HỌC NGOẠI NGỮ

Khoảng trống phía sau các trung tâm ngoại ngữ

.

Thời gian qua, bên cạnh những trung tâm đào tạo ngoại ngữ uy tín, vẫn còn tồn tại không ít trung tâm kém chất lượng. Một số trung tâm chỉ vì mục đích lợi nhuận mà không chú trọng đến chất lượng dạy học. Điều này không chỉ khiến người học tiền mất tật mang mà còn làm ảnh hưởng đến quá trình học tập và những dự định tương lai của học viên.

Hằng năm có nhiều trung tâm ngoại ngữ được cấp phép hoạt động ra đời. Ảnh: Đ.H.L
Hằng năm có nhiều trung tâm ngoại ngữ được cấp phép hoạt động ra đời. Ảnh: Đ.H.L

“Đi không nỡ, ở không xong”

Một trong những nạn nhân của trung tâm anh ngữ đào tạo kém chất lượng trên đường Trưng Nữ Vương, em K.O, lớp 11, Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết, em học ở trung tâm ngoại ngữ này cách đây 4 năm. Khi mới đăng ký, trung tâm cam kết đầu ra 7.0 IELTS trước khi em tốt nghiệp phổ thông nhưng khi học thì chương trình không bảo đảm chất lượng, đặc biệt không có sự liên kết với nhau nên học viên không đủ kiến thức để thi IELTS. Đối với môn viết, trung tâm giao cho người nước ngoài dạy nên rất khó hiểu. Bên cạnh đó, trung tâm không xếp được giờ học theo nhu cầu của học viên, việc xếp lịch rất chậm trễ khiến học viên mất nhiều buổi học dẫu đã nộp học phí đầy đủ.

“Do đã đóng học phí 90 triệu đồng nên em phải theo học. Đến nay đã học xong chương trình và đang bổ trợ kiến thức nhưng em thấy mình không đủ tự tin để thi IELTS. Nhằm bảo đảm việc thi IELTS có kết quả tốt trước khi tốt nghiệp phổ thông, để tham gia xét tuyển đại học và xin đi du học, em phải đăng ký học thêm một khóa khác ở bên ngoài”, em K.O băn khoăn.

Trước khi ra trường, sinh viên năm cuối đại học (ĐH) phải có chứng chỉ B1 Vstep do ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng tổ chức thi, hoặc có chứng chỉ tương đương như TOEIC (450-595) hoặc IELTS (4.5-5.0), TOEFL (31-45). Do đó, nhu cầu sinh viên tự đi học ôn B1 Vstep ở các trung tâm rất cao. Đây là kẻ hở để cho nhiều trung tâm “móc túi” sinh viên.

Em T.V, sinh viên khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ: “Nhiều trung tâm ôn không đúng định dạng Vstep. Mỗi khóa học mỗi sinh viên phải đóng học phí khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng. Để bảo đảm kiến thức thi B1 Vstep, nhiều sinh viên phải đi học kèm riêng với giáo viên tiếng Anh”. Tuy nhiên, khi chúng tôi phỏng vấn các sinh viên học ở các trung tâm kém chất lượng, hầu hết các em đều từ chối trả lời vì sợ phiền phức, đây cũng là lý do khiến cho các trung tâm đào tạo kém chất lượng vẫn duy trì hoạt động.

Ngày 17-2, trong đơn gửi đến Báo Đà Nẵng và các cơ quan hữu quan, một nhóm 28 phụ huynh có con đang học tại Trung tâm Apax Đà Nẵng cho biết, họ đã đóng học phí trước 100% khi đăng ký cho con học tại trung tâm này. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, trung tâm thường xuyên vi phạm các điều khoản hợp đồng, cụ thể: không có 100% giáo viên người nước ngoài, không có giáo trình học, không bố trí ổn định lớp học mà thường xuyên cho học sinh nghỉ với nhiều lý do. Nhận thấy môi trường học tập của con không bảo đảm như hợp đồng, các phụ huynh này đã đề nghị trung tâm thực hiện hoàn trả học phí với số tiền 700 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Nguyệt Lan, một phụ huynh trong nhóm có đơn cầu cứu nói trên cho biết, thông qua nhiều lần làm việc, đến nay Trung tâm Anh ngữ Apax Đà Nẵng mới chi trả 2 lần, mỗi lần 15% học phí, còn lại 70% học phí vẫn chưa hoàn trả. “Trước đó, trung tâm cũng đóng cửa một thời gian dài nên các bé phải nghỉ học. Nay, trung tâm đã mở cửa trở lại nên nếu không muốn mất tiền thì chỉ còn cách cho các con đi học trở lại, chứ theo kiện cũng rất mệt mỏi”, bà Nguyệt Lan giải thích.

Siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng dạy học

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 247 trung tâm ngoại ngữ, tin học. Tổng số cán bộ quản lý, nhân viên các trung tâm ngoại ngữ, tin học là: 1.073 người, trong đó có 905 lượt giáo viên tham gia giảng dạy. Trình độ chuyên môn và trình độ sư phạm của giáo viên, kỹ thuật viên, giảng dạy lý thuyết, thực hành đúng theo các quy định do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Hầu hết các trung tâm có kế hoạch tuyển dụng giáo viên có năng lực và nghiệp vụ sư phạm.

Nhìn chung, số lượng giáo viên đang giảng dạy tại các trung tâm bảo đảm theo quy định của bộ. Đối với giáo viên là người nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đa số các giáo viên này, ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, họ còn có chứng chỉ CELTA, TEFL, TESOL (tiếng Anh), chứng chỉ giảng dạy tiếng Nhật, chứng chỉ giảng viên của Viện Goet (tiếng Đức).

Trong 2 năm 2021-2022, phần lớn do ảnh hưởng Covid-19, một số trung tâm hoạt động không hiệu quả. Tính đến nay, Sở GD&ĐT thành phố đã giải thể 24 trung tâm và cho phép 9 trung tâm tạm ngưng hoạt động. Bên cạnh các trung tâm thực hiện đúng các thủ tục xin phép các ngành chức năng về sử dụng lao động người nước ngoài thì có nhiều trung tâm sử dụng nhưng không xin phép. Sở sẽ tiếp tục phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), Công an thành phố tiếp tục rà soát số giáo viên người nước ngoài tại các trung tâm nhằm bảo đảm các quy định theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra của ngành, ông Phan Xuân Nam Hải, Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục thường xuyên - Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH, Sở GD&ĐT cho biết, trong năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã tổ chức thanh tra 5 trung tâm ngoại ngữ và kiểm tra chuyên đề hoạt động ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống tại quận Thanh Khê (5 đơn vị), quận Cẩm Lệ (3 đơn vị), quận Sơn Trà (4 đơn vị), quận Hải Châu (5 đơn vị) và quận Liên Chiểu (4 đơn vị).

Qua đó, sở kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, hướng dẫn các trung tâm thực hiện theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ Sở LĐ,TB&XH, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố, UBND các quận, huyện trong việc tổ chức quản lý, hướng dẫn hoạt động, kiểm tra đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đặc biệt với đối tượng lao động là người nước ngoài. Các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động đào tạo như chuyển địa điểm, bổ sung chương trình, giáo trình giảng dạy… đều được sở kiểm tra trước khi cho phép thực hiện.

Hiện nay, các thủ tục xin cấp phép các trung tâm được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đầu tư trong quá trình nộp hồ sơ và công bố danh sách công khai trên trang thông tin điện tử của sở. Định kỳ 6 tháng, sở yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả hoạt động.

Hằng năm, sở tổ chức triển khai tổng kết, xây dựng kế hoạch hoạt động đối với ngành học giáo dục thường xuyên, trong đó các trung tâm ngoại ngữ, tin học được định hướng phát triển và hướng dẫn hoạt động.

Đặc biệt, sở tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết định kỳ đối với hoạt động đào tạo ngoại ngữ, tin học với sự tham gia của Công an thành phố và các quận, huyện, phòng GD&ĐT các quận, huyện và các sở liên quan nhằm tăng cường công tác quản lý cũng giải đáp thắc mắc của các đơn vị trong quá trình hoạt động.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.