Ngày 14 hằng tháng, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu phối hợp UBND phường Hòa Minh mở phiên giao dịch để các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) nộp tiền lãi, tiền tiết kiệm của các tổ viên. Đây là địa phương có tổng dư nợ lớn nhất nước ở đơn vị cấp phường.
Bà Phạm Thị Hết nộp tiền lãi của các tổ viên tại phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu vào ngày 14-4-2023. Ảnh: Đ.H.L |
Đến nay, tổng dư nợ của phường Hòa Minh đạt 198 tỷ đồng, trong đó có 105 tỷ đồng cho vay tạo việc làm, thu hút 2.600 lao động tham gia. Tuy nhiên, để nguồn vốn vay đến được tay người nghèo thì các tổ trưởng Tổ TK&VV đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét hoàn cảnh khó khăn cũng như công tác thu hồi nợ.
Khó khăn, vất vả
Đến phiên giao dịch lần này, ông Phạm Trung Khảm (75 tuổi) vẫn còn cảm thấy bức xúc đối với các hộ chây ì, không chịu trả nợ trong nhiều năm qua. Để giải quyết thu hồi nợ tồn đọng kéo dài, ông Khảm đề xuất: “Phòng giao dịch quận cùng UBND phường cần phối hợp các hội, đoàn thể, tổ trưởng Tổ TK&VV giải quyết dứt điểm các hộ còn nợ đọng kéo dài. Do chúng ta chưa tập trung giải quyết dứt khoát nên các hộ vẫn chây ì nhiều năm qua”.
Ông Khảm làm Bí thư chi bộ khu dân cư Hòa Phú 5A, phường Hòa Minh. Năm 2009, ông Khảm đảm nhận thêm công việc Tổ trưởng tổ TK&VV 41 cho đến nay. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ông Khảm vẫn lặn lội đi xe máy hàng chục km để thu nợ tồn đọng của các hộ chây ì kéo dài hơn 10 năm qua. Ông Khảm chia sẻ: “Làm nghề này cũng vất vả, khổ cực lắm. Không cho vay thì người ta chửi mình mặc dù việc cho vay hay không là do tổ chức quyết định; còn khi đi thu nợ thì họ lại bảo, tôi vay ngân hàng chứ vay chi ông mà ông đòi?”.
Đặc biệt, các hộ chây ì chủ yếu là hộ làm thủ tục vay với tổ trưởng Tổ TK&VV trước đây, nay đã chuyển đến địa phương khác sinh sống nên rất khó đòi. Hiện Tổ TK&VV của ông Phạm Trung Khảm có 445 triệu đồng nợ chây ì hơn 10 năm, điển hình là hộ bà N.T.T (120 triệu đồng), bà M.T.H (30 triệu đồng), bà H.T.T (45 triệu đồng) và bà T.T.M (30 triệu đồng)…
Ngoài những hộ đã chuyển đi nơi khác còn có những hộ chuyển đến tái định cư, có hoàn cảnh rất khó khăn nên không có khả năng trả nợ. “Tôi không ngại khó, ngại khổ bởi làm nghề này cần có tâm và tinh thần trách nhiệm cao của người đảng viên, bởi lương bổng không bao nhiêu. Tuy nhiên, trong quá trình đi thu hồi nợ, mình không có đủ tư cách để thực hiện chế tài mà chỉ xem xét, tìm hiểu hoàn cảnh và động viên các tổ viên để thu cho đúng, cho đủ”, ông Khảm giải thích.
Không có nhiều năm kinh nghiệm như ông Khảm nhưng ông Trần Văn Phước, Tổ trưởng Tổ TK&VV 54 lại có sức khỏe và sự nhanh nhạy cần có của một người làm công tác tín dụng. Qua tìm hiểu hoàn cảnh và mong muốn của người nghèo trong tổ, ông Phước đã giúp 37 hộ khó khăn vay hơn 500 triệu đồng tạo công ăn việc làm như mua lưới cụ đánh bắt cá, mở quán cà phê, mua bán hải sản, nâng cấp nhà xưởng…
Hiện Tổ TK&VV của ông Phước có 5 hộ nợ chây ì, trong đó 2 hộ đã bỏ trốn đi địa phương khác. Các hộ này chuyển đi vào ban đêm nên rất khó tìm kiếm thông tin. Qua quá trình tìm hiểu, ông Phước đã tìm ra manh mối một hộ chuyển vào tận tỉnh Bình Dương sinh sống nên phải nhờ ngân hàng và công an can thiệp. Một số hộ khác vẫn có khả năng trả nợ nhưng họ không muốn trả, điển hình như hộ ông H.V.X vay 31 triệu đồng, tiền lãi tồn 5,3 triệu đồng, hay bà N.T.H bị vỡ nợ bỏ đi khỏi nơi cư trú buộc chồng con phải đứng ra trả dần.
Phải có tâm mới giúp được người nghèo
Đa số những người làm công tác vay vốn ở cơ sở là những người lớn tuổi, nhưng với sự tận tâm và lòng nhiệt huyết là yếu tố quyết định giúp họ hoàn thành công việc. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề này, bà Phạm Thị Hết (62 tuổi), Tổ trưởng Tổ TK&VV 99 cho biết, nhờ từng làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, phụ trách quản lý các tổ vay vốn nên bà rất thuận lợi khi chuyển làm tổ trưởng Tổ TK&VV từ năm 2003. Tổ TK&VV 99 của bà hiện có 5 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo.
Hầu hết các hộ này không có khả năng lao động, phải nhận trợ cấp thường xuyên. Nhiều hộ con đông, buôn bán nhỏ nên thu nhập rất bấp bênh. Đến nay, tổ bà Hết có 36 hộ vay với tổng dư nợ hơn 1,5 tỷ đồng. Hầu hết các hộ vay vốn sinh sống ở đường Tôn Đức Thắng và chợ Hòa Mỹ cũ để kinh doanh, buôn bán nhỏ. Đến nay, tổ 99 chỉ còn một hộ nợ chây ì nhưng qua tìm hiểu và vận động khéo léo của bà, người con của hộ vay đã nhận trả thay cho mẹ.
“Hầu hết các hộ kinh doanh không có thời gian, do đó người làm công việc này phải tận tâm để họ thấy được sự giúp đỡ chân tình của mình mà hợp tác. Trong số các hộ vay vốn chỉ có 30% hộ phải đến tận nhà thu, còn 70% hộ thực hiện chuyển khoản nên cũng khá thuận tiện”, bà Hết nói.
Với 20 năm kinh nghiệm trong công tác thu hồi nợ, bà Hết cho rằng, muốn thu nợ dễ, các tổ trưởng Tổ TK&VV phải nắm rõ hoàn cảnh từng tổ viên. Làm nghề này phải có tâm mới giúp đỡ được người nghèo. Trong thời điểm Covid-19 xảy ra, có nhiều trường hợp khó khăn không có tiền trả lãi, bà phải chủ động giải quyết nộp giúp theo khả năng, rồi họ trả lại sau. Cả tổ làm tốt thì ngân hàng mới tiếp tục cho vay. Đối với những trường hợp bỏ đi khỏi địa phương thì cần nhờ cơ quan chức năng mời họ lên phường cùng nhau tìm giải pháp trả nợ dần.
Nhờ làm lâu năm, bà Hết tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình. Theo bà, để làm tốt công việc thu hồi nợ, trước tiên phải nắm bắt nguyện vọng và mục đích của người vay vốn. Khi hiểu rõ hoàn cảnh của họ, các tổ trưởng mới tham mưu, đề xuất ngân hàng xem xét hồ sơ cho vay đúng đối tượng, nếu buôn bán nhỏ mà vay số tiền lớn sẽ không có khả năng trả nợ sau này. Bên cạnh đó, các tổ trưởng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với tổ dân phố và các hội, đoàn thể để có sự hỗ trợ kịp thời khi gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG