Cánh cò trắng… về đâu?

.

Bên trái nhà tôi là sông Cừ (Điện Bàn, Quảng Nam), dòng sông suốt ngày ẩn dưới bè rau muống, trôi lững lờ với lưu lượng nước khá chậm. Mùa hè, dòng sông khô cạn nhưng vào cuối thu khi những trận mưa thối trời thối đất của miền Trung giăng trắng cả cánh đồng thì dòng sông mới hiện hình, cũng cuộn xoáy...

Dọc hai bên bờ sông, những hàng tre đu đưa nghiêng mình soi bóng. Sau đợt bão lụt cuối thu, những cây tre ngã đứng ngã ngồi, màu lá cũng bạc đi như người vừa ốm dậy. Thế mà, qua cuối đông và đầu xuân mới, những cành những lá nhanh chóng phục hồi; loáng mấy ngày nhìn lại hàng tre đã xanh um. Thường lệ, những ngày cuối đông đầu xuân, cứ chiều về khi ánh mặt trời vừa tắt sau ngọn núi xa; trên hàng tre lá vừa phủ xanh đậm ấy, chấp chới những cánh cò trắng đang tìm chỗ hạ cánh sau một ngày kiếm ăn ròng rã.

Không muốn làm kinh động những cánh trắng ấy, đứng từ xa tôi lặng lẽ đếm. Một…hai…ba rồi hàng chục, hàng trăm con đậu xuống hàng tre dọc sông. Chẳng mấy chốc bức tranh xanh mượt của hàng tre điểm lỗ chỗ những chấm trắng, nhìn xa như những chiếc máy bay tí hon xếp bằng giấy trắng ghim la lượt vào dải tóc xanh. Làng quê yên ả, chiều buông nhẹ, gió vờn đuổi trên cánh đồng lúa xanh thì con gái, những cánh cò chao lượn trước hoàng hôn xuống khiến lòng người lâng lâng bao xúc cảm.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Từ cuối những ngày đông khi những cơn mưa tầm tã nhường chỗ cho bụi phùn cùng giá rét, bên dãy đất mới bừa xong, người nông dân cắm cúi dùng cào ban bằng đất, để rồi vãi lên đó từng nắm lúa giống, hạt nào cũng căng tròn, miệng ló ra lá mầm trắng như sữa. Thấp thoáng sau lưng họ là con cò với đôi chân cao khều xam xám, đang nghiêng cổ tìm mồi. Người cứ cặm cụi làm, cò cứ mải miết kiếm ăn, không ai chạm đến ai như sợ hãi cái khoảng cách vốn mong manh của tình bạn.

Đã từ lâu, hình ảnh cánh cò trắng đã trở thành nét điểm xuyết thơ mộng cho đồng quê đất Việt; riêng với tôi, đó còn là một miền nhớ thương, một miền thơ của làng quê cổ xứ nơi mình cất tiếng khóc buổi đầu đời. Tôi nhớ như in những buổi chiều bên triền sông thuở ấy; sau khi dẫn trâu vào bãi cỏ nới rộng và neo dây cột, tôi tìm chỗ mát thả diều hay đọc sách; thú vị nhất là lúc mỏi lưng ngả mình trên bãi cỏ ngắm trời xanh… Và xa kia trên lưng trâu, có con cò đang đậu tìm ăn ruồi. Cò và trâu cứ lặng lẽ, một xám một trắng; một bé xíu gầy tong, một cao to vạm vỡ; nhởn nhơ bên nhau cho đến lúc chiều tà.

Thời gian mới đó đã qua gần nửa thế kỷ, chiều nay tôi trở về quê nhà tìm chút hương của ngày xa ấy… Tôi hít căng lồng ngực hơi thở trong trẻo của làng quê, tay mân mê những đám rau thân thảo mượt mềm, còn mắt không ngừng theo dõi trên bầu trời. Có bữa nhìn đôi cánh cò bay sát rạt trên đầu, tôi cầm điện thoại bấm, rất muốn lưu lại tư thế sãi cánh của ánh chớp trắng trong nỗi vui mừng gặp đồng loại sau một ngày đơn lẻ kiếm ăn. Nhưng rồi, cánh chim vụt bay, nhanh quá khiến tôi cứ thẫn thờ…

Cùng với lũy tre xanh, con trâu nhởn nhơ gặm cỏ, cánh cò trắng gắn bó thân thuộc với đời sống tâm hồn làng quê Việt. Những buổi chiều muộn đứng giữa đồng lúa trải dài như bức thảm xanh, thấp thoáng cánh cò trắng bay lả lả; ta như muốn ôm vào lòng cả bầu không khí an lành, thanh bình của làng quê. Đất có lành thì chim mới đậu; nơi đâu còn lũy tre là còn nơi để cò bay về tìm chỗ trú ngụ bởi cò vốn là loài chim thích sống ở môi trường khô ráo, có lối sống khá tự do, thường xuyên di cư đến những vùng yên tĩnh, dồi dào nguồn thức ăn.

Tập tính loài này cũng khá lạ, bay theo từng đoàn nhưng kiếm ăn riêng rẽ dường như giống loài đã có chút phân chia để khỏi giành giật miếng mồi ngon chăng? Và có lẽ vì vậy, ta thường thấy những con cò bước lò dò, đơn độc, gầy guộc giữa cánh đồng xa. Cánh cò mãi là nỗi nhớ niềm thương trong tim mỗi người con bởi đó là mẹ ta, đồng đất quê ta - nơi thấm đượm câu hát ru đầu đời để người đi xa luôn thao thiết nhớ về.

Giờ đây, những ngôi nhà mái bằng, con đường bê-tông mọc lên và những vườn tược xanh mỡ màng, hàng tre dân dã đang dần thu hẹp lại… Vui với thay đổi của làng quê bởi cha mẹ, chị em ta cũng có lúc ngẩng mặt lên với đời nhưng cũng thấp thoáng một chút trăn trở. Rồi đây, bức tranh nông thôn mới đất nông nghiệp sẽ thay bằng đất ở, con đường vào làng sẽ không còn lũy tre xanh bao bọc, và cánh cò biết chỗ nào trú đêm?…   

Nguyễn Thị Thu Thủy

;
;
.
.
.
.
.