TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH

Bước đệm thoát nghèo

.

Trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội trở thành động lực quan trọng, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.

Với 100 triệu đồng vốn vay từ chương trình thoát nghèo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, quầy hàng tạp hóa tại chợ Yến Nê của chị Nguyễn Thị Hạnh được đầu tư thêm hàng hóa, việc bán buôn thuận lợi đã giúp chị có nguồn thu nhập ổn định để nuôi các con ăn học. Ảnh: K.H
Với 100 triệu đồng vốn vay từ chương trình thoát nghèo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, quầy hàng tạp hóa tại chợ Yến Nê của chị Nguyễn Thị Hạnh được đầu tư thêm hàng hóa, việc bán buôn thuận lợi đã giúp chị có nguồn thu nhập ổn định để nuôi các con ăn học. Ảnh: K.H

Ở kiệt 291 Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) không ai không biết đến hành trình vươn lên vượt nghèo của gia đình chị Lý Thị Thanh Cường (48 tuổi). Sinh 4 người con trong khi thu nhập của hai vợ chồng chị Cường không ổn định, chồng hành nghề lái xe ôm còn chị làm giúp việc theo giờ nên cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau.

Chị kể, ngôi nhà đầu tiên được hai vợ chồng cất từ những viên gạch, xe cát đi xin của các gia đình trong khối xóm khi họ di dời, giải tỏa. Nói “nhà” cho sang, chứ thực ra chỉ là túp lều có tường bao quanh, còn mái nhà được lợp bằng cót. Những hôm trời mưa gió, phải lấy áo mưa trùm trên mùng chống muỗi để nằm ngủ không bị ướt. Khó khăn, vất vả trăm bề nhưng với vợ chồng chị Cường, nỗi lo cơm áo không đáng sợ bằng nỗi lo các con không được ăn học đến nơi đến chốn, dễ hư hỏng.

“Mỗi lúc nhìn các bạn đồng trang lứa của con đủ đầy vật chất, được bố mẹ chăm chút từ chuyện ăn uống, học hành rồi nhìn sang con mình lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, tôi xót xa, buồn khổ lắm. Không ai mong muốn sinh ra trong hoàn cảnh khốn khó, vợ chồng tôi cũng chăm chỉ làm lụng, ngày nghỉ, các con tôi cũng đi làm thuê ở quán ăn, đi làm phụ hồ để có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình. Vậy nhưng, cái nghèo cứ bám riết không buông. Có khi tôi chán nản, chỉ muốn buông xuôi tất cả nhưng nhìn thấy các con ngoan ngoãn, lớn lên từng ngày, tôi lại có thêm niềm tin và động lực để cố gắng”, chị Cường rơm rớm nước mắt khi nhớ lại quảng thời gian đầy khó khăn.

Trước hoàn cảnh gia đình chị, các cấp, ngành chức năng ở quận Thanh Khê luôn quan tâm, hỗ trợ các chính sách giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, năm 2019, gia đình chị may mắn vay được số tiền 200 triệu đồng từ nguồn vốn vay nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng ngôi nhà mới khang trang hơn. Kể từ khi có nhà mới, các thành viên trong gia đình chị Cường ai cũng vui mừng, phấn khởi vì có nơi để an cư lạc nghiệp. Ngôi nhà mới không chỉ là nơi chốn đi về an toàn, đầm ấm mà còn tạo thêm động lực để các thành viên trong gia đình nỗ lực phấn đấu hơn.

Quả ngọt có được như ngày hôm nay bắt đầu từ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền ở địa phương cũng như nguồn vốn vay ưu đãi, đặc biệt là chương trình cho vay nhà ở xã hội của Chi nhánh Ngân hành Chính sách xã hội thành phố với lãi suất thấp, thời gian vay dài đã tạo điều kiện cho hộ vay phát triển kinh tế, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, chi tiêu tiết kiệm. “Bây giờ các con tôi đã lớn, có việc làm, thu nhập nên khoản tiền trả nợ không quá áp lực. Hằng tháng còn dôi ra để gửi tiết kiệm phòng khi ốm đau, cưới hỏi”, chị Cường tự tin bộc bạch.

Tương tự, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (47 tuổi) ở tổ 2, thôn Yến Nê 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cũng là một điển hình thoát nghèo nhờ các nguồn vốn chính sách, trong đó có 100 triệu đồng vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại chợ Yến Nê. Trước khi vươn lên thoát nghèo, cuộc sống của chị Hạnh và 3 người con hết sức khó khăn.

Li dị chồng từ sớm, một mình chị Hạnh phải cáng đáng luôn phần việc của người chồng, người cha trong gia đình cũng như chăm sóc các con nhỏ. Từ một sạp hàng bày bán bánh kẹo nhỏ trong chợ Yến Nê, nhờ chăm chỉ, nhanh nhẹn cộng thêm phần may mắn khi được các cấp, ngành chức năng hỗ trợ kịp thời, đến nay, chị Hạnh đã có trong tay quầy hàng tạp hóa kha khá. Bán buôn đắt hàng, chị Hạnh có được nguồn thu nhập ổn định để lo cho các con ăn học.

Qua thực tế tìm hiểu công tác sử dụng vốn vay từ nguồn vốn chính sách xã hội cho thấy, nhiều năm qua, nguồn vốn này đã thành công trong việc nâng đỡ các gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên và hướng đến một cuộc sống đủ đầy hơn. Điều đáng mừng hơn cả là không chỉ cuộc sống gia đình được đổi thay mà không ít thế hệ con em của các gia đình nghèo này đã nỗ lực để có công ăn việc làm, xây dựng được cuộc sống tốt hơn nhờ con đường học vấn.

Từ những nỗ lực và thành quả gặt hái được, nhiều năm qua, chị Cường, chị Hạnh là những tấm gương điển hình về đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, biết sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.