Những Giọt Trầm

.

Tôi cố đọc chậm Một Giọt… Trầm (NXB Hội Nhà văn, 2022) của Phạm Phát vì sợ nó… hết. Không chỉ vì đấy là quyển sách hay, đương nhiên, mà cái chính là vì nó xúc động. Rất nhiều chuyện đọc mà mắt mình cứ ngân ngấn, nhiều lần phải gấp sách lại vì mắt kính nhòe đi. Nhiều người đọc Trầm cũng nói với tôi cảm giác như vậy. Hình như không còn là truyện nữa, đó là tấm lòng của một cuộc đời biết giấu vào trong những trăn trở, nhiều khi là những gào thét dữ dội, mà nếu không gần, thật gần thì khó mà hiểu hết “Ở nhờ trong… nhà mình/ Trái tim đập thoi thóp/ Trong lồng ngực người khác”. Từng truyện cứ như lời thủ thỉ để ngấm vào lòng ta những ân tình, lẽ sống, mà nhiều khi chuyện công danh, tiện nghi vật chất khiến ta dễ quên đi những rung cảm quanh mình. Có thể đó chỉ là giọt mưa lặng lẽ hay từng chút rêu xanh phủ dày khung ngõ vắng; có thể đó là những ngày cuối đời, bỗng một hôm cảm giác mình phải biết ơn, biết ơn chính đôi chân trần đã bước bao nhiêu bước để hoàn thành cuộc đi của một đời người.

 Tác giả Phạm Phát  và tác phẩm Một Giọt… Trầm (NXB Hội Nhà văn, 2022) Ảnh: M.Đ.L
Tác giả Phạm Phát và tác phẩm Một Giọt… Trầm (NXB Hội Nhà văn, 2022) Ảnh: M.Đ.L

Sách có hai phần (300 trang). Phần đầu thơ (“Một giọt…”, 119 trang), phần sau truyện và ký (“Trầm”), mà anh nói với tôi khi tặng sách: “Mình tập hợp chọn in lại một số bài gửi bạn bè đọc cho vui”. Tôi hiểu "cho vui" là những lắng đọng tinh tuyển gần một đời viết lách của anh, mà anh viết khá sớm (từ giữa những năm 60) cho đến gần đây. Đọc hết quyển sách cảm giác không phải là để "cho vui", ngược lại nó đầy trăn trở, tự hỏi. Tôi hiểu anh hơn về những điều anh viết và cả những điều anh không viết, những cảm xúc rất riêng, rất nhỏ, quen thuộc vậy mà cứ da diết, lạ lùng. Nếu không trải qua, không tinh mắt cảm đời thì khó chạm đến chân trời văn chương. Đọc Phạm Phát, ta cảm hơn về những buồn và vui phận người, của quê hương trong khói lửa chiến tranh cũng như những điều chưa vừa ý trong hòa bình.

Văn tức là người. Một Giọt… Trầm nhẹ nhàng, điềm đạm mà ý tứ như chính con người anh. Cảm giác chung là rất buồn, từng chữ như quấn lấy lòng mình mà buộc lại, mà căng ra để thấm hơn về những sự mất mát buồn đau. Bạn cùng đơn vị, hành quân chẳng may bị sẩy chân giữa dòng lũ dữ “chỉ kịp ối một tiếng”, bạn mất không tìm được, đơn vị phải “Ghép nứa làm áo quan/ Khâm liệm người tưởng tượng/ Gỗ vụn thay trầm hương/ Nghi ngút làn khói mượn” (Đám tang giữa mùa lũ). Bài thơ được nhiều người thích, bởi cảm xúc sâu lắng nhưng cô đọng, hình ảnh và nhất là rất thật. Cái thật ngời lên từ tình bạn.

Một Giọt… là thu hoạch có phần muộn mằn của anh, là sự chưng cất của ngày, của đêm, của gỗ trăm cây tụ lại thành trầm, của những số phận long đong hay của chính mình qua từng đêm tự vấn: “Ngày đi qua cuộc đời thường/ Đêm về làm nhện ngậm buồn giăng tơ/ Ai dồn chi những vu vơ/ Để mình thành nhện bâng quơ giăng mình”. Con người như anh viết, mỗi ngày già đi, cũ đi nhưng cuộc sống lại mỗi ngày thêm mới. Con đường, ngôi nhà từng ngày thay đổi theo hướng hiện đại, tối tân hơn.

Đó là điềm mừng cho cuộc sống, nhưng trong khi hối hả làm mới ấy, nhiều khi ta lại quên mất chính mình, thờ ơ với kỷ niệm, ta không bận tâm vì một áng mây trời, một chút xanh của dòng sông trong chiều vắng, một búp hoa mai nở muộn, một ánh mắt nhìn, một tiếng chuông chùa, một Trăng ra khỏi phố trăng gần quá… những điều bình thường nhưng chính nó làm ta giàu có nội tâm, giàu có tâm hồn hơn. "Mắt cửa Hội An cả đời không nhắm/ Đã nhìn ai là nhìn đăm đắm/ Mắt người buồn hiu trong hẻm phố nghèo/ Ngày tôi đi, thổn thức nhìn theo…”.

Mỗi người một số phận, có thể vừa ý và cũng rất nhiều cái không vừa ý, nhưng trước cuộc đời, anh không thể dửng dưng, bởi cái mắt cửa ấy đang từng giây từng phút ngó anh, đang đăm đắm theo anh. Trong các sự chai cứng ở đời, đáng sợ nhất là sự chai cứng lòng trắc ẩn. Đọc thơ anh ta thấy hiển hiện tấm lòng sẻ chia với những thân phận khó nghèo, những phận đời cơ khổ còn nhiều ở quanh ta “Thôi đừng hỏi nữa mà đau/ Cứ nhìn nét mặt dáng đi thì biết”. Đó là dáng đi của người bán vé số, từng ngày mang niềm hy vọng mong manh như một lời hứa xa xôi trần thế, mà có lẽ người bán cũng chẳng bao giờ tin vào những mẩu giấy như lá bùa phù thủy hứa hẹn vận may “Những người bán vé số/ Mòn vẹt dép trên các vỉa hè số phận/ Đang ngày ngày /Lận đận… rong chơi”.

Hai-kư là một thể thơ ngắn xứ Phù tang, có cách đây hơn 5 thế kỷ. Thỉnh thoảng tôi đọc trên Văn nghệ một số bài hai-kư nhưng thú thật không mấy thích, nó có cái gì xa xôi và trúc trắc, lạ lẫm với thi pháp lục bát vốn quen thuộc. Chỉ đến khi đọc 70 bài không đề hai-kư trong Một Giọt... mới cảm thấy cái sâu lắng, độc đáo trong cái sự lạ kia. Phạm Phát đã làm được việc đính chính cho người đọc, ngoài thơ kiểu Pháp, kiểu thất ngôn tứ tuyệt (Trung Quốc), còn có một kiểu thơ không niêm luật khắt khe, không gieo vần bằng trắc nhưng phải kiệm lời mà hàm ý.

Chỉ trong ba dòng, thường không quá 16 chữ mà nói lên được sự rung động trước thiên nhiên, mượn thiên nhiên để nói lên cái ý sâu xa, nhiều khi rất triết lý, rất thiền. Dĩ nhiên thơ nào mà chẳng đòi hỏi ít lời nhiều ý, nhưng với hai-kư cái kiệm lời nhưng phải đủ lời, chỉ một vài khung ảnh, một vài nét chấm phá hiện thực mà rút ra cái tình, cái ý nghĩa nhân sinh cuộc đời: "Mấy chục năm trận mạc/ Mấy thế hệ máu xương/ Một tuần hương".

Xúc động bởi đây không chỉ là hoài niệm, cũng không phải là sự phân trần đạo lý xa xôi, nhưng đọc xong ta cảm thấy bồi hồi, ray rứt về một câu chuyện rất dài của sự hy sinh và nỗi nhớ đồng đội của một người nấu cơm cho tiểu đội: “Một đời anh nuôi/ Về hưu cứ nhớ/ Những nắm cơm thừa sau trận đánh”. Phần cơm còn thừa ấy không phải do ăn không hết, mà vì có người không về sau trận đánh. "Từ mặt trận về/ Ôm nhau không chặt/ Tay áo thừa bay trong gió chiều". Buồn, nhưng đó là sự nhắc nhở cho hôm nay, khi những tha hóa vẫn dẫy đầy. Tôi đọc đâu đó có ý này: hồi chiến tranh, cán bộ mình ngồi hầm bí mật, địch đi xăm. Ngồi dưới hầm một tay cầm vũ khí, một tay cầm cái khăn, khi lưỡi lê thọc xuống nhỡ đúng người mình, cán bộ nắm nhẹ lấy lưỡi lê. Để làm gì? Để cho sạch máu, khi địch rút lê lên không phát hiện có người!

Phạm Phát sinh năm 1933 tại làng Kim Bồng, Hội An (Quảng Nam), hiện sống ở Đà Nẵng. Học trung học Lê Khiết (Quảng Ngãi), đi bộ đội, năm 1954 ra Bắc. Năm 1959 học Đại học Sư phạm (Hà Nội), tốt nghiệp về công tác tại báo Người Giáo viên nhân dân. Năm 1970 dạy chuyên văn trường cấp III Thái Phiên (Hải Phòng), năm 1973 vào Nam (Ban Giáo dục khu 5). Năm 1975 cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng và Chính phủ, sau chuyển sang Văn phòng đại diện Ban Khoa giáo Trung ương tại miền Trung. Năm 1977 Phó trưởng ban Khoa giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng; Năm 1983 Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo; Năm 1990 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1997 nghỉ hưu.

Logic của hình tượng nhiều khi phải bắc qua một thứ cảm nhận không logic, nhưng đó chính là cái hay của thơ. Hoa sữa thơm nồng nàn trong câu hát làm say đắm biết bao thế hệ, nhưng lạ là nó không thể nào trở nên quyến rũ ở xứ Quảng này. Vì sao? “Thơm cũng thơm vừa thôi, sữa ơi”. Cái gì quá cũng thường bất cập, dù nó là mùi thơm. Mà cần chi nhiều, cái quý là ở sự tinh túy. Biển một đại dương, muối cũng một đại dương nhưng làm nên ý nghĩa là một giọt nhỉ. Cá cũng chỉ là cá thôi, muối cũng chỉ là muối thôi, nhưng tạo ra điều để người khác nhớ là khi ta biết chưng cất cho đủ chín tháng mười ngày để có cái thứ ngon thơm, nhỉ ra từ cá và muối. Cuộc đời này cũng vậy, ai cũng sống, cũng tất bật mưu sinh nhưng người ta chỉ nhớ những nước mắm nhỉ riêng mình. Những gần xa thế sự đủ để cho ai đau đời mà thấm thía lẽ đúng sai: “Đời đã buồn/ Trách cái lọ/ Giữ chi mấy cành hoa héo”.

“Trầm” - gồm 20 truyện, ký. Hầu hết viết về những người thân thuộc, gần gũi của tác giả. Đó là quê ngoại, là những ruột thịt máu mủ, vài chuyện về những người cùng thời làm việc, nhiều chuyện diễn ra ở thời điểm mới giải phóng, khi bom đạn chiến tranh vừa chấm dứt nhưng vết thương chưa lành, nỗi đau mấy mươi năm dồn lại, bỗng mưng ra theo một cách khác... Cuộc can qua quá khắc nghiệt, khi sum họp người ta càng thấy mênh mông sự mất mát. Người đọc dễ nhận ra cái tình sâu nặng trong những câu chuyện đó, có lẽ ít hư cấu, rất nhiều chi tiết người thật, tình huống thật.

Phạm Phát kể với một thái độ trầm tĩnh, rút ruột mà viết như để trả nghĩa sinh thành, như để bày tỏ lòng cảm ơn cuộc sống đã hào phóng ban phát cho anh những con người đôn hậu, cực kỳ thương nhau, mà anh như ngọn lửa quần tụ nghĩa tình. Chuyện người cha từ Hội An vượt hàng trăm cây số, vừa đi ghe, vừa đi bộ hằng tuần để đến nơi đóng quân của con - là anh - tận trong Phù Cát. Tưởng là chuyến đi mò kim đáy bể, vậy mà người cha nghiêm khắc nhưng chứa chan tình cảm ấy tìm được thằng con giữa những ngày chộn rộn chuẩn bị tập kết, bởi vì “hòn máu của tôi thì tôi phải tìm được”. Người thật, việc thật nhưng không rơi vào kể lể, sắp đặt sáo mòn. Ngồn ngộn chi tiết, sống động mà chỉ ai biết quan sát, biết nhớ mới viết được. Đọc Phạm Phát tôi nhận ra điều này: phải rất thương, rất nghĩ, với một tấm lòng nhân hậu mới có thể nhớ và viết về người thân của mình hay đến như vậy.

Những câu chuyện ấm áp ân tình nhưng không phải chỉ là chuyện đọc qua. Nhiều chỗ khiến mình suy nghĩ về thời thế, về sự đối nhân xử thế. Văn hóa là sự ứng xử với nhau sao cho có cái tình, cái nghĩa. Cha con, anh em, thầy trò, bạn bè… nếu mình biết nghĩ đến người khác, thì cuộc sống đẹp hơn biết bao. Hai mươi câu chuyện là sự trở về, là tiếng lòng của một tâm hồn trắc ẩn, đọc mà nghĩ, mà trăn trở khi nỗi buồn và niềm vui, nhiều khi không phải nhẹ nhàng. Có những chỗ đọc mà xốn xang: hai anh em bà con, khi tuổi thơ “chơi đùa vô tư trong những trận giả, vậy mà có ai ngờ mấy năm sau đó, số phận đưa đẩy anh em chúng tôi về hai phía trong một trận thật. Và trong cái trò chơi đẫm máu này, đã chết là chết, sờ sờ bát hương đây”. Từ cái trận giả đến cái trận thật là số phận con người, số phận dân tộc.

Có nhiều bài viết về những người làm việc cùng thời, nhưng chắc ít ai khắc họa được tính cách của bạn mình như Phạm Phát viết về Mai Thúc Lân. Anh Phát thật ra không phải là bạn kiểu bằng vai phải lứa với người bí thư nổi tiếng ấy, nhưng “như một cơ duyên” hai người hiểu và quý nhau. Sống mà được bạn viết về mình như vậy không phải ai cũng có được. Bài ngắn nhưng nhiều chỗ gởi gắm ý tứ sâu xa “với người lãnh đạo là trước cái đáng khóc, khóc không lợi, không khóc; trước cái đáng cười, cười không lợi, không cười”. Tôi nghiệm thấy đúng và cần. Tôi hiểu và thương anh Lân nhiều hơn sau khi đọc “Anh Lân ơi, tết này…”.

Một chiều nguyên tiêu, chuyện đã nhiều, chia tay anh nói nhỏ: “Nguyên Ngọc lớn hơn mình một tuổi, Nguyễn Đình An nhỏ hơn mình một tuổi…”. Tôi về trong đau đáu những người Quảng Nam, nay quá chín mươi đã làm nên một thế hệ lẫy lừng văn chương và nhân cách. Họ là những giọt trầm. Trên chín mươi già bảo: "Trời cho ta biết xấu hổ/ Mà sống lâu".

6-3-2023

MAI ĐỨC LỘC

;
;
.
.
.
.
.