KINH TẾ NÔNG THÔN

Cùng nông dân phát triển sản xuất

.

Để doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) ở nông thôn sản xuất kinh doanh hiệu quả thì sự đồng hành của chính quyền địa phương là không nhỏ. Từ hỗ trợ con giống, quỹ đất hay hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng đã từng bước tạo nên những sản phẩm đặc trưng không chỉ phân bổ trong địa bàn thành phố mà còn có mặt ở mọi miền đất nước.

Nhờ chuyển đổi mô hình nuôi cá thát lát của huyện Hòa Vang, HTX nuôi cá thát lát của anh Cao Văn Tới ngoài cung cấp cá tươi, còn chế biến chả cá cung cấp thị trường các tỉnh. Ảnh: T.V
Nhờ chuyển đổi mô hình nuôi cá thát lát của huyện Hòa Vang, HTX nuôi cá thát lát của anh Cao Văn Tới ngoài cung cấp cá tươi, còn chế biến chả cá cung cấp thị trường các tỉnh. Ảnh: T.V

Sát cánh từ những ngày đầu

Vượt quãng đường hơn 30km, tôi tìm đến ao nuôi cá nước ngọt tập trung của anh Cao Văn Tới tại thôn Phú Sơn 1 (xã Hòa Khương). Vừa cho đàn cá ăn anh Tới vừa tâm sự, gia đình anh gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt (cá trắm, chép, diêu hồng, trê lai) hơn 15 năm trên đất sẵn có. Tuy nhiên, loại cá này doanh thu mang lại chưa cao vì nuôi theo cách thức truyền thống, thiếu kinh nghiệm và quy mô cá thể.

Đến năm 2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai đề án đưa cá thát lát để các hộ dân thay đổi những cá kém hiệu quả nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Anh Tới là người đầu tiên mạnh dạn thay đổi 3ha mặt nước để thả 2.000 con cá giống thát lát. Đồng thời, anh được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố, Hội Nông dân huyện tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, hướng dẫn cách cho ăn, chăm sóc.

Ngoài ra, mỗi tháng chi cục thú y đến kiểm tra chất lượng cá, cung cấp thuốc men. Lứa cá đầu tiên cho lợi nhuận cao, anh Tới quyết định chuyển đổi hoàn toàn sang nuôi cá thát lát. Ước tính mỗi năm anh cung ứng ra thị trường 15-17 tấn cá. Với mong muốn bảo đảm đầu ra ổn định và đạt số lượng lớn, anh liên kết nhiều hộ dân nuôi cá ở các xã lân cận như Hòa Phong, Hòa Phú để thu mua.

Ngoài cung cấp cá thát lát tươi, anh còn sản xuất chả cá để đưa đi các tỉnh khác như Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh… “Tháng 5-2022, tôi quyết định thành lập HTX nuôi cá và đầu năm 2023 sản phẩm cá thát lát được chứng nhận OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm). Đối với tôi đây là niềm vui rất lớn, vì HTX sẽ hướng các thành viên nuôi cá có nền nếp, nâng tính chuyên nghiệp kinh tế tập thể, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ, bảo đảm chi phí vận chuyển, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, sản xuất lâu dài… Để thành công và tiến đến thành lập HTX, phải nói rằng địa phương đã sát cánh cùng chúng tôi từ những ngày đầu như thủ tục pháp lý, đăng ký nhãn hiệu, cung cấp con giống, khoa học kỹ thuật chăm sóc và tiếp cận thị trường. Nếu chúng tôi làm theo kinh nghiệm sẵn có, không bài bản thì khó lòng tạo nên sản phẩm đặc trưng như bây giờ. Sự đồng hành của chính quyền địa phương là điều quan trọng giúp tôi cũng như nhiều hộ dân nuôi cá ăn nên làm ra, cải thiện kinh tế gia đình và góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển”, anh Tới nói.

Đồng quan điểm, anh Lê Anh Tú, chủ cơ sở kinh doanh chè dây Hòa Bắc (thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc) cho biết, ở Hòa Bắc hay xã Hòa Phú có địa hình thuận lợi nên cây chè dây mọc tự nhiên khá nhiều nhưng chưa được đầu tư thâm canh. Vì vậy, khi được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cùng Phòng Kinh tế huyện triển khai mô hình trồng cây chè dây thương phẩm ứng dụng khoa học - công nghệ trên địa bàn xã, anh quyết tâm tham gia. Anh và bà con được tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè, tổ chức theo dõi quy trình trồng và phát triển cây chè mang lại hiệu quả cao. Để phát triển hiệu quả, anh đầu tư diện tích 2ha và liên kết các hộ khác gần 2ha trồng và thu hái chè dây đạt sản lượng lớn. Mỗi năm, anh phân phối gần 4.000 kg chè dây ra thị trường và thu về gần 800 trăm triệu đồng. Qua đó, cơ sở chè dây tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

“Sản phẩm chè dây của tôi đã được công nhận OCOP 3 sao. Đây là kết quả của sự khích lệ, đồng hành của huyện Hòa Vang từ lúc bắt đầu cho đến hiện tại, từ ý tưởng khởi nghiệp và được huyện hỗ trợ các chi phí: xây dựng trang trại, thiết bị máy móc… Không chỉ riêng tôi, nhiều doanh nghiệp, HTX đều ghi nhận sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền từ xã cho đến huyện. Có thể nói đó là nguồn động viên tinh thần giúp tôi cố gắng từng bước tháo gỡ khó khăn, đem đến cho khách hàng thức uống an toàn”, anh Tú hào hứng nói.

Chè dây sau khi thu hái về được chế biến thủ công từ làm héo, sao chè, ủ lên men. Ngoài ra, sản phẩm chè dây hoàn toàn không có chất hóa học, chất bảo quản, được sản xuất chế biến nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGap cùng hệ thống máy móc hiện đại áp dụng tiêu chuẩn ISO, HACCP. Hiện nay, mô hình sản xuất chè dây của anh Hùng là mô hình kinh tế điển hình của xã Hòa Bắc, đã và đang tiếp tục mở ra hướng đi mới cho nông dân sản xuất.

Cũng như anh Tú, anh Tới, nhiều hộ dân xã Hòa Ninh đã chuyển đổi đất canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng bưởi mang lại giá trị kinh tế cao. Người dân trồng bưởi được Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cũng như huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Ninh tổ chức nhiều chương trình, hội thảo, tập huấn trồng bưởi theo kỹ thuật chăm sóc bảo đảm tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước và tham vọng mang đi xuất khẩu. Đến nay, bưởi Hòa Ninh được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp 4 sao và Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận về chỉ dẫn địa lý đối với thương hiệu hàng hóa, chứng chỉ sản xuất an toàn sinh học thân thiện với môi trường. Đồng thời, bưởi Hòa Ninh còn sánh ngang với các thương hiệu như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, bưởi Đoan Hùng… Qua đó, tạo nguồn thu nhập đáng kể để nâng cao đời sống kinh tế cho người dân địa phương. 

Vẫn còn quỹ đất hỗ trợ sản xuất

Ông Nguyễn Sỹ, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 cho hay, HTX hiện có 933 hộ thành viên tham gia, sản phẩm chủ lực là gà vườn đồi, gạo ST 25 và nấm bào ngư, linh chi, đông trùng hạ thảo. Thời gian qua, địa phương hỗ trợ và động viên HTX tiếp tục mở rộng mô hình, triển khai nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, với khát vọng nâng tầm hơn nữa, HTX mong muốn thành lập vùng trồng nấm tập trung cho hơn 6 hộ với diện tích khoảng 4.000-5.000m2.

“Tôi nghĩ nếu được bố trí đất sẽ có nhiều hộ dân tham gia trồng nấm vì mang lại lợi nhuận cao và ổn định cuộc sống cho người dân. Thực tế, những thành viên trồng nấm tại HTX đi tìm thuê đất vì diện tích quá chật nhưng đất lại không đáp ứng đủ điều kiện trồng trọt”, ông Sỹ bày tỏ.

Nói về vấn đề quỹ đất hỗ trợ nông dân sản xuất, ông Trương Tấn Mạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang nêu rõ, để phát triển kinh doanh quy mô thì không thể không bàn đến quỹ đất canh tác. Theo kế hoạch, từ đây cho đến năm 2030, việc quy hoạch sử dụng đất của huyện Hòa Vang ước tính còn khoảng 7.500ha đất sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, nếu các HTX, doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất hay thuê đất canh tác thì trên địa bàn huyện vẫn có đất để tập trung sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Sự ổn định quỹ đất lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp cũng như HTX chuyên tâm sản xuất và sớm định hình thương hiệu chuyên nghiệp hơn.

Ngoài hỗ trợ quỹ đất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có nhiều kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình kinh tế tập thể trong năm 2023 gồm: tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, rà soát nhu cầu của HTX, triển khai thực hiện hỗ trợ xây dựng 1 đến 2 mô hình HTX điển hình kiểu mới, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng HTX (xây dựng kho, máy xay xát, máy đóng gói và mua sắm trang thiết bị...), đầu tư cơ giới hóa phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư thiết bị phục vụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi trên các lĩnh vực (rau, củ quả, hoa, cây cảnh, nấm, cây dược liệu)...

Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nói: “Chúng tôi rà soát có chọn lọc để hỗ trợ HTX theo các chính sách hiện hành về hạ tầng sản xuất, nhà xưởng, máy móc thiết bị, xây dựng và phát triển nhãn hiệu hàng hóa. Huyện chú trọng công tác về cơ chế chính sách quản lý, ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể đã ban hành. Song song, huyện thường xuyên tổ chức làm việc với HTX nhằm giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc, kiến nghị đề xuất”. Trong khi đó, ông Ngô Ngọc Thiện, Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cho rằng, việc hỗ trợ bài bản và có lộ trình là nền tảng để Hòa Vang từng bước hướng đến thành lập liên hiệp HTX cấp huyện trong tương lai.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.