Dưới chân núi Phước Lý có một làng quê cùng tên, ngày nay thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Trải bao biến cải “bãi biển hóa nương dâu” và thăng trầm của thời cuộc, ngôi làng tựa lưng vào vách núi giờ tuy đã nhiều nét đổi thay nhưng vẫn lưu giữ văn hóa làng xưa giữa đời sống đô thị hiện đại.
Đình làng Phước Lý cũ (ảnh trái) và mới. Ảnh: V.T.L |
20 năm trước, lần đầu tiên đến thăm làng Phước Lý, tôi không khỏi ngạc nhiên khi vùng đất nằm dưới chân núi cùng tên này tuy cách quốc lộ 1A chỉ hơn cây số đường chim bay nhưng đã một thời là “vùng sâu, vùng xa” của phường Hòa Minh. Bấy giờ, giữa cánh đồng bên dãy núi Phước Lý có một ngôi đình nhỏ nhắn như một căn nhà cấp 4, mặt quay về hướng Bắc, vừa được sửa sang, quét tước cho kịp lễ giỗ Tiền hiền năm đó.
Đình quay về hướng Bắc, theo giải thích của các vị cao niên trong làng, là do tổ tiên chọn để tưởng nhớ đến quê hương nguồn cội của mình. Ngày trước, trong đoàn người rời quê nhà Thanh Hóa tiến về phương Nam có hai vị họ Nguyễn và họ Mai. Dừng chân nơi vùng đất dưới chân ngọn núi Phước Lý, hai vị nhận ra chốn hoang địa này có thế lưng tựa vào núi, mặt quay ra biển - theo cách nhìn phong thủy ngày xưa thì đây là vùng địa linh nhân kiệt - bèn dừng chân, quyết định chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Hai vị có công đầu mở đất lập làng được tôn vinh là Tiền hiền làng Phước Lý. Về sau, nơi đây còn có thêm các tộc họ Hồ, Dương, Trần, Đỗ, Biện, Nguyễn Văn, Phùng, Phan... đến lập nghiệp, được hậu thế gọi là Hậu hiền.
Trong các thư tịch cổ còn lưu giữ tại tư gia cụ Nguyễn Đình Phùng - hậu duệ của tộc Nguyễn Tiền hiền - có một văn tự ghi ngày 24 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ bốn mươi hai (năm 1781, đời vua Lê Hiển Tông) nói đến việc nhị vị Tiền hiền Nguyễn và Mai đứng ra lập địa bộ trình lên triều đình xin thành lập xã mới lấy xã hiệu là “Phước An Hạ”. Đến thời Thiệu Trị (1841-1847), trong sắc phong ghi ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ ba, “Phước An Hạ” được đổi thành “Phước Lý”, địa danh này tồn tại cho đến nay.
Ngoài ra, cụ Phùng còn giữ bộ Điền thổ của xã Phước Lý được lập ngày 10 tháng 4 năm Bảo Đại thứ bảy (1932), trong đó có đóng dấu triện Lý trưởng hình chữ nhật với các hàng chữ “P. QUANG NAM” (P là viết tắt chữ province, tiếng Pháp, nghĩa là tỉnh - NV), “D. HOA VINH” (D = district = huyện). Cụ Phùng giải thích: Hòa Vinh viết theo chữ Hán là 和荣, về sau đọc trại thành Hòa Vang.
Nhà thờ tộc Nguyễn làng Phước Lý còn lưu giữ nhiều vi bằng, chấp bằng qua nhiều triều vua, bên cạnh các vua triều Tây Sơn như Thái Đức (Nguyễn Văn Nhạc, 1778-1793), Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản, 1793-1801), còn có các vua triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức. Riêng ở đình Phước Lý, hiện còn giữ được 12 sắc phong, sắc xưa nhất ghi ngày 17 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ bảy (1826), sắc mới nhất ghi ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ chín (1924).
Nguyên làng Phước Lý có đến 18 tờ sắc phong. Thời chống Pháp, giặc đốt hết nhà dân trong làng, nhưng ngôi miếu tranh tre gần đó lửa không bén tới nên sắc phong không hề gì. Đến thời chống Mỹ, trong một lần lính Mỹ đi càn, nghi ngờ hộp đựng sắc phong chứa tài liệu mật nên ôm hết về đồn để “điều nghiên”. Cả làng sớn sác, giao cho cụ Phùng tìm cách nhờ người thông dịch giải thích mọi chuyện cho lính Mỹ, khi đem được sắc về tới đình thì kiểm lại thấy mất hết 6 tờ. Ngày trước, dân làng chỉ nghe nói có sắc phong chứ đố ai dám xem, thỉnh thoảng đến các ngày lễ trọng, chỉ các cụ trưởng thượng trong làng mới được ghé mắt tới.
Theo lệ xưa truyền lại, làng Phước Lý hằng năm có 3 lễ chính theo âm lịch: Giỗ Tiền hiền ngày 16-4, Lễ Tống ôn ngày 16-8 và Giỗ Âm linh ngày 16-12. Cụ Mai Đình Lịch, hậu duệ của tộc Mai Tiền hiền cho biết, ngày trước tổn phí cho các lễ này được trích từ lợi tức 4 sào ruộng “nhất đẳng điền” chuyên trồng lúa can - loại lúa nổi tiếng ngon và bổ, được dân gian xếp loại “nhất lúa can, nhì gan cá bống” - do nhị vị Tiền hiền để lại. Trong làng, ngoài các vị khoa bảng, còn nổi tiếng nghề thầy thuốc. Tộc Mai từng nổi tiếng với nghề thuốc bắc chuyên trị thương hàn. Tộc Hồ có người làm nghề thuốc nam chuyên trị ban sởi. Tộc Nguyễn lưu truyền nghề chuyên trị gãy xương, sai khớp mà dân gian quen gọi là “Thầy Phước Lý”.
Trước đây dân làng Phước Lý phần lớn làm nông dựa vào nước trời, tuy đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng ý hướng tâm linh kính ngưỡng tổ tiên thì lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Thấy các làng lân cận tổ chức được hội làng, nhờ mái đình mà gắn kết được các hoạt động tình làng nghĩa xóm, phục hồi được truyền thống văn hóa làng, bà con chư phái tộc làng Phước Lý sau nhiều lần hội họp đã quyết định nâng cấp lễ Giỗ Tiền hiền thành Lễ hội Đình làng.
Năm 2005, Hội làng Phước Lý được tổ chức lần đầu tiên nhân Lễ Giỗ Tiền hiền ngày 16-4 âm lịch. Sau Hội làng năm 2012, Phước Lý bước vào giải tỏa, được cấp 2.000m2 tại tổ 128, đường Lê Hiến Mai. Bà con chư phái tộc Phước Lý xây lại ngôi đình mới khang trang, đường bệ với kinh phí 2,354 tỷ đồng. Năm nay diễn ra khánh thành đình làng cùng với “Hội làng giữa phố Hòa Minh” lần thứ 8 do Phước Lý đăng cai.
Ông Mai Đình Vương, Trưởng Hội đồng Chư phái tộc làng Phước Lý, Trưởng ban tổ chức lễ khánh thành Đình làng Phước Lý và Hội làng giữa phố Hòa Minh lần thứ 8, cho biết từ hai tộc họ Tiền hiền ban đầu, đến nay Phước Lý có gần 40 tộc họ với 1.700 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu. Người cư trú lâu đời, người mới đến, tất cả sống cộng cư trên hai khu đất xưa có tên là xóm Gò Dư và xóm Trảng (còn gọi là xóm Làng), và Khu đô thị Phước Lý, cùng tề tựu về ngôi đình mới dâng nén hương tưởng nhớ các vị Tiền - Hậu hiền khai sơn phá thạch. Cụ Phùng giờ đã mất, cụ Lịch nay đã ngoài cửu tuần. Hai cụ đã mãn nguyện khi đình làng và người dân được tái định cư ngay trên mảnh đất tiền nhân đã dày công khai khẩn để tròn vẹn đạo nghĩa với người mở đất, lập làng.
VĂN THÀNH LÊ