Hậu Covid-19, hoạt động khởi nghiệp chứng kiến sự xuất hiện và bứt phá mạnh mẽ của những thương hiệu kinh doanh dù còn non trẻ nhưng đã tạo lập được chỗ đứng và sức lan tỏa mạnh mẽ. Điều đáng nói là không ít trong số họ là người con xứ Quảng từng xa xứ, nay lựa chọn quay về khởi nghiệp và góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của thành phố.
Hủ tiếu mực Thuận Thành, một "thương hiệu" mới nổi sau Covid-19 nhưng đã tạo được sức hút với thực khách. Ảnh: K.H |
Giờ đây, nghĩ về một trung tâm ươm tạo doanh nghiệp đạt tầm khu vực, vươn tầm quốc tế bên dòng sông Hàn thơ mộng có lẽ không còn là ước mơ quá xa vời như mươi năm trước, khi khái niệm này lần đầu tiên được nhắc đến.
Sự nỗ lực và tư duy khởi nghiệp vượt trội
Cuối tháng 2-2023, chúng tôi có dịp gặp gỡ Nguyễn Văn Chương, Giám đốc điều hành Vườn ươm DNES Đà Nẵng, đồng sáng lập thương hiệu xe máy điện Dat Bike, hiện tượng khởi nghiệp tạo được ấn tượng mạnh mẽ thời gian qua. Thông qua câu chuyện với Chương, chúng tôi biết được, đến thời điểm này, sau gần 4 năm khởi nghiệp, tổng số vốn huy động được của công ty đã cán mốc 10 triệu USD (khoảng 235 tỷ đồng), hoàn toàn là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là con số không nhỏ đối với dự án khởi nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế vẫn còn chật vật sau những hệ lụy do Covid-19 gây ra.
Với số vốn trên, Dat Bike hoạch định rõ chiến lược phát triển công nghệ, quy mô sản xuất, mở rộng thị trường ra các thành phố lớn và đô thị loại một cả nước, đồng thời tuyển dụng thêm nhân tài. Hiện Dat Bike đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất có quy mô hơn 18.000m2 với 248 nhân sự ở Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời đặt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa lên hơn 85%.
Ngoài yếu tố con người, điều tạo nên sức hấp dẫn để dự án này nhận được sự đánh giá cao và thành công trong việc gọi vốn từ các quỹ đầu tư chất lượng bởi Dat Bike tự chủ hoàn toàn về công nghệ phần mềm cũng như phần cứng trên xe, chứ không phải lắp ráp từ các linh kiện có sẵn giống nhiều hãng khác.
Sau hơn 2 năm thành lập, Dat Bike tự phát triển từ những chi tiết nhỏ như khung sườn, đèn, hộp pin, yên xe... cho đến bộ phận được coi là "linh hồn" của xe như pin, hệ thống điều khiển… Chỉ duy có động cơ đang phải nhập từ bên ngoài và ê-kíp đang trong quá trình hoàn thiện dần.
Chia sẻ về bí quyết làm nên độ nóng và thương hiệu của Dat Bike, Chương cho rằng, thành công bước đầu của Dat Bike một phần nhờ may mắn khi quá trình gọi vốn đầu tư của dự án kéo dài từ năm 2019 đến nay, tức là trải qua trước, trong và sau thời điểm xảy ra Covid-19.
Trong lúc khó khăn, họ vẫn quyến tâm làm dù nhận không ít lời góp ý rằng ê-kíp chọn sai thời điểm. Đây là sự lựa chọn đầy rủi ro nhưng cũng cho thấy sự can đảm và niềm tin kiên định của ê-kíp Dat Bike. Điều góp phần làm nên thương hiệu cho Dat Bike còn đến từ việc họ thành công trong việc gọi vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài, góp phần làm bảo chứng cho giá trị và tính hiệu quả của dự án.
Còn quá sớm để nói rằng Dat Bike là một start-up thành công bởi họ vẫn đang trong quá trình chinh phục người tiêu dùng cũng như hoàn thiện dần. Dẫu vậy, thành công bước đầu của Dat Bike đã chứng minh rằng, sẽ chẳng có may mắn nào xuất hiện nếu không có sự nỗ lực và tư duy khởi nghiệp vượt trội của Chương cũng như cả ê-kíp. Hiện dòng xe máy điện Weaver - dòng xe chủ đạo của Dat Bike, đang dần chinh phục được người tiêu dùng ở mức giá bán ra 39,9 triệu đồng.
Với thiết kế thể thao, trẻ trung dòng xe này tạo được sự khác lạ so với đa phần xe máy điện trên thị trường, là chiếc xe máy điện đầu tiên và duy nhất tại thị trường Việt Nam có thể sánh ngang với xe máy xăng về công suất và quãng đường đi. Đây cũng là tín hiệu vui, chất xúc tác mạnh mẽ để góp phần tạo cú hích cho phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà thành phố kỳ công gầy dựng thời gian qua.
Từ lâu nay, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp luôn được nhận định là bài toán khó cho những ai dấn thân vào con đường kinh doanh. Nó đòi hỏi một quá trình lâu dài và bền bỉ, cần thực hiện cẩn thận từng bước để định hình và đem đến những sản phẩm gần gũi, thân thiện, tạo được niềm tin và khắc sâu vào tâm trí người tiêu dùng. Covid-19 như một cú sốc buộc nhiều doanh nghiệp muốn tồn tại phải tái cấu trúc một cách căn cơ, triệt để.
Bên cạnh đó, hậu Covid-19, với sự xuất hiện của những gương mặt khởi nghiệp nổi bật thời gian qua tại Đà Nẵng cho thấy, thị trường khởi nghiệp và câu chuyện xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp đang được định hình thêm những cách thức mới và con đường xây dựng thương hiệu doanh nghiệp dường như đang được rút ngắn lại với sự hỗ trợ của truyền thông, của các quỹ đầu tư mạo hiểm xuyên quốc gia và câu thành ngữ “trong nguy có cơ” có lẽ là nhận định phù hợp nhất khi nói về xu thế khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu của giới trẻ hậu Covid-19.
Thế hệ khởi nghiệp cuối 8X, 9X cho thấy một “bộ mặt” mới với khả năng nắm bắt cơ hội nhanh nhạy, tinh tế cũng như tinh thần sẵn sàng dấn thân ở sân chơi vốn chưa bao giờ dễ dàng, khi “thương trường” luôn được ví như “chiến trường”. Và đầu tư vào những dự án khởi nghiệp xuất sắc, khả thi cao đang là sân chơi thu hút nhiều doanh nhân thành công đi trước tham gia vào.
Câu chuyện khởi nghiệp của Nguyễn Hữu Thành, chủ chuỗi 5 nhà hàng hủ tiếu Mực Thuận Thành có lẽ đúng. Sau gần 10 năm làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Hữu Thành lựa chọn quay về Đà Nẵng khởi nghiệp khi trong tay chỉ có một số vốn ít ỏi với cơ sở đi thuê đầu tiên là ngôi nhà nhỏ chưa tới 40m2 tại 15 Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) ngay trong thời điểm Covid-19 bùng phát (năm 2020).
Những tưởng Nguyễn Hữu Thành đang tự làm khó chính mình nhưng thực tế, chỉ hai năm sau, từ một quán ăn nhỏ, giờ đây, hủ tiếu mực Thuận Thành là cái tên được nhiều người dân thành phố, nhất là giới trẻ, biết đến, là điểm đến thưởng thức ẩm thực được yêu thích của khách du lịch. Nguyễn Hữu Thành chia sẻ, khởi nghiệp “trong tâm dịch” dù ẩn chứa không ít rủi ro nhưng có được lợi thế là thuê được mặt bằng khá đắc địa ở khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, khi chia sẻ dự định khởi nghiệp với món ăn cốt lõi hủ tiếu mực, Thành được các đàn anh đi trước “rỉ tai” rằng, thời điểm trước dịch, thị trường ẩm thực ở thành phố trong tình trạng “cung không đủ cầu”, sản phẩm mới không có nhiều nên du khách có ít sự lựa chọn.
Hủ tiếu mực ra đời đúng thời điểm dịch bệnh xảy ra và kéo dài, thành phố không đón khách du lịch nhưng vì là một sản phẩm mới, lạ, gia vị được chế biến hợp “gu” của người Đà Nẵng với mức giá hợp lý nên đã hút khách và thành công “vượt bão Covid-19” để đứng được trên thị trường.
Từ thành công ban đầu, được sự tư vấn nhiệt tình của các đàn anh đi trước trong kinh doanh lĩnh vực ẩm thực cũng như nỗ lực không ngừng học hỏi, Nguyễn Hữu Thành mạnh dạn phát triển thành chuỗi 5 cửa hàng và đa dạng thực đơn bằng cách kết hợp giữa món chính làm nên thương hiệu là hủ tiếu mực với những món ăn vốn quen thuộc, khai thác được lợi thế vùng biển như bánh xèo hải sản, ram hải sản, bánh tôm Hồ Tây, bánh canh ghẹ…
Hủ tiếu mực Thuận Thành, một "thương hiệu" mới nổi sau Covid-19 nhưng đã tạo được sức hút với thực khách. Ảnh: K.H |
Câu chuyện khởi nghiệp của những người trẻ cho thấy, dù mới chạm ngõ thành công nhưng những "thương hiệu" non trẻ này là tín hiệu đáng mừng về một xu thế người trẻ đang lựa chọn quay trở về Đà Nẵng, nơi mảnh đất mình sinh ra để khởi nghiệp và khẳng định chỗ đứng.
Thu hút luồng chất xám khởi nghiệp
Thực tế phong trào khởi nghiệp tại thành phố thời kỳ hậu Covid-19 cũng cho thấy Đà Nẵng đang là điểm đến ngày càng nhiều của nhà khởi nghiệp trẻ với những dự án chất lượng, tạo được tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Điều này minh chứng cho những nỗ lực của thành phố trong hơn một thập kỷ qua để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo luôn được quan tâm, đầu tư.
Xu thế này cũng phù hợp định hướng được nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đặt ra mục tiêu, Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực và quốc tế.
Từ hiện tại nhìn lại quá khứ mấy chục năm xây dựng và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp thành phố để thấy rằng, dẫu dải đất miền Trung còn nhiều gian khó, chưa có được những thương hiệu thật sự lớn mạnh ở tầm quốc gia, quốc tế nhưng Đà Nẵng đã có những thế hệ doanh nhân thành đạt, đi lên từ phong trào lập thân, lập nghiệp, tạo ra những sản phẩm có giá trị, có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng; khẳng định được chỗ đứng trên bản đồ doanh nghiệp với sản phẩm có uy tín, chất lượng trên cả nước và vươn ra thế giới.
Có thể kể đến sản phẩm dệt may của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3, cao su của Công ty CP Cao su Đà Nẵng, hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-line, giày dép của Công ty TNHH Giày BQ, sản phẩm cơ khí của Công ty CP Hà Giang Phước Tường… Nỗ lực của doanh nghiệp cùng sự vào cuộc của chính quyền các cấp đã biến những điều không thể thành có thể. Giờ đây, thế hệ những doanh nhân đi trước lại truyền kinh nghiệm cho người đi sau.
Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-line bày tỏ: “Với thành phố Đà Nẵng, khi nói đến câu chuyện xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là chạm vào nỗi trăn trở của biết bao thế hệ lãnh đạo cũng như cộng đồng doanh nghiệp và cả người dân. Đâu đó người ta vẫn đau đáu với những câu hỏi “Vì sao doanh nghiệp địa phương chậm lớn?”, “Vì sao Đà Nẵng chưa có những tập đoàn vươn tầm khu vực, thậm chí là thế giới?”, “Vì sao chúng ta vẫn chưa có những cánh chim đầu đàn mang tính dẫn dắt?”…
Về vấn đề xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, bà Nam Phương cho rằng, quá trình xây dựng thương hiệu của thế hệ doanh nhân trẻ bây giờ có nhiều thuận lợi hơn thế hệ trước, nhất là có sự hậu thuẫn của truyền thông, mạng xã hội và một thế giới mở khi mọi ranh giới như vấn đề gọi vốn đang dần được xóa nhòa. Họ có nhiều hơn những cơ hội, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề về vốn, mặt bằng, thị trường…
Đây cũng là thế hệ có cái “Tôi” lớn với lợi thế là sự tự tin và sự sáng tạo mạnh mẽ, cũng như vòng kết nối rộng nên họ sẵn sàng dấn thân khi phát hiện ra cơ hội. Tuy nhiên, dù bất cứ thế hệ nào, muốn xây dựng thành công thương hiệu cho doanh nghiệp hay cho sản phẩm đều cần những điểm chạm chung, đó là sự kiên định và nhất quán trong phong cách, thông điệp đưa ra thị trường, người tiêu dùng để khách hàng có niềm tin, tìm thấy sự quen thuộc và dễ dàng nhận ra thương hiệu của bạn.
Trong vài trò Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp DNES, ông Nguyễn Văn Chương cho biết: “Hiện nay, với mô hình hợp tác công - tư, trong đó, sự hỗ trợ quan trọng nhất từ Nhà nước, DNES đang đẩy mạnh các hoạt động huy động nguồn lực từ trong và ngoài đất nước; kết nối giữa các thế hệ doanh nhân cùng hướng đến mục tiêu vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp vào ngân sách thành phố… góp phần đẩy mạnh số hóa cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn dĩ đã suy yếu nhiều sau hai năm đại dịch. Đồng thời, khuyến khích và hướng các start-up đến việc thay đổi mô hình truyền thống, vươn lên ứng dụng, làm chủ công nghệ, chuyển đổi số để khởi nghiệp thành công”.
Để hỗ trợ giới trẻ khởi nghiệp cũng như tạo môi trường, hệ sinh thái khởi nghiệp hấp dẫn, thuận lợi, có lợi thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong quá trình hoạch định và hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư cũng như quy hoạch chung thành phố, lãnh đạo thành phố cần cân nhắc và quan tâm đến yếu tố địa phương nhằm tạo thêm nhiều điều kiện để doanh nghiệp địa phương có cơ hội tham gia vào “sân chơi” này. Đồng thời, khích lệ và sẵn sàng tâm thế để kêu gọi, thu hút luồng chất xám khởi nghiệp từ các quốc gia trên thế giới đến với Đà Nẵng.
Nghĩ và hy vọng về một trung tâm ươm tạo đạt tầm khu vực, thu hút được những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực khởi nghiệp quay về hoặc lựa chọn Đà Nẵng làm nơi để tiếp tục sự nghiệp khởi nghiệp là điều hoàn toàn có cơ sở. Và hy vọng rằng, sự hiện diện của những “ông lớn” sẽ giúp quỹ đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu chú ý nhiều hơn đến thị trường khởi nghiệp ở Đà Nẵng.
KHÁNH HÒA