Dấu xưa, tích cũ

.

Về Hòa Vang vào những ngày tháng tư lịch sử, hồn dân tộc dường như vẫn còn đồng vọng qua những văn bia, đền chùa, miếu mạo và các di tích văn hóa lịch sử ngàn xưa để lại. Có những dấu tích đã phai mờ nhưng qua thư tịch và những câu chuyện dân gian truyền lại, những dấu tích bao đời của ông cha cứ hiện ra trước mắt, đưa ta về với cội nguồn dân tộc.

Văn chỉ La Châu. Ảnh: Đ.H.L
Văn chỉ La Châu. Ảnh: Đ.H.L

Hiện nay trên địa bàn huyện có 33 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia và 27 di tích cấp thành phố. Với sự quan tâm đặc biệt đối với công tác bảo tồn di tích, trong thời gian qua, huyện đã đầu tư và tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của địa phương, bước đầu khai thác tốt các giá trị di tích để phục vụ phát triển du lịch và giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

Như Quốc Tử Giám thu nhỏ

Chúng tôi trở lại thôn Gò Hà vào ngày Tết Thanh Minh và được nghe các cụ trong thôn bàn về lễ Tế cúng tri ân các bậc tiền bối vào ngày rằm tháng 3 âm lịch tại Văn chỉ La Châu. Lễ cúng này được người dân địa phương duy trì từ bao đời nay để ghi nhớ công ơn của danh nhân, tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh và các danh nhân khác có công đóng góp xây nên Văn chỉ La Châu. Trải qua hàng trăm năm, Văn chỉ La Châu giờ đây trở thành điểm đến có giá trị văn hóa và lịch sử cho con cháu trong làng viếng thăm và học tập.

Theo chân ông Trần Văn Hoành, chuyên viên văn hóa xã Hòa Khương, chúng tôi lần về Văn chỉ La Châu khi đi qua một cánh đồng làng lộng gió và yên bình nằm giữa thôn Gò Hà. Những dấu tích thời gian dường như vẫn còn in dấu trên các văn bia cổ còn lưu giữ của các vị nho sĩ trong làng. “Di tích này không chỉ là một thiết chế văn hóa - tín ngưỡng đơn thuần mà là một biểu tượng về truyền thống Nho học của nhân dân Hòa Vang, đặc biệt là làng La Châu xưa, gắn với cuộc đời và sự nghiệp của vị khoa bảng Đỗ Thúc Tịnh - người đỗ tiến sĩ đầu tiên và cũng là duy nhất của huyện Hòa Vang thời phong kiến”, ông Trần Văn Hoành tự hào giải thích.

“Những giá trị văn hóa truyền thống vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của người dân Hòa Vang. Đây chính là tiềm năng, nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nhận thức được điều này, trong những năm qua, ngành văn hóa đã tham mưu UBND huyện triển khai đồng bộ công tác về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua công tác truyền dạy di sản trong nhà trường, tổ chức các CLB. Tuy nhiên, đối với các di tích chưa được xếp hạng hiện nay, nguồn tư liệu, thông tin rất ít và bị thất lạc; những người nắm thông tin về di tích thì già yếu và phần lớn đã mất, do đó, để lập được hồ sơ khoa học của một di tích đòi hỏi phải tốn rất nhiều thời gian nghiên cứu, điều tra, sưu tầm”.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang

Tích xưa kể lại rằng, Văn chỉ La Châu được khai dựng trong bối cảnh Nho giáo đang thời thịnh trị và vùng đất xứ Quảng đã xác lập vị trí nổi bật trên bản đồ khoa cử Nho học thời Nguyễn.

Theo văn bia khắc ngày 16-2 năm Tự Đức thứ 5 (1852), cho biết bấy giờ công trình vừa được xây dựng hoàn thành nên lập bia vĩnh truyền hậu thế dưới sự vận động, chủ trương của tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh. Nhờ uy tín của vị đại khoa Đỗ Thúc Tịnh nên được đông đảo quan lại lý dịch, trí thức, dân chúng không chỉ thuộc nội huyện Hòa Vang mà còn cả khu vực khác ủng hộ.

Tuy nhiên, công trình chỉ tồn tại được hơn 30 năm thì bị giặc Pháp hủy hoại (1885), do chúng nghi ngờ có liên quan đến phong trào Cần Vương, tức phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. Sau đó, chính quyền phong kiến và nhân dân địa phương trùng tân, tái dựng vào các năm: Thành Thái thứ 17 (1905), Khải Định thứ 4 (1919). Trải qua hai cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp (1945-1954) và Mỹ (1954-1975), công trình văn hóa đặc biệt này tiếp tục bị tàn phá. Cho đến năm 1969, Văn chỉ La Châu bị hủy hoại hoàn toàn. May thay, những văn bia do tiền nhân tạo lập vẫn còn sót lại và được nhân dân, chính quyền địa phương gìn giữ mãi đến hôm nay.

Với ý nghĩa của Văn chỉ La Châu, thời gian qua, nhiều cấp hội đoàn thể, địa phương xem di tích này như một nơi để giáo dục truyền thống hiếu học. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Em, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Gò Hà cho biết, hằng năm, các trường học và Đoàn Thanh niên thường đến đây kết nạp đoàn viên, đội viên và trao học bổng cho học sinh học giỏi, những em đỗ đạt cao hay trúng tuyển đại học để khơi dậy tinh thần hiếu học của con cháu trong thôn, trong xã. “Nơi đây còn diễn ra các lễ vinh danh người đỗ đạt của xã và huyện, cũng như các sinh hoạt cúng bái của sĩ tử nhằm cầu mong sự thành tài trong con đường học vấn. Văn chỉ La Châu giống như một Quốc Tử Giám thu nhỏ vậy. Đặc biệt, xã Hòa Khương còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời Đỗ Thúc Tịnh và thi kể chuyện nêu gương về thân thế sự nghiệp của danh nhân, tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh để thế trẻ và nhân dân học tập”, ông Trần Em tự hào kể.

Hiện nay, Văn chỉ La Châu đã được UBND thành phố xếp hạng Di tích cấp thành phố. UBND thành phố thông qua việc triển khai dự án phục hồi và phát huy giá trị Văn chỉ La Châu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Ông Nguyễn Kế Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết, hiện Ban Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản huyện Hòa Vang phối hợp đơn vị tư vấn và địa phương lấy ý kiến đầu tư Văn chỉ La Châu. Sau khi hoàn thành, di tích này sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa - tinh thần của người dân địa phương và tuyên truyền cho các thế hệ trẻ về đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “tôn sư - trọng đạo”… của cha ông bao đời nay. Nơi đây sẽ là điểm tham quan đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu về văn hóa lịch sử và qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.

Sớm phục dựng và tổ chức lễ hội rước Mục đồng

Nằm ở thôn Phong Nam (xã Hòa Châu), đình Thần Nông (hay còn gọi là đình Phong Lệ) từ lâu đã trở thành một địa chỉ hấp dẫn du khách khi đến tham quan làng cổ. Ngôi đình được xây dựng vào cuối đời vua Minh Mạng bằng tranh tre nứa lá. Đến năm 1933, thực dân Pháp xây dựng đường sắt ngang qua trước mặt đình nên dân làng di dời đình về vị trí hiện nay.

Lễ hội rước Mục đồng ở làng Phong Lệ. (Ảnh tư liệu)
Lễ hội rước Mục đồng ở làng Phong Lệ. (Ảnh tư liệu)

Đình Thần nông chính là trung tâm diễn ra các hoạt động trong lễ hội rước Mục đồng diễn ra vào ngày mồng 1 tháng tư âm lịch. Đây là lúc thời tiết nắng ráo, mùa màng tạm xong, người nông dân trong làng có thời gian nông nhàn để tham gia vào các lễ hội. Lễ rước kiệu Thần Nông sẽ dạo quanh cánh đồng làng Phong Lệ. Tham gia lễ rước có hai hàng cờ, mỗi hàng 13 cây kèm theo cờ của làng, cờ các chư phái tộc và các loại lồng đèn. Làng chọn 52 mục đồng mạnh khỏe, luân phiên cứ 2 người thay nhau cầm 26 cây cờ Mục đồng và cờ làng.

Trong lộ trình rước Thần, cờ Mục đồng đi sau kiệu Thần nông, kèm trước và sau là hai hàng lồng đèn và hai hàng giáo mác. Tiếp theo là đàn trẻ em chăn trâu, mặt mày lúc nào cũng tươi vui. Lễ rước Thần Nông dạo đồng Phong Lệ được tiến hành suốt cả ngày nhưng đông vui hơn là vào ban đêm. Người Phong Lệ quan niệm rằng, vào ban đêm thanh vắng, việc rước thần dạo đồng sẽ thuận lợi hơn, đám ruộng nào may mắn được thần dạo qua, năm ấy chắc chắn sẽ được mùa bội thu.

“Cùng với quá trình phát triển của thành phố Đà Nẵng, từ bao đời nay Hòa Vang luôn được coi là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, hệ thống di tích lịch sử và ẩm thực truyền thống phong phú đã hình thành và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng đặc sắc, trong đó 33 di tích lịch sử đã được công nhận. Mỗi di tích có giá trị đặc trưng riêng, khi tổng hòa các giá trị riêng đó chính là bản sắc chung của văn hóa, con người nơi đây”.

Ths. KTS Nguyễn Xuân Trung, Khoa Kiến trúc, Đại học Bách khoa Đà Nẵng

Lễ hội rước Mục đồng được tổ chức dưới thời phong kiến đến năm Bảo Đại thứ mười một (năm 1936). Mặc dù trong những năm chiến tranh, làng không có điều kiện tổ chức lễ hội nhưng hằng năm vẫn tổ chức cúng tế đình Thần Nông. Ông Ngô Văn Xí, Trưởng thôn Phong Nam cho biết, sau 70 năm gián đoạn, lễ hội rước Mục đồng đã được phục dựng vào năm 2007 với sự tự nguyện đóng góp công của và sự hỗ trợ của Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng.

Năm 2010, lễ hội rước Mục đồng lần thứ 2 được tổ chức với sự phối hợp của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và được 17 chư phái tộc của làng tổ chức lần thứ 3 vào năm 2014. Từ đó đến nay do nhiều yếu tố khách quan, lễ hội rước Mục đồng không được duy trì và đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Hiện đình Thần nông đang nằm trong khuôn viên Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh, diện tích giữa các bên không có ranh giới rõ ràng, cảnh quan bị xâm hại nên rất khó khăn trong công tác chăm sóc, bảo vệ. Bên cạnh đó, đình được xây dựng gần 90 năm nay nên xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu, tôn tạo để tạo nơi tôn nghiêm của di tích. Đặc biệt, lễ hội rước Mục đồng gắn với di tích Đình Thần nông, là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Phong Lệ. Đây chính là di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá cần được giữ gìn, phát huy trong tiến trình phát triển của xã hội.

Theo Đảng ủy xã Hòa Châu, vừa qua đại diện UBND thành phố và huyện Hòa Vang đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã để khảo sát tình hình thực tế tại di tích, qua đó chính quyền và người dân thôn Phong Nam mong muốn thành phố sớm quan tâm đầu tư, nâng cấp ngôi đình để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội Mục đồng, đồng thời giải quyết nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Phong Lệ.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Hòa Vang, từ năm 2020 đến nay, sở tham mưu UBND thành phố xếp hạng 5 di tích cấp  thành phố và đang tiếp tục tiến hành chỉnh lý 5 hồ sơ khoa học di tích trên địa bàn huyện, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia gồm đình Túy Loan, Khu Căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang và nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng; 2 di tích cấp thành phố gồm đình Xuân Lộc, đình Phước Thuận. Thời gian tới, sở giao Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng kế hoạch lập 4 hồ sơ khoa học cho các di tích trên địa bàn huyện đáp ứng đủ tiêu chí xếp hạng để trình UBND thành phố xem xét, công nhận di tích cấp thành phố, cụ thể: Khu di tích đồi Trung Sơn, đình Cẩm Nê, nhà thờ tiền hiền Quan Châu và 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là nghề làm bánh tráng Túy Loan.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.