Mặt lạnh lùng, cánh tay dứt khoát với dáng hằn học chưa nguôi, Jonathan Khemdee ném chiếc huy chương bạc cùng linh vật màu trắng về phía khán đài. Chẳng biết huy chương và linh vật tội nghiệp kia rơi vào tay ai trong đám người thưa thớt còn kiên trì nán lại sân Olympic ở Phnom Penh sau đêm chung kết bóng đá nam. Có điều, tất cả đều trố mắt ngạc nhiên khi chứng kiến hình ảnh phản cảm này từ một cầu thủ vừa rời bục nhận huy chương dành cho đội á quân. Lẽ nào tuyển thủ Thái Lan không hiểu rằng hành vi của mình chắc chắn làm tổn thương nhiều người, đặc biệt là người dân của nước chủ nhà SEAGames 32 Campuchia?
Sân Morodok Techo - nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 32 tại Phnom Penh. Ảnh: Real Estate |
Khemdee trước đó chính là cầu thủ phải rời sân vì nhận hai thẻ vàng sau lúc vào bóng thô bạo với đối thủ. Anh cũng là người to tiếng đổ lỗi cho trọng tài và chỉ trích đối phương thiếu fair-play trong bàn thắng thứ hai (Ramadhan Sananta lốp bóng vào lưới sau đường chuyền của đồng đội). Trong mắt chàng trung vệ 21 tuổi này, Thái Lan của anh thua trận vì chịu thiệt từ cách điều hành thiếu công tâm. Huy chương với anh, vì thế, chẳng còn ý nghĩa?
Rất nhiều hình ảnh không vui đọng lại trong mắt hàng triệu người xem khắp nơi về trận chung kết bóng đá nam giữa Indonesia và Thái Lan diễn ra tối 16-5. Bằng chiến thắng cách biệt 5-2, Indonesia đoạt huy chương vàng trong trận đấu mà trọng tài người Oman - ông Kassem Matar Al-Hatmi - phải dùng đến 7 thẻ đỏ và 12 thẻ vàng để truất quyền thi đấu và cảnh cáo cầu thủ lẫn thành viên của hai đội vì khiêu khích, ẩu đả gây hỗn loạn kéo dài. Và hình ảnh cầu thủ trụ cột của đội bại trận hằn học ném vứt huy chương cùng biểu tượng của vận hội thể thao Đông Nam Á dường như cô đọng nét buồn muôn thuở của sân cỏ nói riêng, thể thao nói chung, ở khu vực này. Nó phảng phất bóng dáng khó khỏa lấp, còn lâu mới xua tan của một vùng trũng thể thao mà trong đó, thiên hạ cứ chuyên chú ghìm nhau, trì níu nhau quanh quẩn trong cái ao làng cô quạnh hắt hiu. Sự tụt hậu của bóng đá Đông Nam Á, như nhận xét của nhiều chuyên gia, không chỉ phơi bày ở thực lực, trình độ mà còn bộc lộ ở khía cạnh tinh thần, trong cách ứng xử giữa sân bóng và trên khán đài.
Cơ quan điều hành bóng đá châu Á chắc chắn đang xem xét hình thức trừng phạt dành cho hai nền bóng đá này. Đại diện Thái Lan và Indonesia vừa bày tỏ sự hối lỗi vì nền bóng đá nước mình can dự vào một biến cố xấu hổ. Tuy vậy, sự tổn thương mà người hâm mộ gánh chịu từ việc chứng kiến những gì diễn ra trong trận chung kết bóng đá SEAGames thì không thể nguôi ngoai trong một sớm một chiều. Nó nhắc nhớ những chuyện không hay từng xảy ra trong cái “ao làng” này giữa các đối thủ luôn rình rập, níu kéo nhau. Như chuyện cổ động viên ẩu đả trong trận chung kết SEAGames 2011 giữa chủ nhà Indonesia và Malaysia khiến 2 người chết, đội khách phải rời sân với sự hộ tống của xe bọc thép. Rồi chuyện cả Thái lan và Indonesia trong trận đấu ở SEAGames 1998 trên sân Thống Nhất đều giữ bóng giữa sân vì sợ… thắng, sau đó một cầu thủ Indonesia tự sút bóng vào lưới nhà để đội mình thua… Nỗi mong chờ bóng đá Đông Nam Á đi lên, vững vàng thoát khỏi bao vướng bận trì níu để sòng phẳng sánh vai với các khu vực khác, vì thế, ngày thêm vô vọng, mỏi mòn.
Một lễ khai mạc hoành tráng, nhân văn, đượm sắc màu huyền sử mà nước chủ nhà dụng công với nhiều thiện ý dường như không đủ sức khuyến khích nhiều thành viên tham gia vận hội toàn tâm hướng về cái đẹp để góp phần bồi đắp các giá trị thượng võ. Thể thao sẽ dễ nhạt nhòa nếu không giúp con người xích lại gần hơn, hiểu và thương yêu nhau hơn nhằm đương đầu với bao thách thức mới của thời đại. Sẽ càng tai hại nếu chính nó - bằng sự ham hố và kiêu ngạo của con người - lại đẩy con người ra xa…
ĐÌNH XÊ