Để có số liệu cung cấp đến cơ quan chức năng nhằm cảnh báo hiện tượng thời tiết bất thường cho người dân mỗi ngày, người quan trắc viên không quản ngại vất vả dù ngày nắng hay mưa, biển êm hay bão dữ vẫn oằn mình đếm từng giọt mưa, đo tỉ mỉ hướng gió hay ngóng trời nhìn mây…
Máu nghề chưa bao giờ nguội
Một ngày đầu hè tháng 5, tôi dong xe máy từ trung tâm thành phố về phía vịnh Đà Nẵng đến trạm Hải văn Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) tìm gặp ông Nguyễn Xuân Thiện (63 tuổi), nguyên Trạm trưởng Trạm Hải văn Sơn Trà để hiểu rõ hơn về công việc quan trắc viên môi trường biển. Trạm Hải văn Sơn Trà thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ đặt sát vịnh Đà Nẵng, tách biệt hoàn toàn so với bên ngoài.
Một mình trong căn phòng làm việc, ngoài kia sóng vỗ liên hồi, ông Thiện kể, trước đây, ông vốn là lính hải quân, đến năm 1989 ông được phân công về trạm Hải văn Sơn Trà. Tuy nghỉ hưu từ năm ngoái nhưng vì quá yêu nghề nên ông Thiện vẫn tiếp tục hợp đồng làm việc. Nhiều lần đối diện hiểm nguy bởi tuổi cao lại mang nhiều bệnh, làm việc ngày lẫn đêm đôi lúc kiệt sức nhưng ông vẫn thấy hạnh phúc vì chọn đúng nghề, góp sức nhỏ bé đem lại bình yên cho người dân. Đó là niềm hạnh phúc đối với ông cũng như nhiều quan trắc viên khác.
Nhấc tách trà còn ấm nóng, ông Thiện trầm ngâm nói: “Tôi về trạm từ lúc chỉ có ngôi nhà tạm bợ chứa vài công cụ đo đạc cơ bản, đường đi thì đất đá chông chênh, nhìn ra tứ phía thấy toàn là nước. Ở đây mùa hè nắng biển hong nóng da thịt, mùa mưa bão sóng dâng trắng xóa như nuốt trọn ngôi nhà, ai nhìn cũng thấy khiếp. Tính ra, quan trắc viên trên đảo hay ở nhà giàn ngoài khơi sẽ vất vả hơn chúng tôi, nhưng nhìn chung quan trắc viên trên biển vẫn là nghề phải neo thân mình nơi đầu sóng, ngọn gió.
Trời hè, biển êm đỡ hơn, trời mưa biển động thì việc đo mực nước cực kỳ khó khăn, giữa đêm khuya chúng tôi phải bám mình trên nền bê-tông, cúi xuống múc nước biển thực hiện công việc quan trắc. Chưa kể, nếu quan trắc viên không cẩn trọng sẽ dễ trượt chân rơi xuống biển. Làm nghề này tuy vất vả nhưng đã trót yêu thì khó lòng bỏ nghề, có giai đoạn tôi bỏ ngang 1 năm nhưng rồi quay lại vì nhớ nghề. Công tác hơn 30 mươi năm, công việc mỗi ngày cứ lặp đi lặp lại nhưng tôi không thấy nhàm chán, chỉ mong đủ sức khỏe cống hiến nhiều hơn nữa”.
Theo ông Thiện, bất kể điều kiện thời tiết ra sao, đến ca quan trắc, phát báo OBS (ốp) theo quy luật 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ, 17 giờ, 19 giờ, quan trắc viên phải quan sát bảng thủy chí (bảng đo mức nước) để quan trắc các yếu tố như mực nước biển, nhiệt độ, độ mặn, tầm nhìn ngang, tốc độ gió, hướng gió, độ cao sóng, hướng sóng và thời tiết diễn biến bất thường. Trước giờ vào ca 15 phút, quan trắc viên chuẩn bị thiết bị đo đạc, sổ ghi chép, đúng giờ tròn kém 2 phút bắt đầu ra hệ thống công trình quan trắc. Ví như mực nước thì quan trắc ở thủy chí, nhiệt độ nước thì đo bằng nhiệt kế cầm tay, độ mặn đo bằng máy đo mặn, đo tại công trình quan trắc mực nước. Còn gió quan trắc bởi hệ thống máy gió EL, Young, sóng quan trắc bằng ống nhòm ước lượng bằng mắt, tầm nhìn xa về phía biển thì đo ước lượng bằng mắt nhìn theo các cấp được quy định trong quy phạm.
Riêng sóng biển chỉ quan trắc vào lúc 1 giờ và 19 giờ mỗi ngày. Tất cả các công đoạn đòi hỏi quan trắc viên thao tác nhanh gọn, tỉ mỉ, chính xác từng con số, bởi nếu sai số sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống dữ liệu phía sau. Có được số liệu thô phải quy ra mã điện tức thời chuyển về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ và Tổng cục khí tượng Thủy văn trong vòng 5 đến 7 phút. Ngoài giờ làm ca theo quy định, quan trắc viên phải trực để quan trắc các yếu tố thời tiết nguy hiểm như gió giông, hiện tượng bất thường tại nơi vị trí đặt trạm.
Vào nghề đến nay hơn 10 năm nhưng máu nghề trong anh Nguyễn Quang Hiếu (33 tuổi), Trạm trưởng Trạm Hải văn Sơn Trà chưa bao giờ nguội, anh chia sẻ, gia đình có truyền thống làm nghề khí tượng thủy văn nên từ nhỏ anh sớm theo bố và dần dà yêu nó lúc nào không hay. Sau khi tốt nghiệp ngành thủy văn Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, năm 2014 anh công tác tại trạm Thủy văn Sơn Giang (tỉnh Quảng Ngãi) và đến năm 2015 được phân công về Trạm Hải văn Sơn Trà. “Thời gian đầu mới về, trạm khá sơ sài, thiếu thốn trăm bề nhưng được sự quan tâm của cấp trên nên trạm được tu bổ, sửa chữa qua từng năm tháng.
Tôi còn nhớ, vì trạm sát cửa biển nên tiếng sóng đánh rất mạnh và tiếng động cơ tàu hàng di chuyển liên tục khiến tôi mất ngủ mấy tháng trời. Gần nửa năm, tôi mới dần quen với tiếng sóng ở trạm. Bây giờ, mỗi khi đi đâu không được nghe sóng tôi lại nhớ da diết. Có nhiều hôm mưa to, sóng lớn, gió như hất tung cả người lẫn công cụ quan trắc nhưng cứ đến giờ, tôi và đồng nghiệp vẫn hoàn thành nhiệm vụ gửi dữ liệu về trạm nguồn. Tôi luôn nghĩ có dữ liệu thì người dân sẽ phần nào chủ động trong sinh hoạt, nhất là ngư dân đang khai thác thủy hải sản trên biển. 10 năm lặng lẽ với công việc, năm ngoái tôi được bổ nhiệm làm trạm trưởng, đó là nguồn động lực to lớn để tương lai tôi tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Hiếu xúc động nói.
Ngoài quan trắc mực nước biển, trạm còn có nhiệm vụ lấy mẫu môi trường nước biển mỗi tháng vào lúc đỉnh thủy triều và chân thủy triều. Để thực hiện công đoạn này, quan trắc viên phải sử dụng thuyền thúng di chuyển cách bờ biển 100 mét vào lúc biển có sóng nhẹ. Ngoài ra, trạm thực hiện quan trắc yếu tố lượng mưa theo 2 mùa là mùa lũ và mùa cạn. Vào mùa cạn từ tháng 1 đến hết tháng 8, mùa lũ từ tháng 9 đến cuối tháng 12, mùa cạn quan trắc vào 7 giờ và 19 giờ, mùa lũ quan trắc lần lượt theo khung giờ 1-7-13-19 giờ.
Trạm trưởng Trạm Hải văn Sơn Trà Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ: “Trong mùa lũ khi có tin áp thấp nhiệt đới ngoài biển, trạm sẽ tăng ca trực ốp từ 4 ca lên 8 ca, nếu hình thành bão mạnh ảnh hưởng tới khu vực bờ biển Trung Trung Bộ thì trạm tăng số lần quan trắc, có thể mỗi giờ quan trắc 1 lần. Nhiều năm qua, trạm được đầu tư nâng cấp các máy thiết bị tự động thay vì quan trắc thủ công như trước đây. Vì vậy, ngoài quan trắc các yếu tố đo, quan trắc viên vừa thao tác quan trắc thủ công vừa bật máy tự động lấy số liệu, đồng thời so sách giữa số liệu thủ công và số liệu đo tự động để tăng độ chính xác cao nhất”.
Dứt buổi trò chuyện, anh Hiếu liền chỉ tay ra biển nói với tôi rằng, hôm nay gió đông nam đang hoạt động, hướng sóng cấp 3, tốc độ gió 4 đến 5 m/s, ít có khả năng mưa. Nghe anh Hiếu nói liên hồi về công việc với một bụng kiến thức, tôi mường tượng dường như nắng gió đã hòa quyện vào trong anh tình yêu nghề khó tả. Thiên tai khốc liệt đến đâu thì anh và đồng nghiệp vẫn cần mẫn, tâm huyết và đặt tinh thần trách nhiệm lên trên hết.
Tình yêu nghề níu giữ
Đang tất bật với công việc quan trắc khí tượng vào buổi chiều cuối ngày, chị Nguyễn Thị Hoàng Phượng (39 tuổi), quan trắc viên tại Trạm khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ vừa luôn tay ghi chép số liệu vừa cho hay, tính đến nay chị có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề khí tượng. Quan trắc viên khí tượng thủy văn chia làm 3 loại là hải văn dưới nước, khí tượng trên bờ và thủy văn trên sông. Dưới biển ốp 1 ngày 5 lần nhưng trên bờ 1 ngày phải ốp 8 lần cách nhau 3 tiếng theo khung giờ 1-4-7-10-13-16-19-22 giờ, còn thủy văn trên sông đã có máy đo tự động. Vì vậy, mỗi ca trực đêm hầu như quan trắc viên thức trắng đêm để quan trắc khí áp, nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, mây, mưa và cập nhật dữ liệu liên tục. Chị Hòa cười nói, nếu đến cơ quan mùa mưa bão thì cứ ngỡ trường mầm non vì đa số quan trắc viên, dự báo viên nữ đều mang con theo để tiện làm việc.
“Ngày nắng nóng đến 39 độ, quan trắc viên vẫn giang nắng thu nhập dữ liệu, mùa mưa bão cách 30 đến 60 phút phải quan trắc một lần. Thậm chí, đến mùa mưa, mỗi đêm chúng tôi phải thay tận 3 bộ quần áo vì dầm mưa ướt sũng. Nghề quan trắc thu nhập không cao, giờ giấc nghiêm ngặt, mưa gió bão lũ vẫn phải đi, không được nghỉ lễ và túc trực 24/24 giờ, nhưng nhờ có tình yêu nghề đã níu tôi ở lại đến tận bây giờ, nó như ngọn lửa thổi bùng không bao giờ tắt. Chỉ cần nghe ai đó nói rằng, nhờ có bảng tin dự báo mưa bão mà tránh được điều gì đó thì tôi cảm thấy vui trong nhiều ngày liền, mỗi ngày cộng gộp niềm vui như thế nên 20 năm trôi qua tôi chưa bao giờ thấy nản hay có ý định bỏ nghề”, chị Phượng tâm sự và nói rằng với người ngoài, nhìn lên trời ngắm mây thấy bầu trời toàn màu hồng nhưng chỉ có người trong ngành mới biết được mây tầng dưới hay mây tầng trên, mây mưa hoặc mây đang tụ bão. Điều quan trọng, những thông tin dự báo thời tiết mỗi ngày được lấy từ dữ liệu tại trạm và được sử dụng chung trên cả nước, đồng thời phát báo quốc tế cho những quốc gia lân cận. Ngoài ra, dữ liệu từ trạm không chỉ phát trong ngày mà còn lưu giữ hơn mươi năm sau. Đó là cột mốc để các cấp chính quyền căn cứ và so sánh thời tiết để cảnh báo thời tiết cực đoan.
Bà Hoàng Thị Tùng, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cho biết, tất cả các trạm khí tượng trên cả nước từ đồng bằng, trung du, miền núi hay hải đảo đều tuân theo khung giờ quan trắc theo quy định. Vì vậy, cứ đến giờ quan trắc thì quan trắc viên phải cập nhật số liệu phục vụ bảng tin hằng ngày. “Những năm gần đây cuộc sống của quan trắc viên đỡ vất vả hơn nhờ sự quan tâm của các cấp từ tiền lương, chế độ làm ngoài giờ và đầu tư máy móc đo đạc tự động hiện đại. Dẫu công việc có đôi phần khó khăn nhưng minh chứng rõ nhất cho sự phấn đấu của họ là dữ liệu mỗi ngày được cung cấp đến người dân một cách kịp thời, chính xác nhất”, bà Tùng bày tỏ.
HUỲNH TƯỜNG VY