻo cao; bằng giọng kể điềm đạm, giàu chất văn, tập truyện ngắn mới nhất của anh mang tựa đề Người bay trong gió xanh vừa được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng hằng năm.
Địa hạt văn chương miền núi vốn là không gian văn hóa dân tộc vô cùng đặc sắc. Chỉ riêng mảng văn xuôi có thể thấy rõ cả một khu rừng văn chương xanh biếc và hùng vĩ trải suốt hơn nửa thế kỷ với bao lớp nhà văn. Phải kể đến những tác giả đã ghi dấu ấn mạnh mẽ như Tô Hoài, Trung Trung Đỉnh, Ma Văn Kháng hay những trang viết về nhịp điệu miền núi lặng lẽ nhưng đầy sức sống và cảm hứng từ đời sống nơi rẻo cao như Cao Duy Sơn hay Đỗ Bích Thúy.
Phạm Duy Nghĩa bước vào làng văn không ồn ào, náo nhiệt, anh lặng lẽ như vùng đất ngàn mây - Lào Cai quê anh.
Sau khi giành giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003-2004 với tác phẩm Cơn mưa hoa mận trắng và sau đó anh cho xuất bản tập truyện ngắn cùng tên, được nhà văn Sương Nguyệt Minh nhận xét rằng: “Với tập truyện này, thậm chí, chỉ với truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng, Phạm Duy Nghĩa đã trở thành một nhà văn đích thực. Đọc anh, tôi dễ liên tưởng đến cái lung linh, óng ánh, dịu dàng của Pautovski; cái trong trẻo của Aitmatov, nhưng cũng cảm thấy cái nồng nàn, lọc lõi tinh đời của Ma Văn Kháng”.
Chính vì thế mà tập truyện ngắn Người bay trong gió xanh ra đời lần này, hiện lên trong độc giả như một tấm thổ cẩm đa sắc trên nền thiên nhiên Tây Bắc hiểm trở, hùng vĩ, nhà văn khắc họa từng đường nét âm thanh và hương vị cuộc sống nơi miền sơn cước đầy sinh động trong khu vườn văn chương vốn rất sum suê.
Với 12 truyện ngắn được viết kỳ công và cẩn trọng, đặt ngay ngắn trong tập truyện Người bay trong gió xanh, Phạm Duy Nghĩa đã tạo dựng một không gian miền núi của riêng anh, giao hòa giữa hiện thực và lãng mạn, đan xen nhuần nhuyễn yếu tố huyền ảo cho thấy ý thức dấn thân và sự làm mới chính mình trong một phong cách văn chương quen mà lạ của chính tác giả.
Với Sài Thục, truyện được viết năm 2010 và in báo Văn Nghệ lần đầu năm 2015 cũng là truyện ngắn mở đầu cho tập truyện này có cái nhìn về đời sống đương đại với lối viết trực tả chuyển sang những tình huống phi hiện thực, mới lạ.
Bằng năng lực tưởng tượng dồi dào, hình ảnh củ sài thục - một loại củ không hề có thực, lại là món ăn chính trong một gia đình, đến nổi lệ thuộc vào nó: “Tứ mùa, sài thục là món chính trong bữa ăn của chúng tôi: Sài thục luộc, sài thục nướng, sài thục hấp, sài thục đồ xôi, sài thục làm bánh; lá sài thục thì luộc hoặc ngâm chua rồi nấu canh. Theo bố tôi kể thì loại củ này đã nuôi sống ông bà cụ kị nhà tôi ròng rã mấy đời”. Củ sài thục được hình tượng hóa thành biểu tượng gắn liền với truyền thống thiêng liêng của gia đình, sự kết nối giữa những thế hệ. Nơi đó đã xảy ra những giằng co giữa vai trò vị trí quyết định trong gia đình, giữa ràng buộc và định kiến lạc hậu. Đó không chỉ là câu chuyện thế hệ và nếp nghĩ trong một gia đình miền núi, mà còn là tiếng nói của đôi cánh tự do và quyền sống của mỗi con người.
Hai truyện ngắn đáng chú ý là “Người bay” và “Con dê xanh trong núi tuyết”, được nhà văn dựng lên tình huống siêu thực, khi cậu bé Người bay bỗng vô tình phát hiện ra có khả năng bay kỳ lạ. Điều này đã làm nhộn nhịp khắp vùng đồi, để rồi chính tài năng và sự cá biệt đó dẫn đến “Một hiện tượng không có sự phát triển nhân cách bình thường, tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường cho xã hội” và muôn vàn câu chuyện ly kỳ sau đó. Khi chính tài năng đó đã làm cậu bé suýt chết bên bờ vực, những lời khen ngợi khuyến khích năm xưa giờ thành những gai nhọn bĩu bôi chọc nghẹo. Bởi cho đến cùng, tác giả cho thấy rằng, nếu vẫn giữ một tư duy cũ kỹ thì sự khác biệt có thể bị vùi dập và đàn áp bất cứ khi nào.
Trong truyện ngắn “Con dê xanh trong núi tuyết” có đoạn: “nằm trong ổ rơm lóng lánh nắng tươi là chú dê con màu xanh biếc. Lông đã khô óng. Một màu lông tuyệt đẹp chưa từng xuất hiện trong các loài dê ở trên đời”. Con dê ấy không chỉ có ngoại hình lạc loài mà còn có những tập tính lạ kỳ, nó nhảy nhót đón những cơn bão lớn hay nó không chịu ăn lá đỏ của một cây cổ thụ mà tất cả những con dê khác khoái khẩu. Tình huống truyện, các hình ảnh và bối cảnh truyện man mác phong vị huyền thoại Đông Âu lại rất suy tưởng về thực tại. Nơi những khác biệt dễ dàng bị triệt tiêu hay đồng hóa.
Trong cốt truyện có phần đối lập, truyện ngắn “Gió xanh” mở ra nhiều miền nghĩa thú vị khi người dân ở một thung lũng giữa trập trùng đồi núi đón những trận gió xanh. “Cảnh đẹp đến mức không ai ngủ nổi. Suốt đêm, gió thổi một màu xanh huyền ảo vào vườn tược, chuồng trại, biến mọi thứ nhếch nhác, xập xệ thành chốn thần tiên”. Suốt mùa hè đó, người dân trong vùng như được thanh tẩy với “bệnh yêu đời” và “bệnh trong sáng”, những tưởng một thế giới bất tận của điều thiện nhưng lại chứa đựng những tiềm ẩn bi kịch của thế giới một màu.
Một điểm độc đáo trong truyện "Con ma" trong hội xô xe, sự liêu trai và yếu tố kỳ ảo được thể hiện vô cùng rõ ràng. Những oan hồn với những trăn trở riêng mà chưa thể chuyển kiếp được sống một đời sống rất “người”. Ở ngay vực đèo hiểm hốc khi linh hồn và người dương cùng giằng co trong một cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết, vẫn hiện rõ sự hướng thiện và thấm đẫm tình người.
Phạm Duy Nghĩa chọn hai gam màu chủ đạo trong tập truyện như hòa vào nhau, nhưng đối chọi nhau là màu xanh lam của cái thiện, của những cơn gió xanh, những cánh đồng thảo nguyên hay cả những con dê màu xanh song song với đó là những khoảng màu đỏ “Khí chảy thành dòng ngoằn ngoèo, đỏ như máu tươi, bốc lên thành khói làm sém cả bụi cây rồi tan loãng vào không khí” (Khí lạ), “Những chiếc lá đỏ tươi như miếng tiết luôn là món khoái khẩu của bầy dê” (Con dê xanh trên núi tuyết). Như cái thiện và cái ác luôn song hành trong thực thể đời sống. Và đã là đời sống thì không thể nào là một bức tranh toàn hiện hay toàn ác mà chính sự xuất hiện này đã nâng đỡ, ám gợi để từ đó hướng con người đến vẻ đẹp của cái thiện.
Truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa luôn mở ra nhiều tầng nghĩa, giàu chất văn và thấm đẫm trữ tình. Mỗi truyện ngắn trong tập truyện đều dày đặc những chi tiết đắt giá, tạo ra một dấu ấn văn chương riêng của tác giả. Với ý thức luôn làm mới mình, bằng những chủ thể hay cốt truyệt mới, không gian văn chương của Phạm Duy Nghĩa mở rộng biên độ liên tục, anh có thể dẫn dắt người đọc vào xứ thần thoại Đông Âu rồi quay lại ở một miền u linh nào đó, để rồi khi khép lại tập truyện độc giả đang thấy mình đứng giữa một vạt đồi trồng kê xen vừng, lạc, thấy màu đen của đá núi và màu xanh u tịch của rừng, chợt thấy u hoài da diết.
LÊ MÂY