Covid-19 khiến ngành biểu diễn âm nhạc trầm lắng nhưng lại là điều kiện thuận lợi để kích cầu lượng người đăng ký nghe trả phí trực tuyến.
Âm nhạc trực tuyến không ngừng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, đóng góp rất lớn vào tổng doanh thu âm nhạc toàn cầu. Ảnh: BNDR |
Theo báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI) hôm 22-3, doanh thu từ âm nhạc trên toàn cầu tăng 9% (lên 26,2 tỷ USD) trong năm 2022 và ghi nhận việc tăng trưởng số lượng người đăng ký nghe trả phí giúp thúc đẩy doanh thu. Doanh thu phát nhạc trực tuyến có trả phí tăng 10,3% lên 12,7 tỷ USD và chiếm 67% tổng doanh thu âm nhạc. Đến cuối năm 2022, có 589 triệu người dùng tài khoản đăng ký trả phí.
Có thể thấy, Covid-19 là một “cú đòn” bất ngờ đối với ngành âm nhạc thế giới nhưng lại tạo ra giá trị mới cho ngành âm nhạc. Để duy trì hoạt động trong bối cảnh buộc phải hủy nhiều buổi trình diễn trực tiếp do đại dịch, các nghệ sĩ Nhật Bản đã tìm đến Internet như một hướng đi mới. Theo ước tính của Viện nghiên cứu Pia, tại thời điểm dịch bùng phát, Nhật Bản phải hủy khoảng 150.000 buổi trình diễn âm nhạc.
Tuy nhiên, Dwango - đơn vị vận hành trang truyền phát video (streaming video) Niconico - đã tổ chức nhiều buổi trình diễn trực tuyến miễn phí về âm nhạc cổ điển và có hơn 200.000 người theo dõi. Bà Kyoko Yagi, một giảng viên của Đại học Toyo, người làm việc trong ngành giải trí Nhật Bản và đóng góp vào sự ra đời của lễ hội âm nhạc lớn nhất nước này - Summer Sonic, cho biết trước đại dịch, nhiều người không đánh giá cao trình diễn trực tuyến vì họ cho rằng được đứng chung một không gian với các nghệ sĩ là giá trị gia tăng lớn nhất mà một buổi diểu diễn trực tiếp mang đến cho khán giả. Tuy nhiên, các buổi trình diễn trực tuyến đã trở thành loại nội dung mới, dần dần được chấp nhận nhiều hơn.
Nhiều nghệ sĩ ở các nước khác cũng thu lợi nhuận từ các dịch vụ trực tuyến. Điển hình như các nhóm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc là SuperM và BTS tổ chức các buổi trình diễn trực tuyến thông qua dịch vụ livestream có tên V Live và thu hút 75.000 người mua vé với giá trung bình 30 USD/vé. Qua đó, dịch vụ livestream đã mở rộng thị trường cho ngành giải trí. Yuji Maeda, Chủ tịch của công ty khởi nghiệp Showroom cũng nhận định rằng, Covid-19 tạo ra sự thay đổi lớn cho ngành âm nhạc mà có khi chúng ta phải mất 10 năm mới có được.
Nói về ý nghĩa của sự tăng trưởng doanh thu âm nhạc từ sự phát triển của nhạc trực tuyến trong thời gian qua, ông Frances Moore, Giám đốc điều hành IFPI cho rằng, sự đầu tư và đổi mới của các công ty thu âm đã giúp cho âm nhạc kết nối toàn cầu hơn bao giờ hết. Đó là việc xây dựng các nhóm nhạc và làm việc với các nghệ sĩ đến từ nhiều nền âm nhạc đang phát triển trên khắp thế giới. Điều này đang thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc, đồng thời cho phép người hâm mộ nắm bắt các cơ hội mở rộng để đón nhận và tôn vinh các nghệ sĩ cũng như văn hóa các nước.
Đoàn Gia Huy