Cây làm đẹp cho thành phố là điều không bàn cãi, người ta ấn tượng về nơi mình đến bởi nhiều thứ, trong đó cây xanh thường được xem là một trong những yếu tố gây ấn tượng nhất. Người Hà Nội đi xa, nỗi nhớ da diết là những con đường.
Mỗi phố một loại cây, đó có thể là hàng sấu, hoa sữa, xà cừ…, những vòm lá xanh mát tiếp nối nhau trên những con đường Hoàng Diệu, Trần Phú, Chu Văn An… là những xao xuyến lắng đọng tâm hồn. Cũng như vậy, với Sài Gòn, người ta nhớ nhung bởi những con đường có lá me bay, hay “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.
Hiện nay, con đường hoa giấy tại Quận 1 trở nên nổi tiếng và tấp nập người đến chụp ảnh bởi những giàn hoa nở rộ; rồi Hải Phòng cái màu phượng vĩ mỗi dịp hè về như thắp lửa trên những con đường “những hẹn hò bên bờ sông Lấp”; rồi Huế với những con đường cây xanh mà ta có cảm giác như cùng với dòng Hương giang ngân lên đôi bờ những nhớ nhung, kỷ niệm.
Đà Nẵng, cây vốn ít lại càng giảm khi đô thị hóa. Bình quân cây xanh trên đầu người thấp so với tiêu chuẩn. Người ta dễ nhận ra sự chắp vá và phần nào thiếu quy hoạch loại cây trên những tuyến đường. Những cây sao đen dễ đến mười năm nhưng nay vẫn khẳng khiu như những cánh tay gầy hờ hửng trên vỉa hè, lại thêm cứ mỗi cuối thu nhằm hạn chế thiệt hại mưa bão, các hàng cây thêm một lần “cắt tóc”, nhìn từng xe tải chở lá cành đi vứt mà xót vô cùng.
Do chất đất, khí hậu và nhất là thời tiết khắc nghiệt nên thành phố khó tìm được loại cây phù hợp để trở thành cổ thụ. Thời gian qua, chính quyền tập trung triển khai nhiều giải pháp cho cây xanh đô thị Đà Nẵng bảo đảm yêu cầu phát triển đô thị xanh bền vững, cũng như sớm hình thành cây xanh công cộng bền vững và bản sắc riêng.
Có thể nói, việc thành phố phát động trồng 900 cây thàn mát (loại cây có hoa tím đặc trưng của bán đảo Sơn Trà) trên dọc tuyến đường lên bán đảo, từ Hồ Xanh đến Bãi Bắc, hy vọng sẽ tạo được dấu ấn đặc trưng cho thành phố.
Một lần đi Thái Lan, được đồng nghiệp dẫn đến thăm “Vườn nhiệt đới” (The Tropical Garden), địa điểm thu hút nhiều du khách đến Bangkok. Điều khiến người xem ấn tượng là bạt ngàn hoa giấy, đủ màu sắc và được cắt tỉa uốn lượn khiến mắt tôi như bị thôi miên, nghe đâu tối về có hàng triệu con đom đóm thắp sáng những hàng cây nữa. Hóa ra cái khiến mình ngạc nhiên là họ biết phối màu, tạo không gian và điểm nhấn để màu sắc hoa giấy hài hòa với cây cối chung quanh.
Thú thật lúc ấy tôi cứ mơ ước dọc theo bờ Đông sông Hàn, cũng có một hàng dài bạt ngàn hoa giấy như vậy. Sẽ có nhiều loại hoa giấy từ màu đơn, đến ngũ sắc, được trồng dọc theo bờ sông, được cắt tỉa, phối cảnh và mỗi khi mùa du lịch biển khai hội, bờ sông hoa sẽ là những điểm níu chân du khách, sẽ có thêm những điểm check-in làm phong phú kỷ niệm cho khách phương xa.
Đà Nẵng gắn liền với cây mù u trong những chuyện kể lịch sử hồi danh tướng Nguyễn Tri Phương đánh Pháp, tiếc rằng không biết vì lý do gì mà loại cây ngày xưa trồng rất nhiều ấy giờ gần như không còn thấy. Trên những con đường quê, mong sao gặp lại những cây một thời có trong các bài đọc lịch sử. Cũng như vậy, trong thành phố, tôi mơ ước sẽ có một số tuyến đường trồng toàn mai (ta).
Thử hình dung, trong nắng xuân về rực rỡ, trong ấm áp và không khí yêu thương ngày Tết, ta được đi trong sắc vàng rực của những đường mai thì biết bao cảm xúc, vui hơn, nồng ấm hơn, Tết hơn. Những mù u, xoài, mai ta không quá khó để trồng, chăm sóc. Vấn đề là cách tổ chức để nhân dân cùng thực hiện.
Đọc báo thấy ngành đường sắt đề ra dự án biến hơn 3.000km đường sắt thành những đường hoa. Dĩ nhiên không phải một lúc làm xong và cũng không phải chỉ một ngành đường sắt làm mà cần sự tham gia của xã hội.
Một ngày nào đó không xa trên cung đường sắt đèo Hải Vân, nơi khiến bất cứ du khách nào ngang qua cũng phải lặng người trước vẻ đẹp nao lòng của núi, của rừng và cả hoa nữa. Tôi nghĩ đó không chỉ là ước mơ lãng mạn của những người ưa lãng mạn, đất nước sẽ đẹp hơn khi ta biết chăm chút. Một tầm nhìn xa và có chút lãng mạn sẽ biến những con đường ở đây thành nơi làm ra hồn cốt quê hương.
Người ta nói sự cuốn hút của du lịch là khi nơi đó đủ sức tạo ra sự ngạc nhiên. Nếu không tạo ra sự ngạc nhiên thì khó mà nói đến sự hấp dẫn của nơi mình đến. Mùa này Sơn Trà ngoài voọc chà vá chân nâu bước vào mùa yêu còn có cây lá tùy loại mà có ba màu: vàng, đỏ, tím được xem là đẹp nhất.
Có lẽ không nên khuyến khích du khách lên nhiều làm náo động vương quốc của loài linh trưởng ngũ sắc đặc hữu Đà Nẵng, nhưng những hàng cây và hoa trong thành phố, được quy hoạch và thiết kế hợp lý, ít nhiều lãng mạn sẽ là điểm nhấn khó quên. Cái đẹp và quý của Sơn Trà, của báu vật sông Hàn do thiên nhiên ban tặng, còn những hàng cây trong phố do con người tạo ra.
NHÃ ĐAN