Mở ra không gian mới phát triển cảng biển - logistics

.

Thành phố sẽ đầu tư trung tâm dịch vụ logistics Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) vào quý 4, khởi công dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan vào quý 3 năm nay. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn sau khi cảng Liên Chiểu chính thức khởi công xây dựng (12-2022) một loạt dự án lớn của thành phố có liên quan mật thiết được triển khai thực hiện. Đây là sự đầu tư cho một chu kỳ mới để Đà Nẵng phát triển.

Dự án cảng Liên Chiểu đã được đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 43-NQ/TW đưa Đà Nẵng thành trung tâm logistics, thành phố cảng biển. Ảnh: BÌNH PHÚ
Dự án cảng Liên Chiểu đã được đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 43-NQ/TW đưa Đà Nẵng thành trung tâm logistics, thành phố cảng biển. Ảnh: BÌNH PHÚ

Đà Nẵng đã ghi dấu quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế với ghi chú bản đồ vẽ năm 1787 cho rằng “Vịnh Đà Nẵng có thể tiếp nhận những tàu buôn lớn nhất và là hải cảng rất thuận lợi”. Giai đoạn từ khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tới nay, thành phố có giai đoạn phát triển rất nhanh, trở thành đô thị hiện đại, năng động. Trong đó, vai trò cơ sở hạ tầng và kết nối cảng biển vốn được đầu tư từ hàng trăm năm trước được đánh giá là vô cùng quan trọng. Cảng Tiên Sa phát triển trở thành cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung trong một thời gian dài…

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, việc khai thác hàng hóa qua cảng sớm bộc lộ hạn chế. Nhược điểm lớn nhất là hàng hóa phải vận chuyển qua trung tâm thành phố, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, môi trường du lịch. Ngoài ra, nếu khai thác với quy mô lớn hơn nữa, hậu cần cảng này gặp bất lợi do không thể mở rộng hạ tầng kho bãi.

Trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu thành phố sẽ trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm logistics, thành phố cảng biển. Cùng với đó, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định hệ thống cảng biển Đà Nẵng là lớn nhất khu vực miền Trung. Trong quy hoạch này cảng Liên Chiểu là khu bến chính, đóng vai trò cảng cửa ngõ quốc tế khu vực.

Hiện nay việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu đang được thực hiện để khai thác lợi thế nằm ở vị trí cửa ngõ các tuyến hàng lang kinh tế Đông Tây, nằm gần quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam… Trong tương lai cảng này được kỳ vọng sẽ thành cảng cửa ngõ miền Trung nhờ tích hợp được nhiều phương thức vận tải.

Trong giai đoạn đầu, dự kiến cảng này đáp ứng thông qua lượng hàng 5 triệu tấn/năm để giảm tải cho khu bến Tiên Sa. Với lượng hàng hóa lớn cần thông quan, nhất thiết cần phải có hạ tầng kho bãi lớn để làm hậu cần. Như vậy việc đầu tư trung tâm dịch vụ logistics Hòa Nhơn là sự chuẩn bị cần thiết, bảo đảm tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics.

Theo thông tin, dự án vừa được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì khu vực triển khai trên diện tích 20ha với hệ thống kho bãi rộng lớn, phục vụ cho toàn bộ khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trung tâm hoạt động logistics theo định hướng ICD (Inland Container Depot là cảng cạn - một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế) tích hợp kho ngoại quan, hải quan, kho nội địa, kho phân phối và kho thương mại điện tử, bãi chứa container.

Tiềm năng của dự án này là rất lớn khi triển khai bên cạnh trục cao tốc Bắc - Nam, gần các khu công nghiệp, công nghệ cao của thành phố. Đặc biệt hơn, nếu nhìn từ bản đồ, khu vực triển khai dự án này (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) hình thành góc tam giác đều với hai cảng biển Tiên Sa - Liên Chiểu. Điều này sẽ giúp khai thác tối đa hiệu quả kết nối cảng biển.

Có thể nói, một loạt sự đầu tư mới về hạ tầng cảng biển - giao thông đường bộ - kho bãi là bước cụ thể, thiết thực từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược nêu ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW trong giai đoạn mới. Đồng thời đây là sự đầu tư để Đà Nẵng đi trên con đường trở thành thành phố logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế. Từ đó khẳng định vững chắc vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Dự án trung tâm dịch vụ logistics Hòa Nhơn được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực để khu vực này phát triển trở thành thị xã vào những năm tới. Mở ra không gian mới giàu tiềm năng ở phía tây thành phố. Hy vọng với những sự đầu tư mới này sẽ thực sự tạo nên điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ thành phố trong giai đoạn phát triển mới sau thời kỳ “lấy đất đổi hạ tầng”. Hứa hẹn trong tương lai sẽ mở ra mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho thành phố mà cho cả khu vực.

BÌNH PHÚ

;
;
.
.
.
.
.