Đà Nẵng thúc đẩy ngoại giao số

.

Ngoại giao số ngày càng khẳng định vai trò, sức mạnh kết nối trong hoạt động giao lưu thương mại, hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, nhất là sau những tác động do Covid-19. Tại Đà Nẵng, từ năm 2020 đến nay, hàng chục buổi làm việc, hội thảo trực tuyến giữa lãnh đạo thành phố với các địa phương, đối tác nước ngoài diễn ra hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng làm việc trực tuyến với Đại học Monash, Úc năm 2021. Ảnh: H.L
Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng làm việc trực tuyến với Đại học Monash, Úc năm 2021. Ảnh: H.L

Theo ông Trần Hiếu, Giám đốc Trung tâm Phục vụ đối ngoại (thuộc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng), ngoại giao số được bắt đầu nghiên cứu từ đầu thế kỷ XXI, khi internet trở nên phổ biến trong đời sống xã hội. Khái niệm ngoại giao số đầu tiên là “việc sử dụng internet và công nghệ thông tin truyền thông nhằm triển khai các mục tiêu đối ngoại” do học giả Fergus Hanson thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách Úc đưa ra. Sau này, khi mạng xã hội phát triển và các thành tựu công nghệ vượt quá sự dự đoán của con người, ngoại giao số từ chỗ được định nghĩa như một công cụ ngoại giao, nay ngày càng đảm nhận vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của các quốc gia.

Công nghệ số tạo điều kiện cho nhiều chủ thể khác nhau như tổ chức quốc tế, chính quyền địa phương, cá nhân… tham gia vào hoạt động ngoại giao, vốn trước đây là lĩnh vực gần như độc quyền của Nhà nước. Theo ông Hiếu, ngoại giao số giúp các chủ thể kết nối với nhau dễ dàng hơn, bất chấp khoảng cách địa lý. Ngoài ra, ngoại giao số hỗ trợ tích cực phương thức ngoại giao công chúng nhờ khả năng tiếp cận thông tin, tương tác nhiều và minh bạch hơn.

Hiện nay, ngành ngoại giao Việt Nam triển khai một số biện pháp như tăng cường sử dụng mạng xã hội và các nền tảng số để tham gia vào công tác thông tin đối ngoại, tổ chức sự kiện đối ngoại, hội nghị kết nối doanh nghiệp, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch… dưới hình thức trực tuyến.

Tại Đà Nẵng, năm 2020, thành phố ký kết thành công bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với thành phố Gold Coast, bang Queensland (Australia) thông qua buổi làm việc trực tuyến. Tính đến nay, thành phố đã ký kết 3 bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác với bang Queensland, bang Nam Úc và thành phố Gold Coast. Trong đó, nội dung hợp tác tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghệ, giao lưu văn hóa…

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định, Chính phủ Australia có nhiều dự án hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng phát triển sau Covid-19. Do đó, ngoài những cuộc gặp trực tiếp, thành phố thường xuyên giữ mối quan hệ song phương thông qua phương thức làm việc trực tuyến giữa các địa phương. Australia có thế mạnh trong phát triển công nghệ thông tin, công nghệ cao, các lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và đây cũng là những lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa Đà Nẵng và các địa phương Australia nói chung, thành phố Gold Coast nói riêng trong thời gian gần đây.

Cuối tháng 3-2023, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia phối hợp UBND thành phố, các doanh nghiệp tổ chức chuỗi hội thảo Xúc tiến thương mại giáo dục, văn hóa và ẩm thực Australia - Việt Nam với sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội và cơ quan của Australia và Việt Nam.

PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, hiện Đại học Đà Nẵng đang hợp tác các trường đại học uy tín của Australia như: Đại học Queensland, Đại học Monash, Đại học Tây Úc, Đại học La Trobe… Đặc biệt, từ năm 2021, Đại học Đà Nẵng tổ chức nhiều buổi làm việc trực tuyến với đại diện lãnh đạo các trường đại học Australia nhằm duy trì mối quan hệ hợp tác, trao đổi, đề xuất ý tưởng, giải pháp, tập trung vào các nội dung chính như hợp tác đào tạo sau đại học, đồng hướng dẫn tiến sĩ, trao đổi sinh viên, phối hợp tổ chức các sự kiện, hội thảo khoa học quốc tế…

"Trong định hướng giáo dục đào tạo, chúng tôi chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó tranh thủ các buổi làm việc trực tuyến với đại diện các trường đại học trên thế giới nhằm đi đến thống nhất chung cũng như giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quan hệ hợp tác. Hiện nay, Đại học Đà Nẵng luôn xem Australia là đối tác quan trọng hàng đầu trong chiến lược hợp tác quốc tế lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, kinh doanh, y - dược, khoa học xã hội và nhân văn”, PGS. TS Lê Quang Sơn cho biết.

Đặc biệt, Đà Nẵng thường xuyên giữ mối liên hệ, kết nối với cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng (thông qua Facebook Connecting Danang Worldwide), hình thành nhiều đường dây nóng bằng các ngôn ngữ Anh, Nhật, Trung, Hàn để tiếp nhận, giải quyết cũng như hỗ trợ người nước ngoài và kiều bào gặp khó khăn trên địa bàn thành phố.

Ông Trần Hiếu cho rằng, để tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ngành đối ngoại thành phố đứng trước yêu cầu tiếp tục vận dụng hiệu quả ngoại giao số phục vụ mục tiêu đối ngoại. Để làm được điều này, thành phố cần tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, xây dựng và đào tạo đội ngũ công chức, viên chức ngoại giao có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng thông thạo công cụ số và có kỹ năng phân tích, đánh giá thông tin. Đồng thời, chú trọng an toàn không gian mạng, triển khai có hiệu quả đề án tổng thể về công tác ngoại giao kinh tế Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đối ngoại văn hóa thành phố giai đoạn 2021-2025 cũng như tích cực, chủ động kết nối, xúc tiến hợp tác song phương, đa phương theo chiều sâu, xây dựng chiến lược hội nhập và hợp tác quốc tế Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan trọng hơn, cần nhận thức rõ ngoại giao số không thay thế hoàn toàn ngoại giao truyền thống mà bổ trợ, song song, bởi ngoại giao số cũng có những hạn chế nhất định trong việc xây dựng lòng tin, chuyển tải thông điệp hoặc chia sẻ các nội dung nhạy cảm do lo ngại về tính an toàn, bảo mật.

Từ sau Covid-19, Đà Nẵng chủ động xúc tiến, tham gia nhiều sự kiện trực tuyến như hội thảo “Hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore: Tiềm năng phát triển của Đà Nẵng” (2021); hội thảo “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Cơ hội, tiềm năng và cách tiếp cận mới” (2021); giao lưu trực tuyến “Salo - Danang & Friend” (Salo - Đà Nẵng và Những người bạn, 2020); gặp gỡ trực tuyến giữa Chủ tịch UBND thành phố và Thị trưởng thành phố Pittsburgh Hoa Kỳ (2020); nhiều cuộc họp giữa Đà Nẵng và thành phố Boras Thụy Điển nhằm triển khai dự án “Giáo dục khoa học vì sự phát triển bền vững” tại thành phố Đà Nẵng (dự án hợp tác giữa hai thành phố do Trung tâm quốc tế về dân chủ địa phương Thụy Điển (ICLD) tài trợ với tổng kinh phí tương đương 3,7 tỷ đồng) và các cuộc làm việc trực tuyến giữa Chủ tịch UBND thành phố với Thị trưởng thành phố Sakai Nhật Bản các năm 2021, 2022, 2023…

Nguồn: Sở Ngoại vụ Đà Nẵng

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.